AT&T “nuốt chửng” T-Mobile

AT&T “nuốt chửng” T-Mobile

(ĐTCK-online) Đầu tuần này, AT&T, tập đoàn cung cấp dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) lớn thứ 2 Mỹ đã chính thức đạt được thoả thuận mua lại T- Mobile USA, nhà cung cấp dịch vụ ĐTDĐ lớn thứ 4 nước này, với số tiền khá khủng, 39 tỷ USD. Nhờ có thương vụ mua lại này, AT&T sẽ vượt qua Verizon Wireless để trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ ĐTDĐ số 1 Mỹ.

Để chắc ăn, AT&T còn chấp nhận điều khoản nếu đơn phương phá vỡ hợp đồng thì Tập đoàn sẽ phải trả 3 tỷ USD (tương đương gần 8% giá trị hợp đồng) tiền phạt. Con số này cao hơn nhiều so với mức thông thường ở các hợp đồng dạng này ở Mỹ (chỉ tối đa là 5%). Điều này cho thấy, AT&T “máu” đến mức nào khi theo đuổi vụ mua lại này.  

Theo thoả thuận, AT&T sẽ trả cho T- Mobile USA 25 tỷ USD bằng tiền mặt và 14 tỷ USD bằng cổ phiếu AT&T (tương đương 8% cổ phần). 

Nhờ có 8% cổ phần ở AT&T, Deutsche Telekom vẫn sẽ có mặt tại thị trường Mỹ.

Năm 2000, Deutsche Telekom đã bỏ ra 40 tỷ Euro để mua lại Voicestream, rồi khoác cho cái tên mới là T- Mobile USA, với tham vọng sẽ chiếm lĩnh được thị phần lớn ở Mỹ. Trải qua gần 11 năm chinh chiến ở Mỹ, T- Mobile USA vẫn chỉ lẹt đẹt ở vị trí thứ tư, với 34 triệu thuê bao ĐTDĐ (tương đương 11% thị phần). Do T- Mobile USA làm ăn bi bét, nên 2 cổ đông lớn của Deutsche Telekom là Chính phủ Đức (sở hữu 15% cổ phần) và Ngân hàng Phát triển Đức KfW (nắm 17% cổ phần) đã liên tục gây sức ép để Deutsche Telekom tìm cách tháo lui khỏi thị trường Mỹ và phần nào thu hồi lại vốn.

Ông Rene Obermann, Giám đốc điều hành (CEO) Deutsche Telekom cho biết, Deutsche Telekom có thể dùng một phần số tiền bán được đầu tư vào các thị trường Đông Âu, vừa gần Đức hơn về địa lý, vừa có điều kiện kinh doanh và chi phí dễ chịu hơn nhiều so với ở Mỹ. Nhiều khả năng, Deutsche Telekom sẽ tham gia đấu thầu mua lại 80% cổ phần của Telekom Srbija, tập đoàn viễn thông của Serbia, khi giá chào bán hiện chỉ là 1,4 tỷ Euro.

Trở lại với thương vụ mua bán đang nổi đình đám trên. Nhìn chung, các nhà đầu tư đều phản ứng thuận với thương vụ này. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 22/3, tại Sở GDCK New York (Mỹ), giá cổ phiếu của AT&T tăng 1,2%. Còn tại Sở GDCK Frankfurt (Đức), giá cổ phiếu của Deutsche Telekom còn tăng mạnh hơn, tới 11,3%.

Sau khi vụ mua lại hoàn tất, AT&T sẽ có khoảng 130 triệu thuê bao (tương đương 43% thị phần), đứng đầu Mỹ; tiếp theo là Verizon Wireless (liên doanh giữa Tập đoàn viễn thông Vodafone Group - Anh và Verizon Communications), với 102 triệu thuê bao (khoảng 34,5% thị phần) và Sprint Nextel chỉ chiếm 12 % thị phần.

Như vậy, Sprint Nextel bị tụt lại phía sau 2 ông lớn một khoảng cách khá xa. Thực ra, Sprint Nextel đã tiên liệu được về tình cảnh này, nên đã tìm mọi cách tiếp cận T- Mobile, nhưng sau vài lần ngồi lại với nhau mà hai bên vẫn không thể tìm được tiếng nói chung về nhiều nội dung quan trọng. Ngay về công nghệ, hai bên cũng không tương thích. Trong khi T- Mobile sử dụng công nghệ GSM, thì Sprint Nextel và Verizon Wireless lại chọn CDMA. AT&T cũng xài GSM, nên nói gì thì nói, về mặt kỹ thuật, AT&T hợp với T- Mobile nhất.

Ông Randall Stephenson, CEO AT&T khẳng định, thương vụ AT&T mua lại T- Mobile về mặt nội bộ là hoàn toàn ổn, song về mặt thủ tục pháp lý thì còn phải chờ sự phê chuẩn của Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC), nên có thể phải đến cuối năm nay mọi việc mới xong xuôi.

Thế rồi, trở ngại đầu tiên đã xuất hiện khi ngày 23/3, Sprint Nextel đã có đơn khiếu nại lên Quốc hội Mỹ đề nghị can thiệp bằng cách chỉ đạo các cơ  quan chức năng không chuẩn y vụ mua lại này.

Ông Dan Hesse, CEO Sprint Nextel nêu lý do là AT&T sẽ quá lớn, nên có thể sẽ áp đặt giá cước, làm tổn hại đến sức cạnh tranh của nhà mạng bé hơn như Sprint Nextel.   

Nhiều nhà phân tích nhận xét, về cơ bản, AT&T sẽ không gặp trở ngại lớn nào từ phía các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ.

Thứ nhất, AT&T (mới) không nắm thị phần chi phối, nên cũng không thể áp đặt giá cước được. 

Thứ hai, đội ngũ lãnh đạo AT&T có tiếng là giỏi “lobby”, lại có mối quan hệ tốt với Chính phủ và các nhà lập pháp Mỹ. Năm ngoái, AT&T dành tới 15,4 triệu USD để “lobby”, mức cao thứ 8 trong các doanh nghiệp Mỹ.

Hơn nữa, Chánh văn phòng Nhà Trắng William Daley, từng là Chủ tịch SBC Communications Inc. và SBC Communications Inc. đã sáp nhập với AT&T vào năm 2005 để thành ra AT&T hiện nay.

Ông Phillip Redman, chuyên gia phân tích của Hãng Gartner nhận xét: “Trong cuộc chơi này, lớn hơn đồng nghĩa với tốt hơn. Ba nhà mạng là vừa xinh, còn bốn thì quá nhiều. Vụ sáp nhập này chắc chắnkhông thể khiến giá cước viễn thông Mỹ tăng lên”.

Các tập đoàn Greenhill, JPMorgan, Evercore (tư vấn cho AT&T); Morgan Stanley, Credit Suisse và  Deutsche Bank (tư vấn cho Deutsche Telekom) thì vui ngay từ bây giờ khi bỏ túi ngon lành cỡ hàng trăm triệu USD.