Người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích đến tận nơi xem sản phẩm

Người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích đến tận nơi xem sản phẩm

Bán hàng trực tuyến, hướng đi mới của doanh nghiệp nội thất

(ĐTCK) Trong thời kỳ bùng nổ về công nghệ số, việc phát triển kênh bán hàng trực tuyến đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp nội thất Việt Nam.

Kênh thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển như vũ bão trên toàn cầu và ở Việt Nam, với dân số trẻ, nhanh nhạy nắm bắt ứng dụng của công nghệ thông tin, kênh bán hàng này đã tăng trưởng mạnh mẽ so với các kênh bán hàng truyền thống. Nắm bắt được xu thế này, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đồ nội thất trong nước đã chú trọng đến việc xây dựng website giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Ngụy Thanh Vĩ, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty cổ phần Gỗ An Cường, một trong những doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng website bán hàng trực tuyến cho biết, khi truy cập vào website của Công ty, khách hàng có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin về các loại sản phẩm, chọn chi nhánh gần nhất để đặt mua hàng theo hình thức đặt hàng lẻ hoặc đặt hàng thương mại với số lượng lớn. Với hình thức chát trực tuyến và tổng đài tư vấn miễn phí, khách hàng sẽ được nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn cụ thể về các loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Ông Vĩ cho rằng, hình thức mua hàng mới này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức và rất tiện lợi trong việc giao dịch, đặt hàng. Còn về phía nhà cung cấp, việc bán hàng trực tuyến giúp giảm được nhiều chi phí so với kênh bán hàng truyền thống là qua các cửa hàng, siêu thị như chi phí quản lý, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân công, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm...

Ngày nay, khách hàng có nhu cầu tìm mua một sản phẩm nội thất, chỉ cần vào Google, gõ từ khóa tên sản phẩm đó là sẽ cho hàng loạt kết quả nhà cung cấp, nhà phân phối với hình ảnh sản phẩm, các thông số kỹ thuật và giá cả, điện thoại liên hệ, đặt hàng và tổng đài tư vấn trực tuyến.      

Kênh bán hàng nội thất trực tuyến phong phú là vậy, nhưng theo ông Đoàn Quang Hưng, Trưởng phòng Makerting, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng V-Home, doanh số từ kênh này thực sự chưa lớn. Số đông khách hàng vẫn có tâm lý đến nơi trưng bày để trải nghiệm sản phẩm và đặt hàng.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi ở Việt Nam, kênh bán hàng qua online chưa thực sự được quản lý chặt chẽ và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Nhiều khi với một sản phẩm, chẳng hạn sofa, nhiều website đưa ra những hình ảnh mẫu mã gần như giống hệt nhau, nhưng giá cả lại chênh nhau một trời một vực. Vì vậy, khách hàng cần đến tận nơi, thấy tận mắt, sờ tận tay để nhận biết về chất liệu của những món đồ nội thất đó.

 Bán hàng nội thất online là hướng đi mới của nhiều nhà phân phối

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Gỗ An Cường, theo ông Vĩ, hệ thống cửa hàng và website bán hàng đang bổ trợ tích cực cho nhau. Nhiều khách hàng sau khi trải nghiệm sản phẩm, họ nghiên cứu thêm trên website của Công ty và khi ưng ý họ chỉ cần gửi mã đặt hàng là xong.

“Việc mua nội thất không đơn thuần như mua một cái túi xách hay đồng hồ đeo tay, khi không thích người ta có thể cho tặng. Còn nội thất thì họ cần công năng, diện tích như bàn ăn, sofa… nên tâm lý của người mua là cứ phải sờ hiện vật mà chọn”, ông Vĩ nói.

Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, theo nhận định của giới chuyên gia về nội thất, việc bán hàng trực tuyến sẽ là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp nội thất.

Tuy nhiên, để kênh bán hàng online thực sự đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối của các doanh nghiệp này, chất lượng sản phẩm được kiếm soát chặt chẽ hơn để người tiêu dùng yên tâm khi mua sản phẩm trực tuyến.

Điều này cần phải bắt đầu từ chính các nhà cung cấp, phân phối sản phẩm, phải có tâm trong kinh doanh, tôn trọng khách hàng và tôn trọng chính thương hiệu của mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan