Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và đạo tạo về bảo hiểm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của IAV

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và đạo tạo về bảo hiểm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của IAV

AVI nỗ lực vì quyền lợi hội viên và thị trường bảo hiểm

(ĐTCK) Là ngôi nhà chung của các doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam, trong năm 2016, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của các hội viên vì sự phát triển chung của thị trường.

Đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật

IAV đã tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp bảo hiểm về dự thảo các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45/2007/NĐ-CP, Nghị định 46/2007/NĐ-CP, Nghị định 123/2011/NĐ-CP và gửi kiến nghị tới các cơ quan liên quan.

Đồng thời, Hiệp hội tổng hợp các ý kiến, vướng mắc liên quan đến Thông tư 22/2016/TT-BTC về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, Thông tư 220/2010/TT-BTC về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Hiệp hội cũng đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp bảo hiểm gửi Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Tài chính về dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngoài ra, Hiệp hội đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; đóng góp ý kiến xây dựng hợp đồng mẫu về bảo hiểm sức khỏe do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tổ chức.

Hiệp hội còn phối hợp với Phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm hoàn thiện dự thảo Quy tắc điều khoản mẫu bảo hiểm sức khỏe lấy ý kiến các doanh nghiệp trình Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Vụ Pháp chế xây dựng chương trình pháp luật sửa đổi, bổ sung Nghị định 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Nghị định 103/2008/ NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

AVI nỗ lực vì quyền lợi hội viên và thị trường bảo hiểm ảnh 1

Phổ biến, tuyên truyền về bảo hiểm

IAV đã phát hành Bản tin Bảo hiểm và đời sống với số lượng 1.000 bản/tháng, cung cấp thông tin về hoạt động của Hiệp hội, các doanh nghiệp bảo hiểm và thị trường bảo hiểm; phối hợp tuyên truyền về bảo hiểm trên các báo; thành lập Ban quản lý dự án tuyên truyền bảo hiểm nhân thọ 2016.

Hiệp hội còn tuyên truyền về kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đầu tư tài chính năm 2015, dự báo năm 2016; về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới; về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, Hiệp hội gửi nhiều tin, bài, ảnh, trả lời phỏng vấn liên quan đến thị trường bảo hiểm, đăng tải trên nhiều báo; phối hợp với Manulife trả lời trực tuyến trên Tuổi trẻ online và tuyên truyền về bảo hiểm nhân thọ trong các hội nghị khách hàng, đại lý bảo hiểm.

Tổ chức hội thảo, đào tạo về bảo hiểm

IAV đã phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tổ chức tập huấn Thông tư 22/2016/TT-BTC tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; tổ chức các hội thảo về tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tổ chức hội nghị phổ biến Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm.

Hiệp hội cũng đã phối hợp tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng hợp đồng mẫu bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bảo hiểm nhân thọ đầu tư, bảo hiểm sức khỏe.

Ngoài ra, Hiệp hội phối hợp với Học viện Truyền thông SAGE tổ chức khóa đào tạo xử lý khủng hoảng truyền thông cho các doanh nghiệp bảo hiểm; phối hợp với Công ty NMG tổ chức 2 hội thảo về chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán tại Hà Nội, TP.HCM.

Hợp tác tự quản

IAV đã tập hợp các bộ điều khoản bảo hiểm hàng hóa, tàu biển, tài sản, tổ chức dịch, hiệu đính, họp với các chuyên gia tổ phản biện và chỉnh lý, bổ sung để xin ý kiến các ban bán chuyên trách, CEO, thông qua Hội đồng nghiệm thu (Ban Chấp hành trong khối bảo hiểm phi nhân thọ) làm căn cứ để Chủ tịch ký quyết định ban hành.

