Bàn tròn chứng khoán: Ưu tiên nhóm cổ phiếu nào?

Bàn tròn chứng khoán: Ưu tiên nhóm cổ phiếu nào?

(ĐTCK) Trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu thủy sản có tín hiệu khởi sắc sau thông tin Mỹ công bố mức thuế nhập khẩu với tôm Việt là 0%. Liệu xu hướng chạy theo nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ các thông tin tích cực có phải là lựa chọn được ưu tiên? Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Sau 7 phiên tăng điểm liên tiếp lên sát mốc 1.000 điểm, áp lực chốt lời gia tăng đã khiến thì trường đảo chiều ở phiên cuối tuần, sự hụt hơi của thị trường ở phiên cuối tuần đã không nằm ngoài dự báo. Trong tuần tới, liệu những phiên rung lắc có tiếp diễn, theo các ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tôi nghĩ là có. Cuộc chiến Mỹ - Trung đang nóng lên từng ngày, thậm chí là có rủi ro VN-Index suy giảm. Phiên thứ Sáu tuần qua là 1 chỉ báo kỹ thuật khá xấu.

Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Phản ứng ở ngưỡng cản tâm lý như những phiên vừa qua là dễ hiểu và trạng thái phân vân của thị trường có vẻ cũng thể hiện trên quan điểm khá trái chiều của giới đầu tư. 

Hiện thị trường đang trong vùng trũng thông tin và giao dịch tương quan mạnh lên với thị trường chứng khoán thế giới. Với việc chứng khoán thế giới đang biến động khá mạnh thì khả năng sang tuần VN-Index tiếp tục rung lắc là dễ xảy ra. Thông thường, nếu rung lắc tiếp diễn quá dài, đà tăng ngắn hạn rất khó tiếp diễn và rủi ro dần gia tăng.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)

VN Index đã ghi nhận mức tăng điểm khá mạnh trong tuần vừa rồi với dòng tiền tiếp tục ở trạng thái tương đối dồi dào. Lực cầu bắt đáy luôn sẵn sàng xuất hiện và nâng đỡ VN Index mỗi khi chỉ số chung giảm sâu.

 Mặc dù vậy, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vốn đã ghi nhận mức tăng vượt trội so với chỉ số chung trong thời gian vừa qua và bắt đầu cho tín hiệu điều chỉnh giảm sau một giai đoạn tăng “nóng”, đặc biệt là trong bối cảnh chỉ số chung đang áp sát ngưỡng kháng cự khá “cứng” ở 1.000 điểm. Do đó, tôi cho rằng diễn biến rung lắc nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn trong những tuần tới.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Tiếp đà tăng của tuần trước, TTCK Việt Nam tuần này trải quá nhịp tăng điểm tương đối tích cực, với động lực đến từ các diễn biến khởi sắc của TTCK toàn cầu trước kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế của các NHTW. Mặc dù vậy, không nằm ngoài dự báo, áp lực chốt lời nhanh chóng gia tăng tăng khi chỉ số VN-Index áp sát mốc 1.000 điểm.

Bàn tròn chứng khoán: Ưu tiên nhóm cổ phiếu nào? ảnh 1

Ông Trần Đức Anh

Trong tuần tới, với việc thị trường đang trải qua giai đoạn trũng thông tin trong nước sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, các thông tin quốc tế sẽ tiếp tục có ảnh hưởng mang tính chi phối thị trường, đặc biệt là kết quả của cuộc họp Hội nghị thường niên của các Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại Jackson Hole.

Cùng với việc VN-Index đang biến động sát mốc “nhạy cảm” 1.000 điểm, chỉ số này được dự báo sẽ có thể trải qua những phiên biến động mạnh trong tuần sau.

Thị trường đang ở trạng thái phân hoá mạnh khi dòng tiền tập trung hơn vào một số cổ phiếu vốn hoá lớn. Đặc biệt, nhóm thuỷ sản có tín hiệu khởi sắc sau thông tin Mỹ công bố mức thuế nhập khẩu với tôm Việt là 0%. Ông/bà đánh giá như thế nào với xu hướng chạy theo nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ các thông tin tích cực?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)

Lúc này tôi nghĩ đua theo tin tích cực cũng có rủi ro, nếu kỳ vọng vào những con sóng từ nó.

