Công tác quản trị rủi ro là trách nhiệm cấp thiết của từng nhân viên trong doanh nghiệp.

Công tác quản trị rủi ro là trách nhiệm cấp thiết của từng nhân viên trong doanh nghiệp.

Bảo vệ tài sản doanh nghiệp: Chuẩn bị đón đầu phục hồi kinh tế

(ĐTCK) Liệu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay có thực sự làm thế giới bị bất ngờ? Hay chính doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm khi lập ra kế hoạch phòng ngừa rủi ro không phù hợp hay đã không có biện pháp xử lý những lỗ hổng mà bản thân doanh nghiệp cũng biết được?

Không có câu trả lời nào là dễ dàng cho 2 câu hỏi trên. Một mặt, rất khó có thể tin rằng, doanh nghiệp luôn tin tưởng mình có công tác quản trị rủi ro rất tốt, lại chưa chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch ứng phó khi khả năng siết chặt tín dụng xảy ra. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay lại không phải là một hiện tượng bình thường theo chu kỳ có thể dễ dàng dự tính trước. Đó là, bởi cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ một chuỗi nguyên nhân phức tạp, gây ra sự sụp đổ mang tính hệ thống của các thị trường tài chính toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp xác nhận rằng, một quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ là điều kiện tiên quyết để bảo vệ tài sản. Cuộc khảo sát do Ernst & Young khởi xướng hồi đầu năm nay cho kết quả là phần lớn ý kiến của các nhà quản lý cho biết, họ đã thực hiện chỉnh sửa lại quy trình đánh giá rủi ro trong 6 tháng cuối năm. Mục tiêu tập trung chủ yếu khi đánh giá rủi ro của những doanh nghiệp này là nhằm vào nguồn tiền, với khoảng 50% ý kiến cho rằng, công tác quản trị khả năng thanh toán và quản trị nguồn tiền được cải thiện rất nhiều từ việc tăng cường đánh giá rủi ro. Những trọng tâm tiếp theo là cải thiện hiệu quả hoạt động, sắp xếp lại nguồn lực của doanh nghiệp tương xứng với các ưu tiên hàng đầu và bảo vệ thương hiệu, danh tiếng của doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp đều nhận thấy giá trị của công tác quản trị rủi ro và mức độ đảm bảo mà công tác này đem lại đối với các tài sản tài chính và phi tài chính quan trọng của doanh nghiệp.

Ông Hoàng Đức Hùng
là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, làm việc tại Văn phòng Hà Nội. Ông Hùng tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội và MBA Đại học Oxford Brookes. Ông là kiểm toán viên công chứng của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), thành viên của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) và kiểm toán viên nội bộ công chứng của Học viện Kiểm toán viên nội bộ Hoa Kỳ (IIA). Ông Hùng có 15 năm kinh nghiệm làm việc tại Ernst & Young Việt Nam và từng làm việc tại Ernst & Young Brisbane (Australia) và San Francisco (Hoa Kỳ).

Nhưng với quá nhiều loại tài sản khác nhau mà doanh nghiệp sở hữu như tài sản tài chính, chiến lược và hoạt động, thì nhóm tài sản nào cần được bảo vệ? Điều này còn tùy thuộc vào việc tiến hành xác định những tác động, ảnh hưởng đến doanh nghiệp từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Doanh nghiệp cũng đang xác định những tài sản chủ chốt giúp đem lại giá trị kinh doanh và cải thiện quy trình hoạt động nhằm cảnh báo những rủi ro mới xuất hiện.

 

Bảo vệ tài sản tài chính

Ảnh hưởng tiềm tàng từ sự biến động tại thị trường tài chính có thể tác động đến một doanh nghiệp là hoàn toàn rõ ràng. Tác động tài chính từ sự bất ổn hiện nay gây ra động thái bất lợi như giá trị vốn hóa thị trường giảm sút, thu nhập eo hẹp, cắt giảm nhân lực trên quy mô lớn, lợi nhuận thấp và thoái vốn đầu tư ra khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi bởi sự thiếu hụt nguồn vốn tài trợ trên toàn cầu. Tóm lại, sự bất ổn hiện nay thay đổi hẳn bức tranh toàn cảnh về rủi ro tài chính.

Tuy nhiên, ngay cả khi doanh nghiệp đang phải vật lộn để ứng phó với vô số rủi ro tài chính, thì một số doanh nghiệp trong số này đã bắt đầu nghĩ về tương lai. Những doanh nghiệp hàng đầu đang tập trung nguồn lực nhằm quản trị rủi ro tài chính với mục đích ngăn chặn những rủi ro này trong tương lai, và cũng xác định cho mình một vị thế tốt hơn để tận dụng lợi thế một khi thị trường tài chính toàn cầu phục hồi. Quản trị nguồn tiền vì thế mà trở thành một tài sản tài chính trọng yếu nhất đối với nhiều doanh nghiệp và vai trò của nó cũng được nâng cao đáng kể khi doanh thu và nguồn tín dụng có thể tiếp cận càng hạn chế.

