Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng doanh nghiệp có niềm tin, đầu tư trở lại, kinh tế mới tăng trưởng. Ảnh: Thành Nhân

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng doanh nghiệp có niềm tin, đầu tư trở lại, kinh tế mới tăng trưởng. Ảnh: Thành Nhân

Ba nguyên nhân khiến kinh tế TP.HCM xấu hơn dự báo

0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Trần Du Lịch, đầu tư công, tháo gỡ thể chế, phát triển thị trường nội địa là ba động lực giúp nền kinh tế phục hồi, song TP.HCM chưa tận dụng được.

Nêu ý kiến tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022, diễn ra sáng 1/4, TS Trần Du Lịch cho rằng, sau gần 40 năm, đây là lần đầu tiên TP.HCM nằm trong nhóm tăng trưởng thấp nhất cả nước. Dù các chuyên gia đã đưa ra dự báo kém khả quan vào quý IV/2022, kết quả thực tế còn xấu hơn.

Ông cho biết một vấn đề có tính quy luật đã được chứng minh với TP.HCM, nếu tình hình thế giới tốt thì Thành phố chuyển biến rất tích cực và ngược lại.

Nhìn toàn cảnh tình hình thế giới lẫn trong nước, rất không may cho kinh tế cả nước và Thành phố trong quý IV/2022 vừa chịu tác động lớn từ bên ngoài là biến động thị trường tài chính thế giới và bên trong với những bất ổn về ngân hàng, tín dụng, thị trường bất động sản.

“Hai yếu tố này cộng hưởng làm chúng ta cực kỳ khó khăn và Thành phố là địa bàn chịu tác động của 2 yếu tố này mạnh nhất cả nước”, ông Lịch nhìn nhận.

Ông Lịch cho rằng, đến thời điểm quý I/2023, tình hình trong cả nước đã dễ chịu hơn, khi ngân hàng vượt qua nguy cơ đổ vỡ, kiểm soát được lạm phát tỷ giá và ứng phó thị trường tài chính thế giới. Song vì sao tăng trưởng quý I/2023 của Thành phố lại thấp như vậy?

Làm rõ nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, ông Lịch cho rằng có 3 giải pháp để Thành phố phục hồi sau cơn “bạo bệnh” và đã được nhiều chuyên gia đồng tình, gồm: đầu tư công, tháo gỡ thể chế để hấp thụ vốn, phát triển thị trường nội địa.

Tuy nhiên, trong quý vừa qua đều không được sử dụng tốt.

Đầu tiên là giải ngân đầu tư công. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Thành phố chỉ giải ngân được 952 tỷ đồng, tương đương 2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng.

“Thành phố đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế”, ông Lịch nhấn mạnh.

Về thể chế, ông cho biết đã có nhiều kiến nghị thành phố cần công khai, minh bạch thông tin của toàn bộ các dự án đang tồn đọng trên địa bàn. Dù vậy, thông tin đến nay vẫn mù mờ.

“Đây là vấn đề tôi đã đề xuất Thành phố trong năm 2022 với 10 nhóm giải pháp, trong đó cần công khai, minh bạch toàn bộ các dự án đang tồn đọng, cái nào làm, cái nào không làm nhưng tới nay vẫn chưa có. Vậy công cụ hấp thụ vốn chúng ta không thực hiện được, không thành công”, ông Lịch phân tích.

Vấn đề cuối cùng là phát triển thị trường nội địa, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tại Thành phố chỉ tăng trưởng hơn 3%, trong khi cả nước đạt gần 10%. Điều này chưa bao giờ xảy ra.

“Ba trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, liều thuốc sau thời kỳ bạo bệnh nhưng Thành phố đều không sử dụng hiệu quả”, ông Lịch nói và cho rằng đây là những vấn đề ông đã kiến nghị, không biết thành phố đã triển khai đến đâu.

“Thành phố phải tháo gỡ đầu tư công, đầu tư tư nhân để vốn vào nền kinh tế, còn không thì không làm được gì”, ông Lịch nói và nhấn mạnh thêm vấn đề mấu chốt là Thành phố phải công khai, minh bạch thông tin để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có niềm tin, đầu tư trở lại, kinh tế mới tăng trưởng.

Theo TS. Trần Du Lịch, dự báo bối cảnh vĩ mô, thị trường tài chính có thể dễ chịu hơn, tình hình trong nước và cả thế giới khởi sắc hơn từ cuối quý II đến đầu quý III, ông tin Thành phố sẽ sớm lấy lại được đà tăng trưởng nếu cải thiện được những yếu tố đã phân tích trên.

“Thành phố có truyền thống năng động, sáng tạo; có vị thế như đã khẳng định trong Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; giải quyết được những vấn đề trì trệ, gỡ khó để hấp thụ vốn, không chung chung mà phải công khai, minh bạch để tập niềm tin cho doanh nghiệp”, ông Lịch nói và nhấn mạnh, nếu làm được, Thành phố sẽ bù đắp được những cái mất thời gian qua.

Tin bài liên quan