GS.TS Trần Ngọc Thơ

GS.TS Trần Ngọc Thơ

Báo cáo thường niên cần hướng đến chuẩn mực quốc tế

(ĐTCK) Để ra đời một BCTN cũng lắm công phu, cần hướng đến sự minh bạch mang chuẩn mực quốc tế hơn là chỉ để mang tính đối phó.

Cuộc bình chọn báo cáo thường niên (BCTN) 2012 có đặc trưng nổi bật là số DN quan tâm đến phân tích và quản lý rủi ro đã tăng lên so với các năm trước. Tuy nhiên, việc quan tâm này phần lớn cũng chỉ dừng lại ở mức nhập môn. Nhiều DN phân tích rủi ro ở mức độ khái niệm như rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá, rủi ro thị trường là gì

Quản trị rủi ro đòi hỏi cách thức xác định mức độ rủi ro mà một DN mong muốn, nhận diện được mức độ rủi ro hiện nay bằng định lượng, thay vì định tính. Sau đó, DN sẽ sử dụng những công cụ phái sinh hoặc xây dựng một chương trình quản trị rủi ro thích hợp. Quá trình này bao gồm việc xác định mục tiêu của quản trị rủi ro; nhận dạng và định lượng các độ nhạy cảm lãi suất, tỷ giá, giá cả hàng hóa tác động thế nào đến lợi nhuận; xác định triết lý quản trị rủi ro và xây dựng hệ thống đánh giá và kiểm soát chương trình quản trị rủi ro.

Cần chú ý là các DN nên công khai triết lý quản trị rủi ro của mình nên như thế nào là phù hợp. Một số DN nằm trong Top đầu của cuộc bình chọn năm nay đã có bước thăng tiến vượt bậc so với năm trước nhờ chú ý đến chất lượng thông tin về quản trị rủi ro trong BCTN.

Điều đáng ngạc nhiên là trong phân tích tài chính, các DN ít quan tâm đến phân tích ngành và so sánh với các DN cạnh tranh trong ngành. Điều này khiến cho người đọc chỉ biết được thông tin về bản thân DN. Trong khi đó, để ra quyết định đầu tư hợp lý, NĐT cần phải có nhiều thông tin về các đối thủ cạnh tranh. Cuộc bình chọn BCTN đến nay đã được 5 năm, mà công việc phân tích tài chính của các DN được cải thiện không nhiều.

Năm nay, xuất hiện thêm những biến thể mới trong BCTN. Đó là việc các DN tự mình khen mình. Công tác tự khen này được tiến hành bằng cách DN thuê một công ty tư vấn nào đó không có tên tuổi để đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng và NĐT về hoạt động của công ty mình. Động thái này có thể lợi bất cập hại, bởi người hoài nghi có thể đặt câu hỏi vì sao công ty phải làm như thế?

Một số công ty có nhu cầu PR hình ảnh ra nước ngoài, nên BCTN được dịch ra tiếng Anh. Điều đáng nói là việc dịch sang tiếng Anh theo cách hiểu của người Việt, nên rất khôi hài. Nếu một NĐT nước ngoài dự định đầu tư vào công ty mà đọc được những câu ngộ nghĩnh như thế có lẽ họ sẽ suy nghĩ lại về trình độ của những người điều hành. Tốt hơn hết, các DN nên thuê người bản xứ hiệu đính. Chi phí không tốn thêm bao nhiêu, mà uy tín có thể tăng lên nhiều.

Vậy làm thế nào để chất lượng BCTN có bước nhảy vọt về chất? Nên chăng, chúng ta không nên câu nệ với nhau quá khắt khe về những quy định trong cách thức lập BCTN do cơ quan quản lý nhà nước ban hành, mà cần hướng đến những chuẩn mực quốc tế khi xây dựng báo cáo. Phải đặt mình trong bối cảnh nếu niêm yết trên TTCK  nước ngoài thì sẽ phải làm gì? Phải tuân thủ những chuẩn mực về kế toán, công bố thông tin, quản trị DN theo những quy tắc quốc tế như thế nào? Phải nhìn nhận như thế để thấy rằng, để ra đời một BCTN cũng lắm công phu, cần hướng đến sự minh bạch mang chuẩn mực quốc tế hơn là chỉ để mang tính đối phó.