Đông đảo khách tham dự sự kiện mở bán Lotus 2

Đông đảo khách tham dự sự kiện mở bán Lotus 2

Bài học đắt giá về xử lý khủng hoảng giao dịch cổ phiếu TTB

(ĐTCK) Mã cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ vừa trải qua trận đại phong khi cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp tự động, khiến thị giá TTB trên thị trường tuột dốc mạnh, trong khi hoạt động đầu tư kinh doanh của Công ty vẫn trên đà phát triển.

Đó là lúc, các chỉ số kinh doanh của Tập đoàn Tiến Bộ đều rất tốt theo hướng bền vững, lâu dài. Đây là chiến lược phát triển nhất quán của Tập đoàn luôn được các đối tác, khách hàng, nhà đầu tư, đặc biệt là chính quyền địa phương, nơi Tập đoàn đang đầu tư, thực hiện các dự án lớn có lợi ích đồng bộ cho xã hội rất quan tâm, ủng hộ và tin tưởng.

Cho đến thời điểm này, chung cư TBCO Riverside Thái Nguyên với quy mô gần 13 ha gồm 2 tòa chung cư A4 đã bán hết 95 % và A7 đã được đưa vào sử dụng. 2 tòa chung cư CT1 và CT1A - GreenCity (Bắc Giang) với quy mô gần 800 căn hộ đang chuẩn bị vào giai đoạn hoàn thiện để bàn giao nhà cho khách hàng, trong đó khoảng 600 căn đã được UBND tỉnh Bắc Giang mua làm quỹ nhà tái định cư cho người dân, gần 200 căn thương mại còn lại đã được bán gần hết. Tòa Lotus 2 đã thi công xong phần móng và thực hiện lễ mở bán ngày 29/12/2019.

Bài học đắt giá về xử lý khủng hoảng giao dịch cổ phiếu TTB ảnh 1

Nhiều khách hàng đặt cọc giữ chỗ căn hộ tại Lotus 2 – Green City

Các hoạt động kinh doanh khác như sản xuất cầu lông, kinh doanh thép, giàn giáo cốp pha, vẫn duy trì ổn định. Trong 9 tháng đầu năm 2019, TTB đã đạt doanh thu thuần hơn 424 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng, lợi nhuận thuần của Công ty đạt 45,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 63% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành kế hoạch kinh doanh 3 quý đầu năm. HĐQT dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông chi trả cổ tức từ 7 - 9% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Để đạt được những con số trên không chỉ là nỗ lực cố gắng của toàn bộ cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn, mà phải dựa trên chiến lược kinh doanh đúng đắn, nhạy bén, vững chắc. Tập đoàn Tiến Bộ luôn xác định điều cốt lõi nhất trong văn hóa kinh doanh là tối ưu hóa lợi ích cho cộng đồng xã hội, khách hàng và đối tác đầu tư.

Tập đoàn cũng sẵn sàng giảm bớt lợi ích chính đáng của mình vì an sinh xã hội. Trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chỉ riêng việc đó đã khẳng định sự trưởng thành của Tập đoàn không nhằm vào lợi ích cho riêng mình, mà đã hướng đến lợi ích lớn của Nhà nước, của người dân.

Quanh câu chuyện cổ phiếu của TTB có những biến động dữ dội gây bất lợi cho Tập đoàn như thời gian vừa qua, các chuyên gia am hiểu đều chia sẻ, vừa truy tìm nguyên nhân một cách khách quan, khoa học; vừa chỉ ra sự thiếu kinh nghiệm của Tập đoàn với môi trường cổ phiếu.

Cổ phiếu của các lãnh đạo TTB đã được bộ phận tài chính của doanh nghiệp này đem ký quỹ tại một số công ty chứng khoán nhằm bổ sung một phần vốn lưu động cho doanh nghiệp. Vào tháng 10, tác động từ việc cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đức Quân, doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi liên tục lao dốc do các tài khoản bị bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán đã rà soát lại danh mục cho vay ký quỹ và đồng loạt hạ tỷ lệ cho vay, đồng thời yêu cầu các tài khoản này bổ sung tài khoản ký quỹ, thời gian để thực hiện trong vòng 1-2 ngày, bộ phận tài chính của TTB đã không kịp trở tay. Khi một công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu, đã tạo hiệu ứng dây chuyền giữa các công ty chứng khoán khác cùng đồng loạt bán ra.

Khi cổ phiếu bị bán giải chấp, lãnh đạo TTB đã có cuộc gặp với các công ty chứng khoán để cung cấp thông tin, làm rõ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay, các công ty chứng khoán cũng đã cam kết tạm dừng bán giải chấp cổ phiếu để TTB có thời gian bổ sung tài khoản vay ký quỹ. Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán vẫn tiếp tục tranh thủ cơ hội bán ra,  khiến giá cổ phiếu giảm sàn liên tục. Thông tin cổ phiếu TTB bị bán giải chấp loan trên thị trường, khiến cho không có nhà đầu tư nào dám “bắt dao rơi”, giá cổ phiếu TTB đã rớt xuống mức thấp kỷ lục.

Cho đến thời điểm này, thị giá TTB chỉ còn 4.000– 5.000 đồng/cổ phiếu và gần đây liên tục có những phiên tăng trần, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên.

Quanh câu chuyện của TTB, giới đầu tư đang đặt ra những câu hỏi như các tài khoản cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của lãnh đạo TTB đã xử lý dứt điểm các khoản vay ký quỹ? Doanh nghiệp có sử dụng một phần nguồn vốn cho các dự án bất động sản đang trong quá trình đầu tư của TTB để thực hiện các cam kết với các công ty chứng khoán đã cho vay ký quỹ? Hoạt động đầu tư kinh doanh của TTB có chịu tác động gì sau sự việc trên?

Ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch TTB đã chia sẻ với báo Đầu tư Chứng khoán, đây là kinh nghiệm xương máu trong quản trị tài chính của doanh nghiệp. Trong sự việc này, ông và các lãnh đạo doanh nghiệp đã sử dụng tài sản cá nhân, tuyệt đối không gây ảnh hưởng tới nguồn vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, các hoạt động đầu tư, kinh doanh của TTB đang triển khai theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đặt ra.

“Sau sự việc trên, chúng tôi đã họp và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Sai lầm đã phải trả giá rất đắt. Giờ điều quan trọng là phải tập trung vào công tác đầu tư kinh doanh, làm thật tốt công việc của mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Bộ chia sẻ.

Tập đoàn Tiến Bộ cũng coi đây không chỉ là bài học kinh nghiệm đắt giá mà còn là thời cơ lớn để mình trưởng thành. Đây chính là lúc tự nhìn rõ mình hơn, đoàn kết và tin tưởng, dùng trí tuệ và niềm tin của mình để đầu tư kinh doanh bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Tin bài liên quan