Basel 1 với ngân hàng Việt, chờ 2015

Basel 1 với ngân hàng Việt, chờ 2015

(ĐTCK) Theo đánh giá sơ bộ, để đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel 1, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phải giải quyết rất nhiều lỗ hổng, chưa nói đến Basel 2 hoặc Basel 3.

Hội nghị quốc tế ổn định tài chính khu vực Đông Á với chủ đề “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động” sẽ được tổ chức trong 2 ngày 27 - 28/11/2012 tại Hà Nội. Trong buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị ngày hôm qua (20/11), các chủ đề về việc nâng cao chuẩn mực an toàn và tính minh bạch trong hệ thống tài chính Việt Nam được quan tâm nhiều nhất.

Basel 1 với ngân hàng Việt, chờ 2015 ảnh 1

Để TCTD hoạt động ổn định và lành mạnh, minh bạch là yếu tố hàng đầu

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tại Hội nghị sắp tới, trong phiên đầu tiên thảo luận về khuôn khổ, quy chế an toàn trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm sẽ là lộ trình triển khai Hiệp ước Basel 3 với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn tín dụng trong hệ thống ngân hàng ở khu vực Đông Á.

Về vấn đề này, trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc liệu có quá sức đối với Việt Nam khi triển khai Basel 3 với những điều khoản rất ngặt nghèo, khi mà để thực thi đúng như Basel 2, hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam còn đang “rất nhọc nhằn”, ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam thừa nhận, hiện NHNN đang triển khai Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) cùng với WB và IMF. Theo đánh giá sơ bộ, để đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel 1, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phải giải quyết rất nhiều lỗ hổng, chưa nói đến Basel 2 hoặc Basel 3.

“Trong chiến lược của NHNN, cố gắng phấn đấu đến năm 2015, hệ thống ngân hàng có thể đạt được đầy đủ các cấu phần của Basel 1 và cố gắng phấn đấu đạt được một số tiêu chí của Basel 2”, ông Bình nói.

Cũng liên quan đến vấn đề minh bạch, về con số nợ xấu không nhất quán hiện nay khiến các tổ chức tài chính quốc tế quan ngại, ông Bình cho rằng, con số nợ xấu biến động liên tục vì phụ thuộc vào năng lực trả nợ của khách hàng, biến động của nền kinh tế và phụ thuộc vào chính các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quá trình xử lý nợ xấu bằng các nguồn lực của mình. Bên cạnh đó, con số nợ xấu cũng phụ thuộc vào cách tính toán và đánh giá nợ xấu theo các chuẩn mực khác nhau, nên báo cáo về con số nợ xấu có những sự khác biệt.

Cũng đồng quan điểm trên nhưng TS. Vũ Viết Ngoạn nhận xét thêm, khi công bố thông tin về nợ xấu, ngân hàng và cả cơ quan quản lý ít khi nói rõ con số này theo tiêu chí nào, khiến cho đôi khi công chúng hoặc những người không có chuyên môn sâu không hiểu được một cách cụ thể.

“Liên quan đến thẩm quyền của cơ quan giám sát, chúng ta đều thấy công cuộc cải cách hệ thống tài chính trên thế giới từ năm 2009 tới nay dựa trên 4 trụ cột trọng yếu, trong đó có tăng cường hệ thống giám sát, tăng cường thiết chế giám sát, tăng cường tính phối hợp giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính. Mục đích lớn nhất là tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của toàn hệ thống”, TS. Ngoạn nói.

Trên thực tế, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng bắt nguồn từ hai nút thắt cơ bản. Thứ nhất là sự thay đổi của các chính sách hoặc môi trường kinh doanh mà có thể các TCTD không lường hết được. Thứ hai là những rủi ro liên quan đến năng lực quản trị của TCTD. Dĩ nhiên, nếu chính sách được ban hành và vận hành một cách minh bạch, có thể lường trước, không gây “sốc” cho TCTD thì sẽ tạo môi trường tốt hơn cho hệ thống trong quá trình quản trị rủi ro. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, trong bất cứ bối cảnh nào thì việc kiểm soát rủi ro cũng khác nhau giữa các TCTD khác nhau và điều này sẽ tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của từng đơn vị.

“Có thể có những rủi ro về mặt vĩ mô nằm ngoài khả năng dự đoán của TCTD, nhưng quản trị DN tốt là điều rất quan trọng để TCTD hoạt động ổn định, lành mạnh. Ví dụ như trên thế giới hiện nay, trong khi tại châu Âu và Mỹ, rất nhiều ngân hàng lâm vào tình cảnh khó khăn thì mô hình cẩn trọng trong quản trị ngân hàng đã giúp các TCTD của Đức hoạt động tốt và vẫn là những ngân hàng được đánh giá cao nhất về năng lực quản trị rủi ro. Do vậy, câu chuyện quản trị DN và minh bạch thông tin cần được đặt lên hàng đầu”, ông Bình nói.    

 

Hội nghị quốc tế ổn định tài chính khu vực Đông Á sẽ có các chủ đề chính như: “Tăng cường chính sách cẩn trọng và nâng cao chuẩn mực an toàn tài chính”, “Tăng cường nền tảng tài chính - những giải pháp cơ bản hướng tới mục tiêu ổn định hệ thống”, “Ổn định tài chính Đông Á”... Dự kiến, trên 400 đại biểu đến từ các khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Mỹ, châu Âu và các định chế như ADB, WB, IMF… sẽ tham dự hội nghị này.