Ông Trần Đắc Sinh.

Ông Trần Đắc Sinh.

Bận rộn và áp lực

(ĐTCK) Khi nhà đầu tư cầm trên tay ấn phẩm Đầu tư Chứng khoán đặc biệt mừng Xuân Kỷ Sửu này thì sàn HOSE đã chính thức chuyển sang hình thức giao dịch điện tử. Ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM đánh giá, đây là bước ngoặt công nghệ lớn, chẳng khác nào chuyển từ "đi xe đạp sang đi xe hơi". Dù 2008 là năm không thuận lợi đối với thị trường chứng khoán nhưng cũng đã trôi qua suôn sẻ. HOSE vẫn luôn bận rộn và áp lực trong việc chuẩn bị cho tương lai của thị trường chứng khoán niêm yết.

  Thưa ông, đưa vào áp dụng hệ thống công nghệ giao dịch điện tử là một việc lớn mà HOSE đã làm được trong năm qua. Vào lúc này, nhà đầu tư đang kỳ vọng có thể áp dụng các nghiệp vụ phái sinh để tăng tính hấp dẫn của thị trường?

So sánh với hệ thống giao dịch trước đây, hệ thống giao dịch điện tử hiện nay quá tốt. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh vào thẳng hệ thống, hạn chế tình trạng chèn lệnh, tranh lệnh của công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán đầu tư công nghệ hiện đại sẽ được nhà đầu tư lựa chọn. Sở đã mất mấy năm trời để chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho giao dịch điện tử. Việc duy trì hai hệ thống giao dịch điện tử và giao dịch qua sàn làm giảm áp lực với chúng tôi cũng như công ty chứng khoán trong trường hợp xảy ra sự cố đường truyền.

Nhưng năm 2009 chưa thể áp dụng các nghiệp vụ phái sinh vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khung pháp lý, sự hiểu biết của nhà đầu tư  và công nghệ. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng hệ thống công nghệ mới cho toàn thị trường, bao gồm cả Trung tâm Lưu ký và một phần cho HASTC. Hệ thống này đáp ứng 20 đến 30 triệu nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch điện tử và sử dụng được hết các công cụ phái sinh. Dự kiến, năm 2010 sẽ hoàn thành hệ thống công nghệ này.

Nếu nói về những việc chưa hài lòng trong năm cũ, ông sẽ nói gì ?

Tôi băn khoăn nhất là công tác dự báo của thành viên thị trường còn yếu quá và Sở chưa giúp được các công ty chứng khoán, công ty niêm yết liên kết công bố thông tin tốt hơn. Chúng tôi đang xây dựng phần mềm công bố thông tin, chắc chắn sẽ áp dụng công bố thông tin tự động cho công ty thành viên trong năm nay.

Ông có cho rằng, 2008 là năm không thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và của HOSE nói riêng?

Đúng là năm 2008 không thuận lợi cho thị trường chứng khoán trên nhiều phương diện. Số công ty niêm yết không tăng như dự đoán. Giá trị giao dịch toàn thị trường giảm, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, quy mô thị trường sụt giảm. Nhất là vốn huy động từ nước ngoài vào thị trường chững lại. Điều này cũng phù hợp với tình hình thế giới trong bối cảnh suy thoái. Nhưng mừng nhất là thị trường đã có 1 năm giao dịch suôn sẻ, không phải đóng cửa thị trường ngày nào như ở một số nước khác. Sở vẫn kiên trì mục tiêu tăng số lượng công ty niêm yết, khuyến khích tính thanh khoản của thị trường bằng việc áp dụng giao dịch điện tử.

Có lẽ đã thành quy luật, đối với HOSE, năm sau luôn bận rộn hơn năm trước. Sau năm 2007 tăng đột biến về số lượng công ty niêm yết, năm 2008 có nhiều vấn đề phát sinh như hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường công tác giám sát công ty niêm yết, công ty chứng khoán và giao dịch của nhà đầu tư… Nói chung, công việc này luôn bận rộn và áp lực, không phải thị trường tăng nóng thì áp lực mới cao.

Vậy áp lực nhất đối với ông lúc này là gì?

Là phát triển nguồn nhân lực. Nhân lực của Sở hiện nay đang thiếu và yếu, trong khi chúng ta đã hội nhập. Chính phủ các nước ASEAN đã ký kết hợp tác về kết nối sở giao dịch chứng khoán các nước. Cơ sở hạ tầng đang chuẩn bị để kết nối vào năm 2015, nhưng đến nay chúng tôi còn thiếu người đủ năng lực đảm nhận việc này, sự thông thạo các chuẩn mực quốc tế cũng có mức độ.

Ông có cho rằng, thị trường Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn thị trường các nước trong khu vực do chỉ số P/E của thị trường cao hơn? Ông dự báo thế nào về thị trường năm 2009?

Vốn gián tiếp nước ngoài sẽ khó tăng trong năm 2009 do các nhà đầu tư nước ngoài đang lo cơ cấu lại đầu tư tại thị trường của họ. Nhưng trong khó khăn chung của thị trường thế giới, thị trường Việt Nam vẫn có được sự hấp dẫn từ yếu tố bên trong. Có một số doanh nghiệp lớn sẽ lên niêm yết trong năm 2009, như Vietcombank, tiếp theo có thể là Bảo Việt… Đúng là P/E bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực, nhưng có một số công ty có P/E thấp rất hấp dẫn đầu tư. Đối với thị trường chứng khoán, chỗ nào rẻ thì vốn chảy vào, chứ không nhất thiết cả thị trường phải rẻ.

Theo tôi, nửa đầu năm 2009 thị trường sẽ tiếp tục khó khăn, vì nhiều công ty niêm yết hoạt động xuất khẩu, bất động sản - là những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế thế giới. Kỳ vọng nửa cuối năm sẽ đỡ hơn, nhờ kinh tế thế giới và trong nước hồi phục trở lại. Nhưng tôi vẫn hy vọng thị trường sẽ phục hồi trước nền kinh tế một bước.

Ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư cá nhân trong năm mới?

Nếu có tiền gửi tiết kiệm, nhà đầu tư nên suy nghĩ mua vào một vài loại cổ phiếu tốt.