“Bà trùm” Trương Mỹ Lan phù phép rút ruột cả triệu tỷ đồng từ SCB - Bài 3: Tầng 39 bí ẩn và mật mã trên hồ sơ vay tiền

0:00 / 0:00
0:00
Trên tầng 39 - tầng cao nhất của tòa nhà Times Square - có một phòng họp đặc biệt. Khi cần tiền, “bà trùm” triệu tập thân tín và lãnh đạo SCB đến đây để ra “chỉ thị”.
“Bà trùm” Trương Mỹ Lan phù phép rút ruột cả triệu tỷ đồng từ SCB - Bài 3: Tầng 39 bí ẩn và mật mã trên hồ sơ vay tiền

Bài 3: Tầng 39 bí ẩn và mật mã trên hồ sơ vay tiền

Trên tầng 39 - tầng cao nhất của tòa nhà Times Square - có một phòng họp đặc biệt. Khi cần tiền, “bà trùm” triệu tập thân tín và lãnh đạo SCB đến đây để ra “chỉ thị”. Hồ sơ vay của Vạn Thịnh Phát có “mật mã” để phân biệt với khách hàng thông thường.

Căn phòng trên tầng 39

Trong “seri” khối tài sản khổng lồ của Vạn Thịnh Phát, tòa nhà Times Square nằm ngay góc đường đắt đỏ bậc nhất Sài thành, cũng là tòa nhà thứ 2 của TP.HCM sở hữu bãi đậu trực thăng trên sân thượng và khách sạn 6 sao duy nhất tại Việt Nam, có sứ mệnh đặc biệt khi được xem là “bàn đạp” cho cuộc “chinh phạt” đất vàng của “bà trùm”.

Giai đoạn 2009 - 2012 (giai đoạn Trương Mỹ Lan lên kế hoạch rồi tiến hành thâu tóm SCB), theo yêu cầu của vợ, tỷ phú người Hồng Kông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Times Square, chồng của Trương Mỹ Lan) đã ký khống các thủ tục để sử dụng tài sản quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại Dự án Tòa nhà Times Square. Việc này nhằm đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do “bà trùm” chỉ định để vừa có tiền đầu tư Dự án, vừa sử dụng cho mục đích riêng của Trương Mỹ Lan.

Từ nguồn vốn vay của SCB và các khoản tiền trả nợ cũng lấy từ ngân hàng này, năm 2015, tòa nhà Times Square hoàn thành.

Tòa nhà Times Square nằm tại vị trí đắc địa ở trung tâm quận 1 (TP.HCM). Ảnh: Lê Toàn

Tòa nhà Times Square nằm tại vị trí đắc địa ở trung tâm quận 1 (TP.HCM). Ảnh: Lê Toàn

Sau khi thao túng xong SCB, trên tầng cao nhất của tòa nhà Times Square, “bà trùm” thường triệu tập cháu gái Trương Huệ Vân và Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc SCB các thời kỳ như Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung…, để chỉ đạo triển khai rút ruột SCB. Tại đây, “bà trùm” thông báo cần số lượng bao nhiêu tiền, sử dụng tài sản gì để thế chấp, nâng khống bao nhiêu và thời gian giải ngân để mọi người cùng thực hiện.

SCB huy động tiền gửi trên cả nước chủ yếu để cho Trương Mỹ Lan vay

Ngân hàng SCB nhận tiền gửi của các cá nhân, tổ chức cả nước, quản lý tiền huy động để cấp tín dụng cho khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, trong hoạt động cấp tín dụng, các khoản vay do Trương Mỹ Lan chỉ đạo cho vay chiếm đến 93% tổng số các khoản vay của SCB. Phần còn lại (chỉ 7%), SCB cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vay, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm/giấy tờ có giá, cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân (mua nhà, mua xe...), cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng.

Trên cơ sở “chỉ thị” này, Trần Thị Mỹ Dung sẽ thông báo cho Bùi Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT SCB tổ chức họp lãnh đạo chủ chốt SCB, như Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc); Đỗ Phú Huy (Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở), Bùi Nhân (Phó giám đốc Khối Tái thẩm định), Trần Hoàng Giang (Giám đốc Phòng Tái thẩm định), Bùi Ngọc Sơn (Phòng Tái thẩm định).

