Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Banknetvn

Ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Banknetvn

Banknetvn - Smartlink, chuyện có hậu sau khởi đầu... kỳ lạ

(ĐTCK) Nói là khởi đầu kỳ lạ bởi cách đây hơn 5 năm, khi nói chuyện các ATM phải kết nối được để người dân dùng thẻ ngân hàng này rút được tiền ở ngân hàng kia, thì điều cần phải có các liên minh thẻ. Thế nhưng oái oăm là chả hiểu đàm phán thế nào có tới 3 liên minh ra đời: Smartlink, Banknetvn, VNBC. Giờ lại phải sáp nhập.

Các liên minh này lúc đầu chưa bao phủ tất các ngân hàng, từ một nhóm nhỏ rồi kêu gọi thêm các thành viên. Mỗi liên minh lại độc lập với nhau, khiến người dùng luôn không nhớ nổi thẻ trong túi mình có thể rút tiền ở ATM của những ngân hàng nào, vì không dễ nhớ tên các ngân hàng trong liên minh.

Thế rồi sau đó các liên minh lại phải tính chuyện kết nối với nhau để phục vụ khách hàng. Đến bây giờ mới sáp nhập lại được.
Khi bàn về câu chuyện này, một nữ Chủ tịch HĐQT một ngân hàng (hiện đã nghỉ hưu) trong top lớn nhất thời điểm đó phải thốt lên: "người Việt ăn cơm chung, nhưng chỉ chung nhau bát nước mắm".
Thế nên chuyện sáp nhập liên minh, đáng ra sẽ không xảy ra nếu như ngay từ đầu các ngân hàng dù với mức phát triển rất khác nhau lúc đó (có ngân hàng còn chưa có hệ thống thanh toán thẻ), nhưng thỏa thuận được các nguyên tắc để thành lập một liên minh chung để hướng tới những sản phẩm giá trị gia tăng chứ không phải là kết nối thế nào.
Như cách nói của ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Banknetvn là "chắc chắn có nhiều trăn trở" khi chia sẻ với báo giới. Phải tính tới những nhiệm vụ trước mắt và những thách thức đặt ra.

Ông có suy nghĩ gì sau khi 2 công ty sáp nhập?

Một việc lớn như vậy chắc chắn có nhiều trăn trở. Tất cả các nhiệm vụ đặt ra với Công ty sau sáp nhập là khó vì đều mới mẻ đối với thị trường Việt Nam. Ngay như việc chuyển đổi sang thẻ chip cũng là thách thức không nhỏ vì kinh nghiệm các nước trong khu vực và thế giới đã triển khai, có nước thành công nhưng cũng có nước không thành công.

Ngoài ra, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phải có hạ tầng thanh toán tốt. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến văn hóa, phong cách làm việc, tổ chức bộ máy của hai đơn vị khi sáp nhập… Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu đặt lợi ích của khách hàng lên trước, làm thế nào cho tốt nhất, có lợi nhất cho cộng đồng người sử dụng, vị thế thanh toán của đất nước được nâng lên trong cộng đồng quốc tế, thì tất cả mọi khó khăn đều sẽ được vượt qua. 

Vậy theo ông, việc sáp nhập 2 công ty đem lại lợi ích như thế nào cho khách hàng, ngân hàng?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, sáp nhập hai công ty phải đứng trên khía cạnh khách hàng, mà khách hàng luôn quan tâm tới 2 yếu tố: dịch vụ và chi phí. Chúng tôi cam kết sẽ đem đến cho khách hàng dịch vụ thuận lợi hơn và chất lượng hơn.

Dịch vụ thuận lợi ở chỗ, nếu như trước đây khách hàng muốn giao dịch phải tìm kiếm máy ATM của đúng liên minh, thì tới đây, sau khi sáp nhập sẽ hợp nhất về mặt kỹ thuật. Tất cả khách hàng có thể giao dịch ở tất cả các máy ATM nằm trong liên minh Banknetvn mới. Với kỹ thuật đồng bộ, chắc chắn chất lượng dịch vụ sẽ được đảm bảo hơn.

Về chi phí cũng sẽ hợp lý hơn. Trước đây 2 công ty phải duy trì 2 hệ thống, 2 nguồn lực…, nên chi phí bỏ ra là không nhỏ. Trong khi đó, với các ngân hàng, trước đây có thể kết nối với 1 hoặc với cả 2 liên minh thẻ, nhưng sắp tới ngân hàng sẽ chỉ kết nối với 1 liên minh duy nhất, nên sẽ tiết kiệm được nguồn lực tối đa. Qua đó, sẽ có một chi phí hợp lý cho khách hàng. Tôi muốn dùng từ “hợp lý” bởi chúng ta phải cân đối chi phí giữa tổ chức chuyển mạch thẻ quốc tế cũng như các chi phí khác theo sức mua của người Việt Nam.

Ngoài ra, ngân hàng cũng tối ưu hóa được hệ thống ATM và POS. Thay vì một điểm phải đầu tư nhiều POS hay ATM, thì chỉ cần đặt 1 máy POS, 1 ATM là có thể sử dụng cho tất cả thẻ của nhiều ngân hàng khác nhau. Hơn nữa, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm như Mobile POS, E-POS..., mang lại sự thuận tiện nhất cho khách hàng và lợi ích của ngân hàng cũng được đảm bảo.

Ngoài ra, sáp nhập 2 liên minh thẻ thành 1 liên minh thống nhất cũng sẽ có ý nghĩa lớn trong đảm bảo an ninh thanh toán thẻ của quốc gia. 

Quá trình sáp nhập có ảnh hưởng gì tới người dùng thẻ của 2 liên minh độc lập trước đây?

Hợp đồng sáp nhập giữa hai công ty được ký kết là để thống nhất về mặt tổ chức, còn về kỹ thuật của 2 hệ thống sẽ có lộ trình cụ thể. Chúng tôi cam kết đảm bảo không ảnh hưởng tới dịch vụ khách hàng. Mọi quyền lợi khách hàng, các hợp đồng đã ký của Smartlink với khách hàng đều sẽ được chuyển giao sang công ty sau sáp nhập. Điều đó có nghĩa, không có bất kỳ sự thay đổi nào trong hoạt động và mọi quyền lợi của khách hàng, ngân hàng đều được chúng tôi đảm bảo cao nhất. 

Sau sáp nhập công ty mới sẽ hoạt động theo mô hình, hình thức nào, thưa ông?

Hình thức sáp nhập ở đây được hiểu theo nghĩa “cộng” vào, Smartlink sẽ hoạt động theo điều lệ của Banknetvn. Tất nhiên, sau khi sáp nhập, quy mô doanh nghiệp tăng lên, mô hình tổ chức có thay đổi, nên sẽ phải sửa đổi điều lệ tổ chức. Nhiệm vụ trước mắt là phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới dựa trên dịch vụ, nguồn lực, nền tảng kỹ thuật của 2 bên, trên nguyên tắc cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Sau sáp nhập, Công ty vẫn giữ tên là Banknetvn. Thương hiệu Smartlink sẽ được giữ lại là tài sản sau sáp nhập. 

Có ý kiến cho rằng, sáp nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất thị trường sẽ tạo ra sự độc quyền. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Lo ngại đó là chính đáng. Nhưng cần lưu ý rằng, NHNN chiếm cổ phần lớn nhất trong công ty sáp nhập. NHNN là đơn vị hoạt động vì lợi ích quốc gia và người tiêu dùng. Do đó, công ty sau sáp nhập sẽ vì lợi ích quốc gia, người tiêu dùng. Việc quản lý về phí tuân thủ theo quy định của NHNN và chịu sự giám sát chặt chẽ về cạnh tranh của Bộ Công thương, để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Tin bài liên quan