Tuy nhiên, ngoài thu nhập và chi phí, doanh nghiệp cũng có thể vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn này dễ dàng hơn bằng cách xem xét lại thời điểm phát sinh các dòng lưu chuyển tiền tệ tương ứng. Công tác quản trị chi tiền kém hiệu quả cũng là một rủi ro có thể gây ra những khó khăn trong dòng tiền lưu chuyển, mà kết quả là gia tăng đáng kể chi phí lãi vay do phải tài trợ bổ sung. Quản trị các khoản chi hiệu quả trong giai đoạn bất ổn định, từ các khoản phải trả thương mại hay cổ tức, có thể cải thiện tình hình nguồn tiền và tăng mức độ linh hoạt trong nguồn tài chính của doanh nghiệp. Với việc sử dụng các thông tin quản trị và bản phân tích dữ liệu đáng tin cậy, doanh nghiệp có thể giám sát và đánh giá các thông lệ và tập quán chi trả, từ đó xác định phương thức gia tăng dòng lưu chuyển tiền.

Một nhóm tài sản tài chính chủ chốt khác đó chính là các khoản phải thu. Khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, doanh nghiệp thường bị buộc phải chủ động quản lý danh mục khách hàng để hạn chế rủi ro tiềm tàng. Rủi ro do giảm các khoản phải thu và xóa nợ ngoài dự kiến cho khách hàng chắc chắn sẽ dẫn đến những khó khăn trong dòng tiền lưu chuyển. Khoản phải thu "có vấn đề" này có thể cản trở các cơ hội và ảnh hưởng đến vấn đề khác.

Trong thời điểm cắt giảm đầu tư cũng cần chú ý, chỉ riêng việc cắt giảm chi phí không thôi cũng không phải là chiến lược bền về lâu về dài. Quan trọng là phải cân bằng giữa cắt giảm chi phí, mà không làm tổn hại đến sức mạnh của doanh nghiệp trong dài hạn. Những doanh nghiệp hàng đầu đều đặt mục tiêu cắt giảm chi phí, mà không gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

 

Bảo vệ tài sản phi tài chính

Ngoài vấn đề về tài chính, thì rủi ro trong hoạt động cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bên hữu quan với doanh nghiệp, gâp áp lực buộc doanh nghiệp phải hoạt động với hiệu suất cao hơn trong thời điểm khó khăn.

Một ví dụ minh chứng là chuỗi cung ứng - một loại tài sản hoạt động và phi tài chính. Doanh nghiệp có thể tìm thấy cơ hội khi giảm giá các hàng hóa và dịch vụ mua vào và giải phóng nguồn tiền từ việc sắp xếp lại lượng hàng tồn kho dự trữ quá mức trong chuỗi cung ứng khép kín. Tuy nhiên, rủi ro có thể nằm trong việc tái cân bằng chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng tốt nhất mức cầu đang biến đổi, bởi doanh nghiệp đều tìm cách giảm công suất và tìm kiếm những nhà cung cấp đưa ra chi phí thấp hơn trên toàn cầu.

Một nhóm tài sản phi tài chính khác cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm, đó là công nghệ thông tin (CNTT) và bảo mật. Những doanh nghiệp đưa ra kế hoạch cắt giảm đầu tư vào CNTT có thể phải suy xét thêm. Thời điểm hiện nay, hơn lúc nào hết, chính là lúc doanh nghiệp cần xem xét CNTT và bảo mật thông tin với quyết định mang tính chiến lược mạnh hơn. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu đang tập trung các dự án đầu tư dài hạn và tăng chi phí liên quan đến CNTT tại những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận đầu tư cao. Cùng với đó thì giả định những mối đe dọa về bảo mật thông tin chỉ đến từ bên ngoài doanh nghiệp cũng không còn phù hợp nữa. Rà soát toàn diện và chiến lược về bảo mật thông tin cũng phải bao quát tất cả các vùng rủi ro, bao gồm cả rủi ro xuất phát trong nội bộ doanh nghiệp và từ các đối tác kinh doanh.

 

Chuẩn bị sẵn sàng khi kinh tế phục hồi

Cuộc khủng hoảng hiện nay dù chưa được ổn định cũng bộc lộ một điều rõ ràng là ngay cả những rủi ro có xác suất xảy ra thấp nhưng có mức độ ảnh hưởng cao, ví như sự sụp đổ của các hệ thống tài chính toàn cầu, cũng có thể trở thành hiện thực. Do đó, doanh nghiệp cần soát xét các rủi ro và cơ hội ở phạm vi rộng hơn, mà đã không thực hiện trước kia. Đây chính là lúc doanh nghiệp áp dụng phương pháp lập kế hoạch theo các tình huống để quản trị rủi ro và thực hiện cuộc đánh giá nhằm "bảo vệ tài sản của doanh nghiệp". Những câu hỏi doanh nghiệp cần suy xét đó là: doanh nghiệp chịu rủi ro nhiều nhất ở khâu nào? Rủi ro về chiến lược, cạnh tranh, pháp lý, hoạt động và danh tiếng mà doanh nghiệp đối diện là gì? Và để công tác quản trị rủi ro là trách nhiệm cấp thiết của từng nhân viên, thì điểm đáng quan tâm là hãy gắn các quy trình quản trị rủi ro với thước đo đánh giá kết quả làm việc của nhân viên.

Dù sao thì cũng không có phương thuốc chữa bách bệnh có thể giúp doanh nghiệp tránh được tất cả rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, sẽ luôn có cách để đánh giá các tài sản chủ chốt đem lại giá trị trong doanh nghiệp và bằng cách tích hợp các tài sản này trong quy trình quản trị hiệu quả hoạt động và quản trị rủi ro, thì doanh nghiệp có thể khai thác tốt hơn những cơ hội trong thời kỳ khó khăn và chuẩn bị để đón đầu khi kinh tế phục hồi.