Bắc Ninh chi trên 150 tỷ đồng phát triển công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh đến 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Bright Việt Nam, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN).

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Bright Việt Nam, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN).

Để phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu và lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí thực hiện gần 154 tỷ đồng.

Bắc Ninh đặt mục tiêu phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thế mạnh dựa trên nhu cầu phát triển của tỉnh phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhất là các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, gia tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong địa bàn tỉnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương …. để đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Cụ thể, đến năm 2025, Bắc Ninh có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó, 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng từ 8- 9%.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước; mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Công ty Samsung và các doanh nghiệp FDI khác.

Thực hiện chương trình đó, tỉnh sẽ kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Mặt khác, tỉnh cũng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hàng năm.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 là 153,97 tỷ đồng; trong đó, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 113,94 tỷ đồng và hơn 40 tỷ đồng từ các nguồn khác.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Tin bài liên quan