Sacombank sử dụng “slogan” trong báo cáo thường niên 2007 như một thông điệp của doanh nghiệp.

Sacombank sử dụng “slogan” trong báo cáo thường niên 2007 như một thông điệp của doanh nghiệp.

Báo cáo thường niên chuyển thông tin đến thị trường và xã hội như thế nào?

Báo cáo thường niên (BCTN) theo thông lệ chung trên thế giới là một tài liệu được các công ty cổ phần sử dụng để báo cáo trước đại hội đồng cổ đông, hoặc được các tổ chức từ thiện sử dụng để báo cáo trước những người đóng góp tiền của.

Tìm hiểu Báo cáo thường niên

BCTN loại này được soạn thảo dựa trên các báo cáo tài chính của công ty và thường bao gồm các nội dung sau:

  • Thông điệp của Chủ tịch hội đồng quản trị (Chairman'report)

  • Báo cáo của Tổng giám đốc (CEO's report)

  • Báo cáo kiểm toán đối với hoạt động quản trị DN (Auditor's report on corporate governance)

  • Báo cáo về tầm nhìn và sứ mệnh của công ty (Mission statement): đây là một báo cáo ngắn gọn về sứ mệnh, mục tiêu của một công ty, một hội tôn giáo hoặc của một tổ chức nói chung. Các DN đôi khi sử dụng báo cáo này như là khẩu hiệu "slogan" quảng cáo về công ty của họ, tuy nhiên mục đích chủ yếu của báo cáo này là giúp các cổ đông của công ty hay các thành viên của tổ chức, hiệp hội nhận thức rõ được mục tiêu và sứ mệnh của DN mà họ đang tham gia đầu tư vốn chủ sở hữu, hay các thành viên hiểu được mục đích, tôn chỉ của tổ chức mà họ tham gia. Đối với các công ty đại chúng, mục đích hàng đầu là phải luôn luôn bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu, bất chấp thông điệp sứ mệnh của công ty là gì.

Phần báo cáo về tài chính bao gồm:

Báo cáo của công ty kiểm toán đối với tính trung thực, chính xác của các báo cáo tài chính mà công ty đưa ra cho các cổ đông;

  • Bảng cân đối kế toán;
  • Báo cáo thu nhập;
  • Báo cáo lợi nhuận giữ lại;
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
  • Báo cáo giải trình về các chuẩn mực và chế độ kế toán mà công ty đang áp dụng;
  • Thuyết minh báo cáo tài chính.

Ngoài ra, BCTN còn bao gồm một số thông tin khác nếu được cho là có liên quan đến các cổ đông, chẳng hạn như báo cáo đánh giá về hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Các báo cáo tài chính khi được soạn thảo phải tuân theo các quy định về chuẩn mực kế toán chung được chấp nhận của quốc gia đó (GAAP) cũng như phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý khác có liên quan. Ví dụ ở Mỹ, các báo cáo tài chính phải phù hợp với các quy định của IFRS, ở Việt Nam thì phải tuân theo các chuẩn mực kế toán và các yêu cầu khi lập báo cáo tài chính mà Bộ Tài chính đã ban hành.

 

BCTN ở Việt Nam và thế nào là một báo cáo tốt?

Theo Luật Chứng khoán Việt Nam, công ty đại chúng là công ty có số lượng cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên, buộc phải công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán và BCTN theo mẫu CBTT-02, Thông tư 38/2008/TT-BTC. Theo mẫu này thì BCTN của công ty đại chúng ở Việt Nam tương đối đầy đủ thông tin cần thiết cho nhà đầu tư và tương đồng với báo cáo mẫu 10-K tại Mỹ (tham khảo Báo ĐTCK số 70), tức là cũng bao gồm các thông tin về lịch sử hoạt động của công ty; báo cáo của Hội đồng quản trị; báo cáo của Ban giám đốc; báo cáo tình hình tài chính; báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; bản giải trình về báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán; báo cáo về các công ty có liên quan; báo cáo về tổ chức và nhân sự… và cuối cùng là thông tin về cổ đông/thành viên góp vốn/quản trị công ty.

Như vậy, theo quy định, BCTN của các công ty đại chúng ở Việt Nam bao gồm luôn trong đó tất cả các báo cáo tài chính đã được kiểm toán và có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho hoạt động phân tích cơ bản của các nhà đầu tư cũng như tất cả các bên có quan tâm đến hoạt động của công ty.

Các công ty khi công bố BCTN đều cố gắng cung cấp thông tin và diễn giải một cách rõ ràng nhất trong khả năng của mình để một nhà đầu tư không chuyên cũng có thể nhanh chóng nắm bắt được những điểm chính yếu mà công ty muốn đưa ra. Phần quan trọng nhất của bản báo cáo chính là phần liên quan đến tình hình tài chính của DN. Một bản BCTN có chất lượng là bản báo cáo mà trong đó tất cả thông tin trên báo cáo tài chính có thể gây khó hiểu cho người đọc sẽ được chú dẫn (notes) chi tiết trong phần thuyết minh báo cáo tài chính. Ví dụ khi công bố thông tin về nợ, DN sẽ chú dẫn chi tiết về thời gian đáo hạn, phương thức thanh toán, các giới hạn đối với DN mà theo đó sẽ ngăn cản DN chi trả cổ tức, các đặc điểm chuyển đổi của nợ, các thay đổi trong các khoản dự phòng trả nợ. Nếu DN thuê tài chính thì những chú dẫn sẽ là đặc tính của hợp đồng thuê tài sản, nhằm giúp nhà đầu tư tự phân loại lại các hợp đồng thuê này là thuê tài chính hay chỉ là thuê hoạt động nếu thấy cần thiết khi mà DN thường cấu trúc hợp đồng thuê của mình sao cho các điều khoản thuê gần giống với thuê hoạt động hơn là thuê tài chính để DN có thể hạch toán khoản tài trợ nợ của mình ngoài bảng cân đối kế toán. Những chú dẫn này tiếp tục được làm rõ bởi các dẫn chứng bằng những con số tính toán cụ thể nếu cần thiết. Một ví dụ về vai trò của thuyết minh báo cáo tài chính: một công ty trong ngành gạch ngói, vật liệu xây dựng đã trình bày báo cáo kết quả kinh doanh vào quý III năm 2007 bị sai khiến nhà đầu tư hiểu nhầm từ lỗ thành lãi và chen nhau mua cổ phiếu của công ty này khiến giá bị đẩy lên cao. Sự cố này sẽ không thể xảy ra ngay cả khi cho là DN bị sơ suất nếu DN thuyết minh báo cáo tài chính đầy đủ.

Hơn nữa, trong báo cáo của mình, các DN sẽ phân tích rõ cho nhà đầu tư thấy được, bên cạnh những thành tựu, DN còn đang phải đối mặt với những khó khăn và bất lợi gì. Mặc dù nội dung của phần công bố này cũng được quy định trong mẫu CBTT-02, nhưng chất lượng thông tin công bố thực sự tùy thuộc vào ý muốn của DN. DN có thể đưa ra những chú dẫn chi tiết, rõ ràng và đánh giá về những bất lợi của DN mình một cách chặt chẽ, nhưng đồng thời DN cũng có thể đưa ra một báo cáo tài chính với phần thuyết minh chung chung và thông tin phân tích về rủi ro của DN chỉ mang tính đối phó, chiếu lệ. Các quy định hành chính hầu như khó có thể chế tài DN đối với những trường hợp công bố thông tin như vậy. Biện pháp hữu hiệu nhất để các DN buộc phải đưa ra những báo cáo chất lượng nhất, chính là làm sao xây dựng một cơ chế mà mỗi DN có được động lực mà có muốn cũng không thể làm tốt hơn và có muốn làm sai cũng không dám làm.

Bài 1: Báo cáo thường niên và nhu cầu thông tin của đại chúng