Bàn tròn chứng khoán: Ưu tiên nhóm cổ phiếu nào? ảnh 2

Ông Hoàng Thạch Lân

Trong nửa đầu tháng 8 này, có khá nhiều nhóm ngành nổi lên với thông tin tích cực, nhưng không kéo dài quá 1 tuần, thậm chí quá T3, như cảng biển, ngân hàng, chứng khoán… thậm chí, nhóm mới nhất là tôm thì tôi e cũng như vậy thôi.

Thị trường chứng khoán đang có rủi ro mang tính hệ thống, tức là những thông tin tiêu cực từ thế giới, ví dụ như cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ tác động rộng lên mọi cổ phiếu, mọi nhóm ngành.

Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Việc hưởng lợi từ thuế suất 0% tương đối rõ ràng nên chạy đua theo các thông tin này là có cơ sở. Nhất là khi nhóm các cổ phiếu thủy sản này cũng chưa tăng trước đó nên rủi ro chưa cao. Tuy nhiên, nên định lượng được giá trị mà nhóm công ty này được gia tăng từ các diễn biến này để có được đánh giá phù hợp nhất.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)

Dòng tiền chú ý đến một số cổ phiếu sau khi trên thị trường xuất hiện thông tin hỗ trợ tích cực liên quan đến các cổ phiếu này cũng là diễn biến thường thấy.

Tuy nhiên, sau một số phiên tăng “nóng” thì thường sẽ xuất hiện sự phân hóa giữa các cổ phiếu dựa trên nền tảng tài chính và triển vọng dài hạn của từng công ty. Do đó, tôi vẫn đề cao việc lựa chọn giải ngân dựa trên phân tích cơ bản từng doanh nghiệp.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Thông thường, sau khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã qua đi và giá cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập mặt bằng giá mới, thị trường sẽ rơi vào giai đoạn trũng thông tin về hoạt động kinh doanh cơ bản của các doanh nghiệp.

Trong giai đoạn này, nhìn chung thị trường sẽ phản ứng tương đối nhạy với các thông tin tích cực về các nhóm cổ phiếu có các yếu tố hưởng lợi, như chúng ta đã quan sát thấy ở các nhóm các cổ phiếu kín room, hay các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, hay gần đây là nhóm ngành thủy sản… qua đó tạo nên hiện tượng phân hóa mạnh trên thị trường.

Tôi đánh giá hiện tượng trên sẽ còn tiếp diễn trong tuần tới, tuy nhiên nhà đầu tư nên có đánh giá thận trọng về mức độ hưởng lợi của doanh nghiệp trong tương quan mức độ phản ánh của giá cổ phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Thị trường đang thiếu đi sự đồng thuận khi các cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh, trong khi nhóm midcap đang bị chốt lời mạnh mẽ. Ông/bà đánh giá như thế nào về động thái này? 

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)

Thị trường đang có rủi ro, tôi nghĩ vậy. Diễn biến tăng của VN-Index cho đến tân thứ năm vừa qua không phản ánh đúng tâm lý thị trường.

Thậm chí, có thể nói rằng chính 1 số largecap đỡ VN-Index cũng bị nhà đầu tư nhìn thấy. Khối lượng khớp lệnh trên HOSE không giảm bao nhiêu, nhưng về giá trị, thì đã thường xuyên xuống dưới 3.000 tỷ/phiên, một mức độ mà tôi cho là kém thanh khoản.

Nói về điểm này thì giao dịch trên HNX còn tệ hơn nữa. Những điểm đó cho thấy những người đầu cơ đang muốn rút ra.

Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Bàn tròn chứng khoán: Ưu tiên nhóm cổ phiếu nào? ảnh 3

Ông Nguyễn Anh Khoa

Dòng tiền yếu trong cả giai đoạn vừa qua khiến cho dòng tiền luôn có sự luân chuyển và không đủ sức chảy đồng thuận vào các ngõ ngách của toàn diện thị trường.