Ngoài ra, Hiệp hội phối hợp xây dựng bản Nguyên tắc chung khi ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm với các đại lý là tổ chức, Bộ tiêu chuẩn đạo đức đại lý bảo hiểm nhân thọ phù hợp với Quy chế AVICAD sửa đổi năm 2015; phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm liên quan giải quyết và trả lời ý kiến của đại lý cũng như khách hàng.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Ngoài duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với các tổ chức bảo hiểm quốc tế như Tổ chức Phát triển văn hóa bảo hiểm nhân thọ Đông Phương (OLIS) của Nhật Bản, Hiệp hội bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản (IAJ), Hiệp hội bảo hiểm phi nhân thọ Hàn Quốc, Hội đồng Bảo hiểm ASEAN…, IAV đã có các hoạt động nhằm mở rộng hợp tác quốc tế.

Trong đó, đáng chú ý là ngày 22/9/2016, IAV đã làm việc với ông Jeremy Wall, Tổng giám đốc Công ty tư vấn JP Wall. Hai bên đã trao đổi về hướng hợp tác giữa IAV và JP Wall trong tương lai.

Được biết, JP Wall là công ty chuyên cung cấp dịch vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn định phí bảo hiểm và các giải pháp phần mềm định phí bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm trong khu vực. Khách hàng của JP Wall ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận được hỗ trợ từ các trụ sở văn phòng của JP Wall đặt tại Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines.

Hoặc ngày 29/9/2016, IAV đã làm việc với ông Watanabe - đại diện Tổ chức Định phí Nhật Bản (GIRO), đề nghị sự hỗ trợ, hợp tác từ phía GIRO, đặc biệt trong lĩnh vực tính phí bảo hiểm xe cơ giới. Ông Watanabe đã đề xuất chương trình hợp tác dự kiến với cơ quan quản lý bảo hiểm Việt Nam và IAV, trong đó có việc tổ chức khoá đào tạo cho một số chuyên gia của cơ quan quản lý bảo hiểm.

Liên quan đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm, dự thảo Luật về Hội quy định, các Hội không được liên kết, không nhận tài trợ nước ngoài. Ý kiến từ các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, quy định này nhằm ngăn ngừa các nguy cơ từ bên ngoài gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác nhận xét, quy định như vậy không phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay, đặc biệt sẽ ảnh hưởng lớn tới những hội nghề nghiệp chuyên môn, như trong lĩnh vực y tế, nhân đạo, kinh doanh bảo hiểm. Trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, việc nhận tài trợ của quốc tế thông qua các hội nghề nghiệp là cần thiết.

Ông Hà Vũ Hiển, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine cho biết, hoạt động kinh doanh bảo hiểm luôn phải phân tán rủi ro sang các thị trường tái bảo hiểm quốc tế nên có sự liên thông quốc tế rất cao. Chính vì vậy mà từ rất sớm, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã được thị trường bảo hiểm quốc tế quan tâm. Không ít công ty bảo hiểm cũng như tái bảo hiểm quốc tế có các hoạt động tài trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Theo ông Hiển, kể từ khi IAV được thành lập, việc hợp tác quốc tế giữa các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có xu hướng thông qua một đầu mối là Hiệp hội. Đây là một xu hướng phù hợp. Một trong những ví dụ tiêu biểu là sự hợp tác tốt đẹp giữa IAV và IAJ.

Trong nhiều năm qua, thông qua sự hợp tác này, nhiều cán bộ, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm là thành viên của IAV đã được cử đi đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ tại cơ sở đào tạo của IAJ với sự tài trợ của phía bạn. Ngoài ra, IAJ còn thường xuyên cử các chuyên gia của họ đến Việt Nam, thông qua IAV để mở các hội thảo đào tạo nâng cao về nghiệp vụ cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm về những vấn đề có liên quan, nhằm mở rộng và phát triển thị trường bảo hiểm.

Chính vì vậy, ông Hiển cho rằng, các hoạt động nói trên là rất cần thiết đối với một hội nghề nghiệp như IAV. Luật về Hội không nên có những quy định cứng nhắc, tránh tình trạng không quản được thì cấm, hạn chế cơ hội phát triển thông qua hợp tác quốc tế của các tổ chức nghề nghiệp, trong đó có IAV.

Tin bài liên quan