Ban lãnh đạo thoái vốn, SJC “thay máu”?

Ban lãnh đạo thoái vốn, SJC “thay máu”?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng thời điểm hàng loạt cổ đông cũ thoái vốn là sự xuất hiện của hai cổ đông lớn cá nhân mới với tỷ lệ nắm giữ lên tới 48% cổ phần tại CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC - UPCoM)

Hàng loạt các cổ đông lớn cá nhân thoái vốn tại SJC

Ngày 28/10, bà Thái Thị Thu Nga - em dâu ông Tạ Văn Trung - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc SJC đã bán ra toàn bộ 370.000 cổ phiếu SJC và giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,31% vốn về 0%.

Cũng trong ngày 28/10, con trai ông Tạ Văn Trung là ông Tạ Trung Hậu đã bán 543.193 cổ phiếu SJC, tương đương 7,83%; và cổ đông lớn Phạm Thị Loan đã bán 726.990 cổ phiếu SJC, tương ứng tỷ lệ 10,48%. Sau giao dịch, ông Hậu và bà Loan đều không còn nắm giữ cổ phiếu SJC.

Ngoài ra, các cá nhân Phạm Hồng Nhung, Phạm Thu Huyền cũng không còn là cổ đông lớn của Sông Đà 1.01 kể từ ngày 28/10. Như vậy, chỉ riêng trong ngày 28/10, Công ty đã “chia tay” tới 5 cổ đông lớn.

Mới đây, ông Tạ Văn Bốn – em ruột ông Trung cũng đăng ký bán ra toàn bộ 108.229 cổ phiếu SJC (tỷ lệ 1,56%), thời gian giao dịch từ ngày 15/11-9/12. Đáng chú ý, lượng cổ phiếu này đã được ông Bốn đăng ký giao dịch cùng thời gian với các cổ đông kể trên nhưng chưa thể thực hiện do không kịp hoàn tất lưu ký.

Bên cạnh sự rút lui của nhiều cổ đông lớn cùng lúc, cổ phiếu SJC liên tục tăng trần, dù lượng giao dịch mỗi phiên không nhiều.

Các lãnh đạo từ nhiệm và nhóm cổ đông lớn mới xuất hiện

Cùng với động thái bán ra cổ phiếu hàng loạt của cổ đông lớn, thời gian vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Sông Đà 1.01 cũng đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Phạm Thanh Phong - Chủ tịch, Thành viên HĐQT; ông Lê Trung Hiếu – Trưởng ban kiểm soát, ông Trần Thọ Phong - Phó giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh 5 với lý do sức khỏe và hoàn cảnh cá nhân không phù hợp với công việc.

Bên cạnh đó, cũng ngay trong ngày 28/10, ông Phạm Khánh Phương đã trở thành cổ đông lớn nhất của Sông Đà 1.01 khi mua thành công gần 3,156 triệu cổ phiếu SJC, tương đương tỷ lệ sở hữu 45,51%. Trước đó, ông Phương không sở hữu một cổ phiếu nào của Sông Đà 1.01 và không có người liên quan tại doanh nghiệp.

Sau khi trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01, ngày 18/11, ông Phương tiếp tục mua vào 66.800 cổ phiếu SJC bằng hình thức khớp lệnh, nâng tỷ lệ sở hữu lên 46,65%.

Tuy nhiên, ngày 25/11, ông Phương đã bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJC, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 23,12%. Đến ngày 9/12, tiếp tục mua vào 65.400 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,26%.

Cùng ngày 25/11, Sông Đà 1.01 cũng công bố có thêm cổ đông lớn mới là bà Vũ Thị Thúy đã mua vào đúng lượng cổ phiếu mà ông Phương bán ra, tương đương tỷ lệ sở hữu là 23,53%. Trước khi trở thành cổ đông lớn, bà Thúy cũng không sở hữu cổ phiếu SJC nào.

Tạm tính theo mức giá thị trường của cổ phiếu SJC, bà Thúy và ông Phương phải chi ra khoảng gần 53 tỷ đồng cho 48% vốn nắm giữ tại Sông Đà 1.01.

Hiện Sông Đà 1.01 vẫn chưa công bố danh sách ứng cử viên của HĐQT, Ban Kiểm soát mới. Tuy nhiên, theo quy định, cổ đông, hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử ứng viên vào HĐQT, Ban Kiểm soát, với lượng cổ phần nắm giữ lên tới gần 1 nửa vốn của Sông Đà 1.01, ông Phương và bà Thúy hoàn toàn có thể nắm giữ những vị trí quan trọng tại công ty này.

Được biết, SJC là chủ đầu tư dự án Tokyo Tower tại Tố Hữu (Hà Đông) và Viễn Đông Star (Tên trước là Eco Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị (Hoàng Mai).

Tin bài liên quan