"Bất bình đẳng" LNG khi châu Âu lấy nguồn cung từ châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của châu Âu nhằm bù đắp tổn thất khí đốt đường ống của Nga tăng cao đã đẩy giá mặt hàng này vượt quá tầm với của nhiều người mua ở các khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
"Bất bình đẳng" LNG khi châu Âu lấy nguồn cung từ châu Á

“Rõ ràng là châu Âu cần lấy càng nhiều khí đốt càng tốt vì họ đã mất tất cả khí đốt từ đường ống của Nga”, Russell Hardy, Giám đốc điều hành của Vitol, nhà kinh doanh năng lượng độc lập lớn nhất thế giới phát biểu tại hội nghị Năng lượng Châu Á 2023 ở Kuala Lumpur.

“Cơn khát LNG của châu Âu đã lấy đi một số nguồn cung lâu dài từ châu Á, cộng với tất cả nguồn cung mới từ Mỹ và hấp thụ tất cả. Châu Á vào năm 2023 vẫn sẽ tiếp cận LNG... nhưng giá sẽ cao hơn nhiều”, ông cho biết.

Giá giao ngay LNG tại châu Á đã giảm từ mức cao kỷ lục 70 USD/1 triệu BTU vào tháng 8/2022. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chỉ số JKM (Japan Korea Marker - phản ánh giá cung cấp LNG cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) trung bình là 18 USD/1 triệu BTU trong quý I và đã giảm hơn nữa trong những tuần gần đây. Nhưng giá vẫn ở mức cao trong lịch sử và có thể tăng trở lại nếu mùa đông ở châu Âu trở nên khắc nghiệt hơn so với mùa trước.

Ông Russell Hardy cho biết, giá cao đang kìm hãm mức tiêu thụ LNG của châu Á, và mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng từ 252 triệu tấn năm 2022 lên 260 triệu tấn trong năm nay - vẫn thấp hơn mức 272 triệu tấn vào năm 2021.

“Ngày nay, châu Á đang tiếp cận ít khí đốt hơn so với mức có thể tiếp cận vào năm 2021. Đó là một loại dấu hiệu của sự bất bình đẳng”, ông cho biết.

Tuy nhiên, các diễn giả tại hội nghị cũng nhấn mạnh rằng, một cuộc khủng hoảng LNG đã tấn công một số thị trường có thu nhập thấp hơn.

Michael Stoppard, lãnh đạo chiến lược khí đốt toàn cầu tại S&P Global cho biết: "Thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách châu Âu là: Chúng tôi đã xử lý tốt tình huống này, chúng tôi đã tránh được tình trạng mất điện. Nhưng thực tế đã có sự cố mất điện. Mất điện xảy ra ở một số thị trường nhất định ở châu Á, đặc biệt là ở Nam Á, nơi LNG được chuyển hướng sang các thị trường châu Âu có mức chi trả cao hơn”.

Patrick Pouyanne, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của TotalEnergies - công ty dầu mỏ lớn của Pháp - cho biết, châu Á nói chung là nền tảng cho sự tăng trưởng của thị trường LNG toàn cầu. Được xem là nhiên liệu cho quá trình chuyển đổi năng lượng, trước những gián đoạn thị trường gần đây, mức tiêu thụ LNG đã tăng lên trong khu vực khi khu vực này cố gắng giảm sự phụ thuộc nặng nề vào than đá.

"Và sau đó châu Âu lấy một số LNG từ Bangladesh, Thái Lan và giá đã tăng lên. Chúng tôi đã thúc đẩy các quốc gia này cần nhiều than hơn…Tôi hy vọng châu Âu sẽ tốt đẹp trở lại, ấm áp hơn trong mùa đông tới, vì nếu không thì không có cách nào khác ngoài việc lấy thêm năng lượng từ châu Á”, ông cho biết.

Octavio Simoes, chủ tịch và giám đốc điều hành của nhà sản xuất khí đốt tự nhiên Tellurian của Mỹ cho biết, Pakistan, Sri Lanka, Indonesia và thậm chí cả Nhật Bản và Hàn Quốc đã đốt nhiều than hơn so với trước đây do bị tước nguồn cung cấp LNG giá cả phải chăng.

“Và một số quốc gia như Pakistan đang từ bỏ hoàn toàn chiến lược dài hạn về khí đốt tự nhiên và quyết định phát triển trữ lượng than của họ”, ông cho biết.

Tengku Muhammad Taufik, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn của công ty dầu mỏ nhà nước Malaysia Petronas đã nêu lên mối lo ngại về tính bền vững lâu dài của nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên trong khu vực với tình trạng "đầu tư dưới mức" hiện nay trong lĩnh vực dầu khí.

Ông cho biết, một số tổ chức tài chính lo lắng rằng tiền đưa vào các dự án dầu khí sẽ bị mắc kẹt vốn. Trong khi đó, theo các công ty khác trong ngành, các nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo và khử cacbon giữa các công ty năng lượng ở châu Á đã không tiến triển nhanh như mong đợi.

Tin bài liên quan