Các nhà đầu tư châu Á có thói quen tích trữ quá nhiều tiền mặt

Các nhà đầu tư châu Á có thói quen tích trữ quá nhiều tiền mặt

Bảo hiểm hưu trí tại châu Á và kinh nghiệm cho Việt Nam

(ĐTCK) Tiết kiệm cho hưu trí là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà đầu tư tại tất cả các thị trường, ngoại trừ Malaysia, nơi có gần 2/3 nhà đầu tư tin rằng họ đủ khả năng để chu cấp cho khoảng thời gian hưu trí của mình. Kết quả cuộc khảo sát của Manulife về chỉ số lạc quan của nhà đầu tư châu Á là tín hiệu vui cho những doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai bảo hiểm hưu trí.

Giá như có thể bắt đầu kế hoạch hưu trí sớm hơn

Kết quả một cuộc khảo sát về tuổi thọ của Manulife mới đây cho thấy, những người tham gia khảo sát có nhiều khả năng sống lâu hơn 5 năm so với dự đoán của họ. Điều đó cũng có nghĩa là khoản tiết kiệm dành cho tuổi già của họ có khả năng sẽ cạn kiệt sớm hơn dự định.

Ông Robert A. Cook, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Manulife Financial châu Á cho biết, những người tham gia cuộc khảo sát này, ngay cả những người đã chủ động đầu tư cho hưu trí đều tiếc rằng giá như họ có thể bắt đầu kế hoạch hưu trí sớm hơn nữa hoặc có thể tiết kiệm nhiều hơn cho quỹ hưu trí.

Còn theo ông Michael Dommermuth, Chủ tịch toàn cầu của Tập đoàn Manulife Asset Management, các nhà đầu tư Indonesia và Hồng Kông rất khôn ngoan khi đã cân nhắc đến chi phí chăm sóc sức khỏe. Ông Dommermuth cho rằng, tất cả chúng ta đều nhận thức được vấn đề sức khỏe từ kinh nghiệm cá nhân với gia đình hoặc bạn bè, và thực tế là chi phí y tế ở châu Á đã tăng gấp đôi tốc độ lạm phát trong vòng 10 năm qua.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, việc chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của một người dân ở Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần trong 10 năm qua. Ở Singapore, chi phí y tế cao hơn khoảng 3 lần và ở Indonesia là 2 lần trong cùng thời điểm này. Chăm sóc sức khỏe rất tốn kém và khi tuổi càng cao, chúng ta càng cần nhiều hơn.

Trái ngược với sự kỳ vọng của nhiều người lao động là được tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu, nhóm lao động trong độ tuổi từ 65 trở lên tại các nước phát triển của châu Á đang thu nhỏ dần chứ không tăng thêm.

Ví dụ, ở Hồng Kông, con số này đã giảm tới 3/4 so với cách đây 30 năm, cụ thể lao động lớn tuổi chiếm khoảng 6% ở Hồng Kông, 8% ở Đài Loan và 22% ở Nhật Bản. Do đó, viễn cảnh hưu trí mà nhiều người dân châu Á vẽ ra với những dự định được lên kế hoạch sẵn có thể sẽ khiến họ phải nản lòng.

Kết quả cuộc khảo sát là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp bảo hiểm vì bảo hiểm cho hưu trí hứa hẹn sẽ bán “đắt như tôm tươi”.

Chia sẻ về tiềm năng của phân khúc bảo hiểm hưu trí, ông Stephen Clark, Tổng giám đốc AIA Việt Nam cũng cho rằng, dân số của phần lớn các nước châu Á đang trở nên già đi một cách nhanh chóng, mà không có sự bảo vệ đầy đủ khi bước vào tuổi hưu trí. Trong năm 2012, khoảng 11% dân số châu Á trên 60 tuổi và tỷ lệ này được dự đoán là sẽ tăng gấp đôi lên tới 24% vào năm 2050.

Trong năm 2011, bảo hiểm hưu trí cho người lao động ở hầu hết các nước châu Á là dưới 40%, trong khi quy mô tài sản hưu trí cá nhân của 9 nền kinh tế châu Á với hệ thống hưu trí tương đối phát triển chỉ chiếm 5,3% GDP, rất thấp so với tỷ lệ trung bình của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 70%.

Theo bà Donna Cotter, Trưởng bộ phận Quản lý tài sản của Manulife châu Á, khi so sánh với các nhà đầu tư Bắc Mỹ, các nhà đầu tư châu Á có mối tương quan tài sản so với thu nhập hiện tại tốt hơn. Nhưng họ lại không sử dụng tài sản một cách hiệu quả như các nhà đầu tư Bắc Mỹ.

