Bài học cảnh tỉnh từ Legoland

Bài học cảnh tỉnh từ Legoland

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan quản lý thị trường tài chính Hàn Quốc đã kịp thời ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ xảy ra tại công ty phát triển công viên giải trí Legoland.

Cú sốc mới

Nằm trong một hồ nước đầy ắp động vật hoang dã, cách thủ đô Seoul vài giờ đi tàu, Legoland là biểu tượng của cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu, trong khi vẫn duy trì được sự ổn định về tài chính.

Nhưng việc nhà phát triển công viên giải trí không trả được khoản nợ trị giá 205 tỷ won (155 triệu USD) đã gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên thị trường tín dụng trị giá 1.690 nghìn tỷ won của Hàn Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Legoland là công viên giải trí lớn mang thương hiệu toàn cầu đầu tiên tại Hàn Quốc. Đối với tỉnh Gangwon, một khu vực miền núi tương đối kém phát triển, việc ra mắt công viên là cơ hội để khởi động lại ngành du lịch địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid 19.

Nhưng hôm 29/9, chính quyền tỉnh Gangwon của Thống đốc mới đắc cử Kim Jin-tae đã không thanh toán được khoản nợ do Tập đoàn phát triển Gangwon Jungdo vay cho dự án Legoland. Chính quyền là cổ đông lớn nhất của công ty phát triển dự án. Việc chính quyền một địa phương từ chối thanh toán khoản nợ đã gây ra một cú sốc đối với thị trường tiền tệ vốn đang chịu nhiều áp lực từ việc tăng lãi suất.

“Một sai lầm của một tỉnh. Điều này thực sự làm lung lay niềm tin của thị trường”, Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang-yong nói.

Công cụ nợ do Legoland phát hành được đảm bảo bằng tài sản của dự án. Quy mô của loại giấy tờ có giá này tại Hàn Quốc ước tính vào khoảng 35 nghìn tỷ won, là nguồn tài trợ vốn chính của ngành công nghiệp bất động sản Hàn Quốc. Theo dữ liệu của BOK, các ngân hàng đầu tư bảo lãnh thanh toán cho một số loại chứng khoán này. Tính tới tháng 6, mức độ bảo lãnh đối với các dự án bất động sản trung bình lên tới 39% vốn chủ sở hữu của các tổ chức bảo lãnh.

Tại Hàn Quốc, khoảng 11,3 nghìn tỷ won của công cụ tài chính này sẽ đáo hạn vào cuối năm 2022.

Với trường hợp của Legoland thì nhà phát triển công viên bị vỡ nợ chứ không phải công ty vận hành công viên, vì đó là hai thực thể riêng biệt.

Merlin Entertainments, công ty điều hành công viên Legoland Hàn Quốc cùng 9 khu nghỉ dưỡng Legoland khác trên khắp thế giới cho biết: “Khu nghỉ dưỡng Legoland Hàn Quốc vẫn mở cửa và hoạt động bình thường. “Các khoản nợ không ảnh hưởng trực tiếp đến Khu nghỉ dưỡng Legoland Hàn Quốc, tài chính của nó hoặc bất kỳ hoạt động nào đang diễn ra”.

Thống đốc BOK Rhee khẳng định, căng thẳng chỉ giới hạn ở thị trường nợ ngắn hạn và hệ thống tài chính Hàn Quốc vẫn trong tình trạng tốt. Nhưng, những gợn sóng vẫn đang được cảm nhận.

Tại Chuncheon, thủ phủ của tỉnh Gangwon, nơi có công viên, Han Man-jae - chủ một nhà hàng, sắp rơi vào tình trạng phá sản do lãi suất tăng.

“Như bạn đã biết, lãi suất tăng gấp đôi nên tôi khá lo lắng,” Han nói. “Tôi nghĩ tất cả các khoản nợ phải được hoàn trả,” Han cho biết khi được hỏi ông nghĩ gì về cuộc khủng hoảng nợ trên toàn quốc bắt nguồn từ thành phố của ông. “Sự vụ mà Thống đốc nói ảnh hưởng đến cả các công ty khác”.

Những gì mà Hàn Quốc đã trải qua trong vài thập kỷ qua đã khiến nước này đặc biệt nhạy cảm với nguy cơ vỡ nợ của các công ty.

