Báo cáo tài chính, nhiều vấn đề nổi cộm

Báo cáo tài chính, nhiều vấn đề nổi cộm

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các Sở GDCK cùng với sự hỗ trợ của các hiệp hội kiểm toán, các công ty kiểm toán lớn đã có một đợt rà soát hơn 100 báo cáo tài chính (BCTC) của các DN đại chúng và tổng kết nhiều vấn đề đáng lưu ý.

Những vấn đề nổi cộm

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Phát hành, UBCK, nhiều chuẩn mực kế toán, kiểm toán của Việt Nam chưa thống nhất với chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam có nhiều quy định, chính sách về chế độ tài chính của DN, do vậy chất lượng báo cáo kế toán, kiểm toán của nhiều DN chưa cao. Theo đánh giá của UBCK, chất lượng BCTC của DN có ba điểm nổi cộm, đó là thiếu tính kịp thời, thiếu tính nhất quán và thiếu tính đầy đủ, chính xác.

Về tính kịp thời, số lượng DN chậm nộp BCTC còn nhiều, nhiều trường hợp DN bị Sở nhắc nhở liên quan đến vấn đề chậm công bố BCTC và tình trạng này cũng đã dần được khắc phục. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc công bố các thông tin đúng hạn mới chỉ đáp ứng về mặt hình thức, theo các quy định pháp lý hiện hành. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm chính là chất lượng thông tin.

Về chất lượng và tính nhất quán của BCTC, UBCK cho biết, có khá nhiều BCTC của DN không hợp lệ, do có sự chênh lệch giữa số liệu cuối kỳ trước và đầu kỳ sau, hoặc chênh lệch giữa số liệu trước và sau soát xét khá lớn, cá biệt, có BCTC còn không ghi ngày tháng, không có chữ ký Kế toán trưởng, Giám đốc..., là những lỗi sơ đẳng nhất, nhưng vẫn bắt gặp trong khối các DN đại chúng tại Việt Nam.

Về tính chính xác và đầy đủ, thực tế, với những DN có sự chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán, UBCK đều yêu cầu DN phải giải trình. Hầu hết DN nộp báo cáo giải trình đúng thời gian quy định, song chất lượng thông tin giải trình chưa cao. Cụ thể, vẫn còn một số DN có tình trạng không thống nhất về số liệu, có thuyết minh nhưng vòng vo, không có thông tin gì mới. Ở điểm này, ông Hải cho rằng, vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa việc công bố thông tin và minh bạch. DN có thể tuân thủ việc nộp BCTC đúng hạn, nhưng mức độ minh bạch vẫn còn thấp.

Theo ông Hải, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về công bố thông tin cũng như tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm thanh lọc và nâng chất các DN niêm yết và đăng ký giao dịch để giảm dần những bất cập nói trên.

 

6 tháng đầu năm 2013, nhiều DN vẫn chậm nộp báo cáo

Đã quá 2 tuần so với thời hạn cuối cùng công bố thông tin BCTC hợp nhất quý II/2013 và báo cáo soát xét bán niên, nhưng vẫn có một số DN xin gia hạn chậm nộp báo cáo này. Trên HOSE, tính đến ngày 27/8, có khoảng 10 DN chưa nộp báo cáo soát xét bán niên 2013 và báo cáo hợp nhất quý II/2013 như CTCP Năm Bảy Bảy (NBB), CTCP Gò Đàng (AGD), CTCP Xây dựng và Kinh doanh vật tư (CNT)…

Theo NBB, có nhiều lý do để Công ty xin gia hạn nộp BCTC hợp nhất quý II/2013 như: Công ty thay đổi chính sách kế toán; khối lượng công việc lớn, bởi Công ty có 5 chi nhánh và 5 công ty con; Công ty thay đổi đơn vị kiểm toán độc lập từ IFC sang Deloitte và đây cũng là đơn vị kiểm toán năm đầu tiên nên mất thêm thời gian để kiểm toán số liệu đầu năm, cũng như số liệu hồi tố của Công ty. Đối với AGD, Công ty đang hoàn tất các thủ tục để chính thức rời sàn HOSE kể từ ngày 28/8 nên có phần “lơ là” trong việc hoàn thành BCTC quý II/2013.

Đại diện HOSE cho biết, đối với các DN chậm nộp BCTC quý, Sở đã nhắc nhở, chỉ một số trường hợp có lý do bất khả kháng như DN gặp thiên tai, hỏa hoạn… mới được gia hạn, song những lý do bất khả kháng mà nhiều DN đưa ra lại tương đối “chủ quan”, những DN xin gia hạn được coi là hợp lệ nếu được sự chấp thuận của UBCK.

Trên HNX, lãnh đạo Sở này cho hay, tính đến ngày 27/8, trong số 386 DN niêm yết có 7 DN chưa nộp BCTC quý II/2013 theo đúng thời hạn quy định, trong đó có 3 - 4 DN nằm trong diện sắp phải hủy niêm yết. Theo quy định hiện hành, những DN chậm nộp BCTC sẽ bị nêu tên công khai trên 2 Sở và bị UBCK xem xét xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt lên tới 70 triệu đồng.