Trong cuộc họp, Trần Thị Mỹ Dung thông báo cho mọi người biết chỉ đạo của “bà trùm”. Sau khi thống nhất chủ trương thực hiện, Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng hoặc Trần Thị Mỹ Dung sẽ triển khai xuống Khối Tái thẩm định để lập group chat qua ứng dụng Viber, Zalo, Telegram..., gửi thông tin khoản vay lên nhóm này để Chi nhánh SCB phối hợp, lập tờ trình đề nghị cho vay, gửi Khối Tái thẩm định hoàn thiện các hồ sơ phê duyệt.

Thực tế, đối với các hồ sơ cho vay thuộc nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát, hầu hết các khoản vay đều được SCB giải ngân trước theo yêu cầu sử dụng tiền của Trương Mỹ Lan, sau đó, các bộ phận liên quan tại SCB mới phối hợp, hoàn thiện hồ sơ cấp tín dụng để hợp thức.

Có những giai đoạn, Trương Mỹ Lan không cần triệu tập, mà gọi điện thẳng cho Tổng giám đốc SCB các thời kỳ, như Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng hoặc Nguyễn Phương Hồng. Chỉ cần qua trao đổi “sơ sơ” trên điện thoại, lãnh đạo SCB biết “bà trùm” cần SCB giải ngân khoản vay nào đó.

Sau khi lãnh đạo SCB nhận “lệnh” và trở về trụ sở, Trương Mỹ Lan mới chỉ đạo cho bộ phận liên quan tại Vạn Thịnh Phát phối hợp, nhưng không phải tại căn phòng ở tầng 39 của tòa nhà Times Square, mà ngay tại các cuộc họp của Tập đoàn, hoặc trong các bữa cơm trưa, cơm tối.

“Bà trùm” thường “lệnh miệng” cho Hồ Bửu Phương (Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát) phối hợp với Văn phòng HĐQT, Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) và các nhóm quản lý công ty để “giải quỹ” các khoản vay SCB.

Nhóm Nguyễn Phương Anh xây dựng các phương án vay vốn khống, như mua bán, chuyển nhượng “lòng vòng” cổ phần các doanh nghiệp, thụ hưởng tiền vay, thầu chính, thầu phụ, vay vốn bổ sung, vốn lưu động... nhằm tạo thành các bộ hồ sơ vay vốn của các pháp nhân, cá nhân gửi SCB.

Các tổng giám đốc, phó tổng giám đốc SCB chỉ đạo cán bộ, nhân viên SCB lập theo các phương án vay vốn của Nguyễn Phương Anh, rồi thông báo cho Phương Anh biết để mở “kho” công ty “ma”/cá nhân đứng tên ký khống hồ sơ vay vốn của SCB và các chứng từ liên quan.

Tới công đoạn này, Nguyễn Phương Anh mới được trực tiếp gặp Đặng Phương Hoài Tâm (Phó trưởng văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát, được “bà trùm” giao theo dõi các bất động sản riêng lẻ để biết tài sản nào đã đưa vào vay ngân hàng, tài sản nào chưa vay, quản lý theo dõi danh sách các công ty, cá nhân đứng tên tài sản, đứng tên khoản vay…) để yêu cầu cung cấp, chọn lọc trong “kho” các công ty/cá nhân đang không có dư nợ, chưa sử dụng đến nhằm hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ, chứng từ liên quan đến khoản vay.

Mật mã hồ sơ có quy trình ngược

Như tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần, SCB huy động tiền gửi từ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác để cho vay.

Từ “chỉ thị” của Trương Mỹ Lan, đối với khách hàng vay vốn, SCB bí mật phân biệt thành 2 nhóm khách hàng với mật mã riêng và triển khai “mật” xuống các bộ phận liên quan để nhân viên chỉ cần nhìn vào ký hiệu này đều hiểu là “hồ sơ của Madam”.

