Một cuộc livestream giới thiệu dự án trong đêm Sài Gòn giãn cách. Ảnh: Việt Dương

Một cuộc livestream giới thiệu dự án trong đêm Sài Gòn giãn cách. Ảnh: Việt Dương

Bán bất động sản online: Quan trọng là thông tin tin cậy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Covid-19 đã làm thay đổi cuộc chơi môi giới, nếu như trước đây, nhà đầu tư vẫn quen với việc đến tận nhà mẫu, công trường để xem dự án, đến lễ mở bán để tiếp cận chính sách bán hàng, thì trong thời kỳ giãn cách, các nền tảng số đang thay thế rất tốt.

Sôi động “chợ online”

Sài Gòn 10h đêm cuối tuần qua, thay vì sốt ruột đứng ban công hóng tiếng còi hụ xe cấp cứu lần khắp đường ngang ngõ tắt đón F0 đến nơi chữa trị, tôi chụp tai nghe lên tìm vào một trang web thông tin địa ốc đang khá nổi gần đây xem livestream giới thiệu dự án.

Người giới thiệu vốn là một MC bán chuyên, có lẽ cũng đã tìm hiểu kỹ về dự án nên khá hoạt ngôn và rành rẽ về từng tiện ích, từng dịch vụ mà dự án này có thể cung cấp cho khách hàng. Chưa kể, anh này còn biết tận dụng những câu nói của người nổi tiếng đang tạo “trend” trên mạng xã hội để tạo viral (sức lan tỏa) cho thông điệp bán hàng, hoặc gây cười để tạo sự sôi động cho buổi livestream thu hút hơn 500 người theo dõi này.

Đáng nói, khi click vào trích ngang của một số khán giả trực tuyến, thấy tỷ lệ không nhỏ là các môi giới địa ốc vào xem dự án, hoặc cũng có thể vào “học nghề” xem cách thức tổ chức một buổi bán hàng online ra sao. Ngay tại các lớp học kinh doanh online nở rộ thời gian gần đây, chẳng hạn như một số khóa đào tạo của luật sư Phạm Thành Long, Chủ tịch hãng luật Gia Phạm, cũng có khá nhiều học viên là các môi giới địa ốc cho biết đã bán được sản phẩm trên các kênh trực tuyến.

Đưa sản phẩm, dịch vụ lên kênh online dường như là một xu hướng không thể đảo ngược khiến không chỉ các nhân viên môi giới cá nhân, sàn môi giới nhỏ lẻ, mà các doanh nghiệp phát triển dự án, chủ đầu tư… cũng áp dụng các hình thức bán hàng qua các nền tảng số.

Chẳng hạn, đã nhiều tháng qua, mỗi tuần, Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi đều tổ chức giới thiệu dự án, sản phẩm của doanh nghiệp thông qua hình thức livestream trực tiếp trên kênh fanpage của Tập đoàn. Tương tự, Tập đoàn Bất động sản An Gia đang ưu tiên phục vụ và chăm sóc khách hàng thông qua các kênh online và ứng dụng AnGia+ nhằm đảm bảo sự thuận tiện và an toàn.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, hàng loạt tên tuổi khác trong ngành như Tập đoàn Hưng Thịnh, Sunshine Group, Vinhomes, Đất Xanh Services... cũng đã nhanh tay đưa sản phẩm của mình lên “chợ online”. Đặc điểm chung của các chợ này là tính tương tác ngày càng cao, ngày càng thực khi các khách hàng có thể trực tiếp trao đổi với nhà phát triển dự án, đơn vị phân phối hay các chuyên gia, giải đáp mọi thắc mắc ngay lập tức như trong một sự kiện offline.

Chạy đua đầu tư công nghệ

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, ở thời điểm hiện tại, nền tảng số là kênh giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng dễ dàng và nhanh nhất. Tuy nhiên, từ việc tiếp cận khách hàng đến việc người mua “rút ví” luôn là một khoảng cách dài, khi bất động sản vẫn là một trong những ngành đặc thù bởi giá trị sản phẩm thường cả tỷ đồng và với nhiều người, đó là số tiền tích cóp cả đời.

Do vậy, ngoài hình thức livestream trên các nền tảng số để tăng doanh số bán hàng trong mùa dịch, các doanh nghiệp còn chi ra một khoản tiền không nhỏ để đầu tư, ứng dụng rất nhiều công nghệ khác để tăng tính trải nghiệm của khách hàng khi tìm hiểu về dự án.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (Cen Land) đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo giúp người mua tiềm năng có thể trải nghiệm không gian nhà ở, văn phòng 3D trên các nền tảng công nghệ. Theo đó, khi cần xem nhà, khách hàng chỉ cần vào điện thoại tra cứu và công nghệ thực tế ảo sẽ mang lại trải nghiệm tương đương như khi đi xem nhà thực tế.

Trong khi đó, thời gian qua, đại diện Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi cho biết, doanh nghiệp này đã chi một khoản tiền không nhỏ để đầu tư các ứng dụng công nghệ như True 360, công nghệ VR - thực tế ảo và Auto Timelapse - quản lý tiến độ thi công dự án… nhằm đưa dự án The Sol City tới gần khách hàng nhất.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi cho biết, doanh nghiệp luôn cố gắng sao cho các buổi livestream giống với tiếp thị trực tiếp nhất có thể để khách hàng yên tâm và có đầy đủ thông tin đưa ra quyết định mua hàng.

