Hơn 100 doanh nghiệp niêm yết chưa nộp báo cáo soát xét

Hơn 100 doanh nghiệp niêm yết chưa nộp báo cáo soát xét

(ĐTCK) Tính đến 20/8/2019, trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có 225 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2019, như vậy còn hơn 100 doanh nghiệp chưa nộp báo cáo. Các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi báo cáo này, vì rất có thể sẽ có những yếu tố bất ngờ. 

Nhiều doanh nghiệp lớn chưa công bố báo cáo soát xét bán niên

Theo quy định, BCTC bán niên soát xét bởi tổ chức kiểm toán phải công bố thông tin trong vòng 45 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

Trường hợp doanh nghiệp (DN) phải lập BCTC bán niên hợp nhất hoặc BCTC bán niên tổng hợp; hoặc do các công ty con, công ty liên kết của công ty cũng phải lập BCTC bán niên đã được soát xét, BCTC bán niên hợp nhất, BCTC bán niên tổng hợp thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét gia hạn thời gian công bố BCTC bán niên, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

Như vậy, những cái tên trong danh sách chưa công bố báo cáo bán niên hợp nhất hiện còn một tuần để thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Với những DN thực hiện báo cáo đơn lẻ thì thời hạn cuối đã trôi qua (15/8).

Hơn 100 doanh nghiệp niêm yết chưa nộp báo cáo soát xét ảnh 1

Tính đến ngày 21/8/2019, danh tính các DN chưa nộp BCTC soát xét bán niên có nhiều tên tuổi lớn, đa phần là những công ty hàng đầu có nhiều công ty con, công ty liên kết nên việc thực hiện báo cáo kiểm toán hợp nhất có phần phức tạp và mất thời gian hơn; nhưng ngược lại cũng có những DN quy mô nhỏ, ít công ty thành viên hơn vẫn chưa nộp báo cáo bán niên soát xét. Một số DN cả lớn và nhỏ chưa nộp báo cáo là VHM, VIC, VJC, HDB, EIB, NVL, GMD, SAB, VGC, KBC, PVD, HDG, TLG, FLC, SGN, NBB, ASM, TDH, HTN, C47...

Việc chưa công bố BCTC bán niên soát xét, hoặc báo cáo cả năm soát xét thường khiến các nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi, bởi không ít trường hợp có sự chênh lệch lớn các con số giữa báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán; nhiều tình huống bất ngờ hơn là DN chuyển từ lãi sang lỗ, có những chỉ tiêu không được thuyết minh đầy đủ, chi tiết trên BCTC tự lập mà phải đợi đến BCTC kiểm toán mới rõ ràng hơn. Theo đó, diễn biến giá cổ phiếu “nhảy múa” theo tin tức kết quả kinh doanh tự lập cho đến khi có BCTC kiểm toán.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, với những tập đoàn có nhiều công ty con, liên kết, lại hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sẽ cần nhiều thời gian hơn để thực hiện BCTC kiểm toán; hoặc DN đang có những sự vụ riêng như chuẩn bị chuyển sàn nên cần thời gian cho nhiều công tác, thì xin gia hạn nộp BCTC là có thể chấp nhận được. Nhưng với những DN đơn lẻ hoặc ít công ty con, công ty liên kết, mà đã 1,5 tháng kể từ ngày kết thúc quý II vẫn chưa có BCTC là không thể chấp nhận và nhà đầu tư có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của DN.

Mới đây, ngày 16/8, HOSE đã có văn bản nhắc nhở chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2019 đối với 10 DN bao gồm: APG, CMX, HLG, HTT, KAC, LCM, MCP, TS4, TTB, VPK. Trong đó, CMX, TTB, KAC là những cổ phiếu có diễn biến giá đáng chú ý. Ðến thời điểm hiện tại, KAC đã nộp BCTC bán niên soát xét.

CMX, TTB, C47: băn khoăn các số liệu tài chính

Cổ phiếu CMX của Công ty cổ phần Camimex Group, chuyên về xuất khẩu tôm, từng có diễn biến tăng giá 10 phiên liên tiếp, tương ứng mức tăng 75% trong giai đoạn cuối năm 2018, từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên 12.300 đồng/cổ phiếu (tháng 9 - 11/2018).

Trong khi trước đó, mặt bằng giá của CMX phổ biến quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ tháng 8 năm ngoái đến nay, giá cổ phiếu CMX tăng gần 5 lần, từ 4.900 đồng/cổ phiếu lên 29.300 đồng/cổ phiếu. Trong đó, một tháng gần nhất, CMX ghi nhận mức tăng hơn 31%.

Hơn 100 doanh nghiệp niêm yết chưa nộp báo cáo soát xét ảnh 2
Hơn 100 doanh nghiệp niêm yết chưa nộp báo cáo soát xét ảnh 3

Cơ cấu tài sản của CMX

Diễn biến tăng giá của cổ phiếu DN thuỷ sản, cụ thể là DN cá tra và tôm xuất khẩu được lý giải từ hoạt động kinh doanh khởi sắc và kỳ vọng sẽ tăng được thị phần tại thị trường EU sau khi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam có hiệu lực (dự kiến đầu năm 2020). Trong đó, đối với CMX, EU là thị trường xuất khẩu chính.

Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Ðối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh sẽ được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3 - 5 năm, riêng tôm chế biến có lộ trình giảm thuế 7 năm.

Thông tin trên và báo cáo thành tích hoạt động qua các quý từ năm 2018 đến nay trở thành cơ sở lý giải cho sự tăng giá của cổ phiếu CMX.

Nửa đầu năm 2019, CMX công bố doanh thu đạt 511 tỷ đồng, tăng 10%, lợi nhuận ròng gần 71 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, Công ty chỉ mới đạt 19% kế hoạch doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận năm 2019. Ngoài ra, BCTC của CMX có nhiều điểm đáng ngại khi khoản phải thu lớn và tỷ lệ nợ/tổng tài sản thường xuyên duy trì ở mức cao (xem đồ thị).

Lưu ý, cổ phiếu CMX vẫn đang nằm trong diện cảnh báo kể từ ngày 11/9/2017 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2017 là số âm (năm 2016, CMX lỗ hơn 42 tỷ đồng). Dù có lãi từ năm 2017 đến nay, nhưng theo quyết định mới nhất của HOSE vào đầu tháng 4/2019, cổ phiếu CMX tiếp tục thuộc diện cảnh báo.

Cụ thể, căn cứ trên BCTC hợp nhất đã kiểm toán của CMX, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là 80,72 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 là 2,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, kiểm toán viên có ý kiến ngoại trừ về việc CMX chưa trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền 26,5 tỷ đồng (trên BCTC kiểm toán hợp nhất) và giá trị phần vốn góp vào công ty con là Công ty TNHH Camimex tại ngày 30/6/2013 đang được ghi nhận cao hơn giá trị đánh giá lại là 8,8 tỷ đồng nhưng Công ty chưa thực hiện điều chỉnh hồi tố (trên BCTC kiểm toán riêng).

Năm 2018, CMX có lãi và không có lỗ lũy kế, tuy nhiên, tính đến ảnh hưởng của ý kiến kiểm toán ngoại trừ, HOSE duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu CMX và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu này sau khi có BCTC soát xét bán niên 2019.

Với cổ phiếu TTB của Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ, mức tăng giá trong năm 2018 là gấp 3 lần. Từ đầu năm 2019 đến nay, TTB có mức tăng 12%. Ngày 14/8/2019, Hội đồng quản trị TTB ra nghị quyết về việc thông qua phương án tiếp tục xin gia hạn công bố báo cáo bán niên soát xét 2019.

Mới đây, TTB bị phạt 225 triệu đồng vì vi phạm quy định công bố thông tin. Công ty không công bố báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán theo định kỳ 6 tháng một lần cho đến khi hoàn thành dự án đối với đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2016 và chào bán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 193,5 tỷ đồng lên 387 tỷ đồng.

TTB cũng không công bố đúng hạn báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2017, BCTC quý IV/2017, BCTC quý I/2018, quyết định Hội đồng quản trị thông qua giao dịch của Công ty với Công ty cổ phần Ðầu tư địa ốc Ðất Vượng (người có liên quan với Tổng giám đốc TTB) đối với giao dịch hợp tác kinh doanh theo biên bản làm việc ngày 28/11/2017…

Hơn 100 doanh nghiệp niêm yết chưa nộp báo cáo soát xét ảnh 4

Cơ cấu lợi nhuận của TTB

TTB còn bị phạt 85 triệu đồng vì báo cáo có nội dung không chính xác. Công ty đã thực hiện giao dịch với bên liên quan là Công ty cổ phần Ðầu tư Ðịa ốc Ðất Vượng, nhưng không trình bày trong báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2017.

Cổ phiếu C47 của Công ty cổ phần Xây dựng 47 trong vài năm gần đây có những đợt tăng giảm lớn, hiện ở mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với vùng đỉnh 19.000 đồng/cổ phiếu trong quý IV/2018. Diễn biến giảm giá của C47 từ đầu năm 2019 đến nay được coi là hệ quả từ kết quả kinh doanh năm 2018 không đạt kế hoạch và mục tiêu năm 2019 chưa bằng một nửa năm trước, dù trước đó, thông tin về các dự án, dòng tiền rất tích cực.

Năm 2018, C47 đạt 43 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 43% kế hoạch. Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 974 tỷ đồng, tương đương năm 2018, lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng, giảm gần 50%.

Ðiểm tích cực của C47 là cổ phiếu được đưa ra khỏi diện cảnh báo từ 22/4/2019, nhờ Công ty không vi phạm công bố thông tin kể từ khi bị đưa vào diện cảnh báo.

Ðồng thời, một số chỉ tiêu tài chính được cải thiện như biên lợi nhuận gộp từ mức 10 - 11% năm 2017 tăng lên 19% hiện nay. Tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản vốn rất cao trong các năm trước đã giảm dần từ quý I/2018 đến nay, cụ thể giảm từ 53% về 38%.

Mặc dù vậy, 2 quý đầu năm 2019, lợi nhuận của C47 suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan