Bao chặt để ngăn Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Dù hiện tại, Covid-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt, nhưng diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu cũng như các nước xung quanh cho thấy, Việt Nam không thể lơ là ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh.
Chống dịch tốt là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để Việt Nam có thể phục hồi kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu kép.

Chống dịch tốt là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để Việt Nam có thể phục hồi kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu kép.

Theo trang mạng worldometer.info, chỉ trong ngày 22/4, thế giới đã ghi nhận trên 859.000 ca mắc Covid-19 và trên 12.500 ca tử vong do Covid-19. Như vậy, tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt con số 145 triệu, trong đó trên 3,07 triệu ca tử vong.

Ngay cạnh Việt Nam, Campuchia đang trở thành “điểm nóng”. Xa hơn, Ấn Độ trong những ngày qua đã trở thành tâm điểm của thế giới khi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Thậm chí, trong ngày 22/4, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã ghi nhận 314.835 người mắc Covid-19 mới, một con số kỷ lục của cả thế giới.

Tình hình ở Ấn Độ căng thẳng đến mức, Đại sứ Phạm Sanh Châu phải thốt lên rằng, chưa bao giờ thấy “lằn ranh giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến thế”. Điều đó cũng có nghĩa, ẩn họa Covid-19 vẫn chực chờ.

Chính phủ Việt Nam có lẽ cũng nhận rõ điều này, nên tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 vào cuối tuần qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rằng, Việt Nam hiện giống như cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn nước cao, sóng to, gió lớn, nên chúng ta phải “bao cho chặt”.

Tình thế chưa đến mức “căng như dây đàn”, nhưng rủi ro là rất lớn. Vì chỉ cần một ca nhiễm trong cộng đồng, thì rất có thể, các hoạt động, dễ thấy nhất là đi lại, du lịch, hàng hóa sẽ ách tắc ngay, thiệt hại là khó tính.

Thực tế cho thấy, sau “làn sóng” Covid-19 thứ ba, bùng phát vào cuối tháng 1/2021, dù các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng một cách khôn ngoan theo cách “đốm lửa nhỏ, khoanh nhỏ”, nhưng kinh tế - xã hội vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2021 chỉ đạt 4,48%, thay vì đạt 5,12% như kịch bản tăng trưởng được đưa ra trước đó. Hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã bị bồi thêm “đòn đau”. Cũng vì lẽ đó, mà số doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động trong quý I đã lên đến con số hơn 40.300 doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trở lại, các hoạt động kinh tế đã được khôi phục. Đặc biệt, các hoạt động dịch vụ, du lịch đang sôi động hơn. Trước mắt là kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch đón đầu sự trở lại của du khách.

Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, chúng ta cũng đã tính đến phương án triển khai hộ chiếu vắc-xin, cũng tính cả phương án cho đón khách quốc tế ở một số địa bàn… Một biện pháp cần thiết, bởi là một nền kinh tế có độ mở bậc nhất thế giới, phụ thuộc lớn vào bên ngoài, Việt Nam không thể mãi đóng cửa chống dịch.

Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh rủi ro do Covid-19 còn rất lớn hiện nay, thì không thể lơ là chống dịch, càng cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhập cảnh trái phép, không thể để chỉ một vài cá nhân mà gây họa cho cả nước - như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói. Cùng với đó, đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là điều quan trọng không kém.

Nước Mỹ đang hồi phục kinh tế, với tốc độ tăng trưởng năm nay dự kiến lên tới 6,4-6,5% cũng một phần là nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc của họ. Tất nhiên, mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng chủ động và quyết liệt phòng chống dịch, bao gồm cả tiêm vắc-xin, là biện pháp mà Việt Nam có thể đẩy mạnh trong lúc này, để làm sao hạn chế ở mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Chống dịch tốt là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để Việt Nam có thể phục hồi kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu kép.

Tin bài liên quan