Đơn cử như ứng dụng True360, theo ông Quyền, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các dự án ngay trên thiết bị di động hoặc máy tính của mình và tất cả những thông tin liên quan đến dự án như vị trí, sản phẩm hiện có, nhà mẫu, sa bàn ảo… sẽ hiện ra trước mắt chỉ với một cú chạm nhẹ.

Còn đối với ứng dụng công nghệ Auto TimeLapse, công nghệ này sẽ cung cấp hình ảnh công trình thực tế 24/7, theo dõi trực tuyến tiến độ công trình mọi lúc mọi nơi, tự động đồng bộ, báo cáo tiến độ thi công suốt tiến trình thực hiện dự án. Đặc biệt, giải pháp này còn tích hợp chức năng phân tích, chuyển đổi dữ liệu hình ảnh thành biểu đồ báo cáo, hiển thị dữ liệu trên nhiều nền tảng thiết bị.

“Thời gian qua, dù dịch bệnh có làm ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình kinh doanh của Tập đoàn, nhưng thông qua việc chuyển đổi hình thức bán hàng sang online, chúng tôi cũng nhận diện được một số tín hiệu khả quan. Cụ thể, trong số phát sóng mới đây, doanh thu bán hàng tại dự án The Sol City đạt 135 tỷ đồng, tăng trưởng 150% so với số đầu tiên”, ông Quyền nói.

Trước đó, Công ty cổ phần Vinhomes cũng đã ra mắt sàn giao dịch bất động sản trực tuyến Vinhomes Online với đầy đủ các tiện ích như một sàn giao dịch thực thụ, lượng truy cập trung bình đạt 6.000 lượt khách/ngày.

Làm gì để đạt hiệu quả?

Mặc dù cuộc đua đưa hàng lên “chợ online” đang rất sôi động, các doanh nghiệp đã không tiếc tiền khi đầu cho công nghệ để tiếp cận khách hàng, nhưng khi bắt tay vào triển khai thực tế mới thấy thách thức là không nhỏ.

Nói như ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc trang tin Batdongsan.com.vn, bất động sản là một sản phẩm có giá trị cao và hành vi mua bán đã trở thành “tập quán” của người tiêu dùng Việt Nam đối với lĩnh vực bất động sản là rất quan tâm tới yếu tố niềm tin, tính pháp lý của sản phẩm.

Do vậy, để việc chuyển đổi số của doanh nghiệp bất động sản đạt hiệu quả thì cần phải xây dựng độ tin cậy về thông tin trên thị trường, nếu không người tiêu dùng sẽ chỉ xác định đến với nền tảng online như một hình thức tham khảo.

“Áp dụng công nghệ không phải là cái gì đó quá khó, nhưng để đạt hiệu quả thì lại phụ thuộc vào hành vi của con người, từ người mua, người bán, đến những người tìm kiếm thông tin… Do vậy, để đạt hiệu quả thì phải tăng cường minh bạch thông tin. Đồng thời, cần sự hợp lực của các doanh nghiệp để tạo ra thói quen cho nội bộ doanh nghiệp và thị trường”, ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng nhận định rằng, hiện nay, phần lớn thông tin thị trường không được công bố rộng rãi và lưu trữ theo quy trình đồng bộ. Ngoài ra, còn thiếu những quy định thống nhất về việc lưu trữ, sắp xếp và truyền tải dữ liệu bất động sản giữa các đơn vị, khiến cho việc chuyển đổi số trở nên khó khăn hơn.

Theo đó, vị chuyên gia này kiến nghị, cần có một quy trình quản lý minh bạch, rõ ràng về lưu trữ thông tin đất đai cũng như các giao dịch bất động sản. Hơn nữa, các thông tin này cần được số hóa và quản lý tập trung ở cấp quốc gia, thay vì ở cấp độ từng đơn vị hay công ty kinh doanh bất động sản riêng lẻ.

Dưới góc độ là doanh nghiệp trực tiếp tham gia ứng dụng công nghệ vào quá trình hoạt động cũng như bán hàng, ông Thiệu Lê Bình, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, để một dự án chuyển đổi số thành công thì phải phụ thuộc vào 3 yếu tố, đó là làm công nghệ, hiểu thị trường và biết kinh doanh.

Trong đó, theo ông Bình, công nghệ chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải hiểu thị trường, biết đối tượng khách hàng muốn hướng đến và phải biết kinh doanh.

“Tại Hưng Thịnh Land, chúng tôi đã kết hợp 3 yếu tố này lại với nhau. Đội ngũ công nghệ sẽ đưa ra các giải pháp tiếp cận tiên tiến, nhưng đội ngũ kinh doanh cũng sẽ đóng góp kinh nghiệm trong quá trình bán hàng… sau cùng sẽ đưa ra giải pháp mang tính bền vững và lâu dài để đối mặt với những thách thức hiện hữu của thị trường”, ông Bình nói.

Trong khi đó, luật sư Phạm Thành Long tư vấn trong một lớp đào tạo kinh doanh online: “Muốn bán hàng trực tuyến thành công phải kết nối, tạo lập được một cộng đồng, tương tác thường xuyên với cộng đồng và tạo ra được những giá trị nhất định cho cộng đồng ấy”.

Tin bài liên quan