Bán lẻ tính kế xoay chuyển tình thế

Bán lẻ tính kế xoay chuyển tình thế

(ĐTCK) Lo ngại dịch virus corona, người tiêu dùng hạn chế đến các điểm mua sắm đông người, hệ thống bán lẻ vì thế cũng bị ảnh hưởng doanh thu và doanh nghiệp đang tính đến nhiều cách xoay chuyển tình thế.

Kiểm soát chi phí, tăng doanh thu mặt hàng chủ lực

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) cho biết, kể từ cuối tháng 1/2020 đến nay, dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh, lượng khách đến mua sắm tại các cửa hàng có giảm. MWG cũng đã cân nhắc các tình huống có thể phát sinh và chuẩn bị các phương án đối phó phù hợp.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, Công ty chưa nhận thấy các tác động tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng và không có ý định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Trước đó, MWG đề ra mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 112.446 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.835 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt  11,5%  và 35,4% so với năm ngoái.

Chia sẻ trong buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết, Công ty đã có kế hoạch đối phó với dịch bệnh bằng nhiều tình huống khác nhau, định hướng chung là không thực hiện kích cầu mà sẽ theo con đường kiểm soát chi phí để đảm bảo lợi nhuận.

Trong các mảng kinh doanh thì mảng điện máy của MWG vẫn cho doanh thu tốt nhất, công ty này dự tính sẽ chuyển một số cửa hàng thế giới di động sang Điện máy xanh để tiếp tục gia tăng thị phần.

Đại diện MWG dự tính doanh thu từ điện máy trong tháng 2 có thể đạt 7.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, MWG cũng đang đẩy mạnh kênh bán hàng online, sớm cho ra mắt ứng dụng mua sắm vào quý III năm nay cùng chiến lược chinh phục khách hàng bằng chất lượng dịch vụ.

Hiện MWG gặp khó ở nguồn cung hàng hóa do các nhà cung ứng bị hạn chế ở cửa khẩu và các cảng chưa thông quan, nhưng lãnh đạo Công ty cho biết nguồn hàng có thể đảm bảo được đến tháng 5-6 năm nay.

Với Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Chứng khoán Phú Hưng ước tính doanh thu thuần của PNJ năm 2020 đạt 19.550 tỷ đồng với mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 17% trong năm 2019 do ảnh hưởng của virus Corona;

Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.492 tỷ đồng (tăng 25%) nhờ vào hệ thống ERP hoạt động ổn định và chiến lược đa dạng hóa sản phẩm trang sức vàng.

Kéo người tiêu dùng trở lại

Chia sẻ về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành bán lẻ, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giao hàng tại nhà là những phân khúc ghi nhận tăng trưởng trong khi sự tăng trưởng của ngành bán lẻ và du lịch được dự báo sẽ sụt giảm.

Tại Hồng Kông, các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ đang giảm giá thuê tới 40%, tuy nhiên với thị trường Việt Nam, phương án này có thể không cần thiết”.

Thực tế, các doanh nghiệp đang nỗ lực để xoay chuyển tình thế, kéo người tiêu dùng trở lại mua sắm.

Nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước đã thu hút khách hàng đến mua sắm bằng các chương trình kích cầu, giảm giá mạnh. Saigon Co.op giảm giá mạnh hơn 12.000 tấn chanh tươi, cá basa, thịt heo, thanh long, dưa hấu để hỗ trợ nông dân và người tiêu dùng.

Cụ thể, Saigon Co.op cho biết sẽ bán hàng không lợi nhuận cho ba mặt hàng nông sản thanh long, dưa hấu và cá basa của các tỉnh miền Tây Nam Bộ;

Giảm giá 20% mặt hàng cá basa nguyên con không đầu đạt chuẩn xuất khẩu, giảm 15-20% so với giá bán trước đó các sản phẩm cung cấp nhiều vitamin C tăng sức đề kháng cho người tiêu dùng như chanh tươi không hạt, bưởi da xanh, chuối tươi loại 1, trứng gà, giò sống…

Hệ thống siêu thị Vinmart; Aeon; Lotte, MM Mega Market tham gia chiến dịch giải cứu tôm hùm hỗ trợ người dân nuôi tôm ở Khánh Hòa, Phú Yên, đồng thời thu hút người tiêu dùng đến mua sắm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc nên nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải lên kế hoạch ứng phó trong dài hạn nhằm lấp vào khoảng trống sụt giảm doanh thu do nhu cầu mua sắm giảm.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm Covid-19.

Cùng với đó, tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết như dược phẩm thay vì các mặt hàng như ICT.

SSI cũng lưu ý rằng, thói quen tiêu dùng có thể sẽ chuyển từ thương mại truyền thống sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.

Tin bài liên quan