Ví dụ, các nhà đầu tư châu Á có thói quen tích trữ quá nhiều tiền mặt, thay vì mang đi đầu tư, điều đó làm mất giá trị của tài sản. Nếu lưu tâm và có kế hoạch đầu tư, các nhà đầu tư châu Á có thể cải thiện viễn cảnh hưu trí của mình một cách khá dễ dàng.

Nhận thức cao nhưng ưu đãi cũng phải lớn

Để thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyên phát triển sôi động không thể phủ nhận rằng nhận thức của khách hàng về bảo hiểm vô cùng quan trọng. Và cùng với việc nâng cao nhận thức người dân về bảo hiểm thì những ưu đãi về chính sách thuế sẽ là một hấp lực khác khiến sản phẩm này được ưu chuộng hơn.

Tại một cuộc hội thảo quốc tế về triển khai mô hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam và kinh nghiệm của các nước, hầu hết các chuyên gia về bảo hiểm đều cho rằng, để  bảo hiểm hưu trí tự nguyện hấp dẫn cần có sự ưu đãi thuế mới có thể thu hút người lao động tham gia trong giai đoạn đầu.

Ví dụ, tại Trung Quốc, phần đóng góp được giảm thuế lên đến 5.000 nhân dân tệ/tháng (tương đương 750 USD). Tại Hồng Kông, nơi mặt bằng thuế nói chung thấp, người lao động được miễn thuế đối với quyền lợi được nhận từ hưu trí tự nguyện. Trong khi đó, sự thành công của bảo hiểm hưu trí tự nguyện ở Nhật Bản là tổng hòa các yếu tố quan trọng gồm: chính phủ ưu đãi thuế đối với hưu trí tự nguyện, khách hàng nhận thức được rủi ro khi tuổi thọ kéo dài nên tăng chuẩn bị cho cuộc sống sau khi về hưu, công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng và giảm thiểu rủi ro đầu tư, cả chính phủ và công ty bảo hiểm cùng phát triển nhu cầu khách hàng bằng các chương trình huấn luyện kết hợp với các chính sách đãi ngộ.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bảo hiểm hưu trí của Nhật Bản cũng lưu ý, vì thời gian hợp đồng dài nên lãi suất dự định sẽ được thay đổi sau một kỳ hạn nhất định (ví dụ 5 năm). Nếu kết quả đầu tư không đạt được lãi suất dự định, công ty bảo hiểm sẽ bù vào chỗ thiếu hụt. Tuy nhiên, nhờ vào việc lãi suất dự định được điều chỉnh theo mặt bằng lãi suất nên rủi ro lỗ ngược có thể được kiểm soát.

Các nhà bảo hiểm Nhật Bản đã thành công trong việc tách biệt nhóm sản phẩm mới (sản phẩm hưu trí) với sản phẩm hiện có và quản lý rất chi tiết, trên cơ sở đó nhà bảo hiểm giảm thiểu tối đa rủi ro giảm giá của tài sản so với nợ (Assets - Liabilities Matching) bằng cách mua tài sản phù hợp với dòng tiền nợ (có thể là trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ) vào mỗi thời điểm gia hạn hợp đồng.

Với thị trường bảo hiểm hưu trí tại Trung Quốc cũng đã có những cảnh báo, mặc dù bảo hiểm hưu trí đã có những bước phát triển nhất định, nhưng vẫn có một số vấn đề mà các nhà quản lý Trung Quốc hiện chưa giải quyết được. Ví dụ, quyền lợi bảo hiểm sẽ như thế nào khi một người đổi công ty, hoặc nghỉ việc, hoặc được điều chuyển công tác đến thành phố khác? Có nên cho người tham gia nhận quyền lợi sớm không nếu họ vẫn còn khỏe mạnh? Tỷ lệ thuế ở thời điểm nhận quyền lợi là bao nhiêu và ai làm nhiệm vụ khấu trừ thuế, khi mà hiện nay hầu hết mọi người không nộp báo cáo thuế thu nhập? Ngoài ra, có những vấn đề kỹ thuật như mức trần chi phí thấp khiến việc phân phối hiệu quả đến nhà tuyển dụng nhỏ trở nên khó khăn.

Ngoài những khó khăn rất đáng được lưu ý này các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng chỉ ra rằng, đối với những thị trường và doanh nghiệp bảo hiểm khi mới triển khai sản phẩm sẽ chưa thể có tăng trưởng và khó bù đắp được sự dao động của thị trường. Đặc biệt, trong điều kiện thị trường chứng khoán có diễn biến xấu thì  nguy cơ khiếu nại về kết quả đầu tư không có lãi là không tránh khỏi trong những năm đầu triển khai.

 

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2014 với chủ đề "Chọn lối đi riêng", xuất bản ngày 30/5/2014 bởi Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư.

Trong thời gian tới, tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải các bài viết trong Đặc san. Bạn đọc có thể vui lòng theo dõi các bài viết tại đây.

Tin bài liên quan