Nhiều nhóm cổ phiếu midcap đã tăng mạnh từ đầu năm nên việc bị chốt lời là điều dễ hiểu. Trạng thái này của thị trường khiến cho việc lựa chọn cổ phiếu, nhóm ngành quan trọng hơn câu chuyện chỉ số.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vốn đã ghi nhận mức tăng vượt trội so với chỉ số chung trong thời gian vừa qua đã bắt đầu cho tín hiệu điều chỉnh giảm sau một giai đoạn tăng “nóng” dưới áp lực chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư trong bối cảnh chỉ số VN Index tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.000 điểm.

Theo đó, áp lực chốt lời ở nhiều cổ phiếu trên thị trường đã xuất hiện trong phiên thứ sáu cuối tuần (23/08) sau một số phiên tăng điểm khá tích cực của chỉ số chung và xu hướng này có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn trong tuần tới.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Diễn biến hiện tại của thị trường (dòng tiền suy yếu, nhóm cổ phiếu midcap bị chốt lời mạnh, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thiếu sự đồng thuận…) cho thấy mốc 1.000 điểm của chỉ số VN-Index vẫn là ngưỡng cản tâm lý quan trọng, và tôi không đánh giá cao khả năng chỉ số VN-Index sẽ vượt mốc 1.000 ngay trong nhịp tăng này.

Mặc dù vậy, rủi ro điều chỉnh sâu của thị trường không được đánh giá cao do tính phân hóa hiện tại của thị trường sẽ khiến khi các nhóm cổ phiếu dẫn dắt điều chỉnh thì nhóm trễ nhịp lại có thể đóng vai trò nâng đỡ cho các chỉ số.

Như vậy, trong ngắn hạn, tôi cho rằng thị trường sẽ có xu hướng hồi phục nhẹ với diễn biến giằng co, đan xen các nhịp tăng/giảm trước khi đối mặt với rủi ro điều chỉnh lớn hơn.

Việc cân nhắc tham gia trở lại ở những phiên điều chỉnh có phù hợp ở giai đoạn này?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC)

Cái đó tùy nhà đầu tư. Nếu muốn lướt, có lẽ các mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE vẫn là những lựa chọn khả thi hơn.

Bên công ty chúng tôi có một loại thống kê hàng ngày, và kết quả cho thấy, nếu mua largecap HOSE thì khả năng “thắng”, tức là mua trúng cổ phiếu tăng giá, cao hơn hẳn so với bất cứ sàn nào, ngành nào, nhóm vốn hóa nào khác.

Tất nhiên, lúc nào cũng có những cổ phiếu đơn lẻ tạo sóng, ví dụ như tuần qua thì là RIC, BBS, JVC, DND, NQN… nhưng hầu hết là smallcap có thanh khoản cực thấp, không loại trừ rủi ro bị cố ý đánh lên.

Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Thị trường rung lắc ở vùng kháng cự nhưng thanh khoản giảm dần trong các phiên hiệu chỉnh ngắn hạn. Đây là trạng thái khá quen thuộc trước mỗi nhịp vượt cản, nên cá nhân tôi có thiên về kịch bản thị trường có thể có nhịp bứt phá ngắn hạn hướng đến các mục tiêu 1.030-1.050.

Tuy nhiên, câu chuyện xa hơn dường như kém khả quan. Do vậy, tham gia vào các phiên hiện tại là có cơ hội trong ngắn hạn, nhưng là mạo hiểm cho việc nắm giữ dài hơn.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS)

Bàn tròn chứng khoán: Ưu tiên nhóm cổ phiếu nào? ảnh 4

Ông Trần Minh Hoàng

Như đã đề cập, tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên lựa chọn giải ngân dựa trên định giá cơ bản của từng doanh nghiệp và việc tham gia trở lại trong những nhịp điều chỉnh trên thị trường chung cũng sẽ phụ thuộc vào mức chiết khấu giá của từng cổ phiếu cụ thể.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Với đánh giá thị trường sẽ trải qua nhịp hồi phục nhẹ với diễn biến giằng co, đan xen các nhịp tăng/giảm trong tuần tới, nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược trading với tỷ trọng thấp để tối ưu hóa danh mục đầu tư ngắn hạn.

Danh mục trung hạn với tỷ trọng lớn hơn nên tạm thời đứng ngoài, chờ các tín hiệu rõ nét hơn về xu hướng thị trường trong trung hạn trước khi đưa ra quyết định giải ngân.

Tin bài liên quan