Sau vụ vỡ nợ ở Gangwon, các quan chức đã chuyển sang ngăn chặn sự bùng phát của lãi suất bằng nhiều biện pháp, bao gồm gói viện trợ hơn 50 nghìn tỷ won, thay đổi các quy định về tài sản thế chấp để tăng thanh khoản và ngân hàng mua giấy tờ có giá hay như việc bảo lãnh tài chính dự án.

Một loạt bước đi trong những ngày gần đây đã dẫn đến một số dấu hiệu phục hồi trên thị trường tín dụng, khi chênh lệch lợi tức trái phiếu thu hẹp, lãi suất của các khoản vay ngắn hạn được giữ ở mức ổn định.

Kathleen Oh, một nhà kinh tế tại Bank of America Corp cho biết: “Chúng tôi cho rằng quỹ bình ổn thị trường lớn hơn mức dự kiến ​​của Hàn Quốc có khả năng giải quyết các căng thẳng tín dụng mới nhất trên thị trường tiền tệ ngắn hạn. Trở ngại lớn nhất để các nhà hoạch định chính sách lấy lại uy tín trên thị trường tín dụng là bối cảnh vĩ mô hiện nay. Chừng nào lạm phát cao còn tiếp diễn, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ phải theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ, thắt chặt các điều kiện tài chính”.

Thống đốc Kim của Gangwon cuối cùng cũng hài lòng, nói rằng tỉnh sẽ tiến hành thanh toán các giấy tờ có giá đóng gói lại các khoản vay không muộn hơn ngày 15/12.

Nợ dâng cao

Bất chấp tất cả các biện pháp, lợi tức của các giấy tờ có giá - thứ mà các công ty sử dụng để huy động vốn cho các khoản thanh toán ngắn hạn như trả lương - vẫn ở gần mức cao nhất sau khi nhà phát triển dự án Legoland vỡ nợ.

Hơn nữa, nguy cơ lan ra toàn châu Á trở thành vấn đề tiêu điểm khi một công ty bảo hiểm tương đối ít tên tuổi là Heungkuk Life Insurance Co. tuyên bố sẽ bỏ qua quyền chọn mua trên trái phiếu vĩnh viễn, kích hoạt làn sóng bán tháo các chứng khoán như vậy trên toàn khu vực. Sau đó hãng bảo hiểm này đã đảo ngược quyết định.

“Tại thời điểm này, chúng tôi cho rằng các sự kiện trong tháng qua phần lớn đã được kiểm soát, do tỷ lệ nợ quá hạn vẫn ở mức thấp và tỷ lệ chi trả lãi suất thuận lợi,” Anushka Shah, chuyên viên tín dụng cấp cao tại bộ phận Dịch vụ nhà đầu tư của Moody cho biết. “Điều đó cho thấy rủi ro vẫn còn, xuất phát từ sự lây lan từ các khoản cho vay tài trợ dự án trên thị trường ABCP sang khu vực nợ doanh nghiệp”.

Các quan chức ở Hàn Quốc nói với Bloomberg rằng, họ đã ngăn chặn được sự lan rộng của cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, những diễn biến này cho thấy các chính phủ trên toàn thế giới đang phải vất vả để tìm ra được những chính sách cân bằng, khi họ đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế, xung đột và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, với các chỉ số nợ hiện nay cao hơn so với hồi năm 2008.

Theo số liệu của BIS, quy mô tín dụng dành cho các tập đoàn phi tài chính trong các nền kinh tế thuộc nhóm G20 hiện đứng ở mức 96,9% GDP, cao hơn so với năm 2008. Đối với Hàn Quốc, tỷ lệ này đã tăng từ 95% lên 116,5% hiện nay.

Nhận định chung về nền kinh tế thế giới, Giáo sư Nouriel Roubini, nhà kinh tế học nổi tiếng đã dự đoán chính xác sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cho biết: “Dư địa chính sách hiện rất, rất hạn chế”.

Mặc dù lạm phát cao trong những năm 1970, nhưng “lần này nó sẽ tồi tệ hơn vì các vấn đề tài chính và nợ nần. Vì vậy, thật không may vào thời điểm này là không có lối thoát nào dễ dàng”, ông nói.

Tin bài liên quan