Bảo vệ nhà đầu tư, 3 công cụ bị bỏ quên

Bảo vệ nhà đầu tư, 3 công cụ bị bỏ quên

(ĐTCK) Ít nhất có 3 công cụ bảo vệ NĐT đã có hiệu lực cách đây 5 năm. Thế nhưng, không hiểu do cơ quan quản lý… quên.

3 công cụ bị… quên

Sau CTCK Tràng An (TAS), gần đây, một loạt NĐT mở tài khoản tại CTCK Golden Bridge Việt Nam choáng váng khi tiền của họ “không cánh mà bay”, nhưng chưa biết cách nào đòi lại được.

Một NĐT bị mất tiền lẫn chứng khoán tại TAS chia sẻ, sau gần 10 năm tham gia TTCK, chưa bao giờ ông cảm thấy tài sản của NĐT tại CTCK lại đối mặt với rủi ro lớn như hiện tại. Với cung cách hoạt động thiếu chuyên nghiệp của một số CTCK, cộng với sự khó khăn kéo dài của thị trường, thì không ai dám khẳng định sẽ không có thêm những nạn nhân “bỗng dưng” bị mất tài sản do CTCK mất thanh khoản.

Bảo vệ nhà đầu tư, 3 công cụ bị bỏ quên ảnh 1

Điều rất bất thường là nhiều NĐT chân chính bị mất tiền, mất chứng khoán, nhưng đang gần như bất lực trong việc đòi lại tài sản bị các CTCK này “hô biến”

Thực ra, lâu nay vẫn có trường hợp NĐT bị mất tiền, chứng khoán. Nhưng trong số đó, phần nhiều liên quan đến việc NĐT và CTCK bắt tay “vượt rào” quy định để thực hiện các giao dịch mà pháp luật chưa cho phép. Trong trường hợp này, khi bị thiệt hại về tài sản, NĐT đành cắn răng chịu, bởi họ đã chủ động cùng CTCK thực hiện các giao dịch không được pháp luật bảo vệ. Tình trạng này được coi là không có gì bất thường. Thế nhưng, điều rất bất thường là những NĐT chân chính mở tài khoản, giao dịch tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật tại TAS, tại Golden Bridge Việt Nam, bị mất tiền, mất chứng khoán, nhưng đang gần như bất lực trong việc đòi lại tài sản bị các CTCK này “hô biến”.

Tình trạng nhức nhối trên có dấu hiệu diễn biến phức tạp thêm, một phần do TTCK khó khăn kéo dài, khiến nhiều CTCK đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản, nên tìm cách lạm dụng tài sản của NĐT. Một nguyên nhân khác là do các công cụ pháp lý bảo vệ NĐT hoặc bị thiếu, hoặc chỉ tồn tại… trên giấy. Bằng chứng là ngay trong Luật Chứng khoán đầu tiên của Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/2007 đã đưa ra ít nhất 3 công cụ bảo vệ NĐT là: buộc CTCK phải quản lý tách biệt chứng khoán của từng NĐT, tách biệt tiền và chứng khoán của NĐT với tiền và chứng khoán của CTCK; CTCK phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty; hoặc trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty. Thế nhưng, 5 năm trôi qua kể từ ngày những quy định trên có hiệu lực, 3 công cụ này chỉ tồn tại trên giấy, nên NĐT chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Bộ Tài chính “quên” đến bao giờ?

Trong các giao dịch kinh tế, điều khó khăn chủ yếu khi giải quyết các tranh chấp thường là do thiếu quy định pháp lý hoặc quy định không rõ ràng. Thế nhưng, điều này được coi là ngoại lệ đối với lĩnh vực chứng khoán, bởi ngay trong Luật Chứng khoán đầu tiên, nhà làm luật đã đưa ra những quy định khá cụ thể về các công cụ để bảo vệ NĐT trong mối quan hệ giao dịch với CTCK.

Rõ ràng, nhà làm luật đã tiên lượng được các tranh chấp có thể phát sinh trong quan hệ giao dịch giữa NĐT với CTCK, trên cơ sở đó đưa ra các công cụ bảo vệ NĐT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ 1/7/2011 vẫn giữ nguyên 3 công cụ trên. Điều đó cho thấy sự cần thiết của các công cụ này trong việc bảo vệ quyền lợi NĐT. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất mà thị trường đã mất 5 năm chờ câu trả lời là vì sao các công cụ này chỉ tồn tại trên… giấy, mà không thể phát huy tác dụng trong việc bảo vệ NĐT?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC) cho rằng, Bộ Tài chính, với tư cách chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán có trách nhiệm về sự chậm trễ này. Nếu không triển khai được các công cụ bảo vệ NĐT nêu trên, Bộ Tài chính cần công khai cho thị trường biết, tránh tình trạng để rơi vào quên lãng suốt 5 năm nay. Trường hợp 3 công cụ trên thiếu tính khả thi, tại sao Bộ Tài chính không đề xuất loại bỏ nó khi sửa Luật Chứng khoán năm 2010?

“Thực tiễn các vụ tiền và chứng khoán của NĐT bị thất thoát tại CTCK diễn ra nhức nhối gây đây đòi hỏi Bộ Tài chính cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó có 3 công cụ trên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT”, ông Huỳnh nói.