Cụ thể, với nhóm khách hàng thông thường, trên hồ sơ vay được ký hiệu là “KHTT” (khách hàng thông thường).

Theo kết luận của cơ quan điều tra, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào các mục đích của Trương Mỹ Lan.

Vì đều là các khoản vay khống, nên khi đến hạn không trả được nợ, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm lại tiếp tục tạo ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại ngày càng lớn. Trong đó, từ ngày 9/2/2018 đến 7/1/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.

Còn với nhóm khách vay liên quan nhóm Vạn Thịnh Phát, đều thể hiện trên hệ thống Core Banking của SCB với ký hiệu là “HSTT”, tức là “Hội sở tiếp thị”.

Theo quy trình, khách hàng thông thường sẽ tự đến ngân hàng để liên hệ vay vốn và do các chi nhánh của SCB tiếp nhận, thẩm định, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoặc các chi nhánh SCB là đầu mối tìm, khai thác khách hàng; nhận tài liệu, hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng; thẩm định, duyệt cấp chi nhánh, rồi mới trình lên Phòng Tái thẩm định để thẩm định lại và trình Tổng giám đốc hoặc HĐQT SCB phê duyệt.

Nhưng, tất cả hồ sơ có mật mã “HSTT” đều thực hiện ngược quy trình. Các khoản vay này được tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc SCB chỉ đạo Phòng Tái thẩm định lập thông tin khoản vay trước, gửi chi nhánh để giải ngân ngay. Sau đó, các chi nhánh mới hoàn thiện các thủ tục để hợp thức mà không thực hiện việc thẩm định khoản vay.

Khi cầm hồ sơ có ký hiệu “HSTT”, từ nhân viên tới lãnh đạo phòng, ban của SCB được giao đều phải ký, phải thực hiện và trở thành tiền lệ.

Từ Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale có nhiều lần kiến nghị bằng lời nói với cấp Phó tổng giám đốc SCB là làm sai quy trình, nhưng “lãnh đạo chỉ đạo cương quyết, nên cấp dưới phải thi hành” (lời khai của Tuấn với cơ quan điều tra).

Lập các đơn vị cho vay chỉ để giải ngân cho “bà trùm”

Năm 2020, để tránh sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, thay vì thực hiện việc giải ngân tiền, lập hồ sơ để hợp thức thành các khoản vay ở các chi nhánh lớn của SCB như trước đây, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho lập một số đơn vị có chức năng cho vay như các chi nhánh, nhưng trực thuộc Hội sở SCB.

“Tuân lệnh”, tháng 3/2020, Võ Tấn Hoàng Văn lập tờ trình đề nghị, Đinh Văn Thành ra quyết định thành lập tới 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ giải ngân cho các khoản vay của Trương Mỹ Lan. Đó là: Trung tâm Kinh doanh khách hàng Wholesale; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối doanh nghiệp (có đơn vị trực tiếp là Hub kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp); Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc Khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân (có đơn vị trực tiếp là Hub cho vay bất động sản HCM 2).

Cả 3 đơn vị này được lãnh đạo SCB giao giải quyết các khoản vay như các chi nhánh của Ngân hàng, nhưng có chung điểm khác biệt: là các đơn vị trực thuộc quản lý điều hành của Hội sở Ngân hàng SCB; không có con dấu riêng, mà sử dụng con dấu của đơn vị khác khi hoạt động.

Cụ thể, Trung tâm Kinh doanh khách hàng Wholesale sử dụng con dấu của Hội sở SCB; Kênh kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp ban đầu sử dụng con dấu của SCB Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, SCB Chi nhánh Sài Gòn; Hub cho vay bất động sản HCM 2 sử dụng con dấu của SCB Chi nhánh Cống Quỳnh.

Hơn 93% số tiền SCB cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay đều tập trung giải ngân ở 3 đơn vị thuộc Hội sở nêu trên và 3 chi nhánh lớn là SCB Chi nhánh Sài Gòn, SCB Chi nhánh Cống Quỳnh, SCB Chi nhánh Bến Thành.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan