Thị trường mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng phát triển với sự nhập cuộc của nhiều nhà bán lẻ lớn

Thị trường mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng phát triển với sự nhập cuộc của nhiều nhà bán lẻ lớn

Bất động sản bán lẻ không sợ thương mại điện tử

(ĐTCK) Mặc dù phải đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhưng phân khúc bất động sản bán lẻ vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Nhiều điểm sáng

Theo báo cáo mới đây của Savills Việt Nam, sau thời gian phát triển khá cầm chừng, thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam đã sôi động trở lại với việc các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi như Family Mart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart… đang xuất hiện ồ ạt với hơn 1.000 địa điểm tại TP.HCM. Ngoài ra, sự đổ bộ của 7Eleven và GS 25 vào thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên sự sôi động cho sân chơi này.

Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020, còn 7-Eleven (Nhật Bản) cũng sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng tại Việt Nam sau 10 năm (2027). Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam cũng tích cực mở rộng thị phần, như Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu tư vấn Savills TP.HCM, việc tham gia của nhiều thương hiệu bán lẻ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, mật độ bán lẻ của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp và là cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn nắm bắt tốt hành vi tiêu dùng, cũng như xác định thị trường mục tiêu rõ ràng.

Phân khúc trung tâm thương mại ở TP.HCM đang có công suất cho thuê duy trì ở mức cao, trên 90% (tính đến quý III/2018), nhưng giá cho thuê trung bình có xu hướng giảm.

Đại diện Savills cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng liên tục của các dự án ngoài khu vực trung tâm với giá thuê chỉ bằng 35% giá thuê khu vực trung tâm và hiện cũng đang có xu hướng dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm thành phố của các nhà bán lẻ. Cụ thể, thị phần nguồn cung bán lẻ khu vực ngoài trung tâm tăng liên tục từ mức 79% năm 2013, lên mức 87% vào quý III/2018. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại khu vực ngoài trung tâm cũng gấp hơn 7 lần khu vực trung tâm.

Theo số liệu từ CBRE, thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM trong quý III/2018 đón nhận 2 nguồn cung mới tại khu vực ngoài trung tâm là Vincom Center Landmark 81 (Bình Thạnh) và Vincom Plus Phổ Quang (Tân Bình) với tổng diện tích cho thuê là 37.412 m2 sàn hiệu dụng (NLA).

Giá chào thuê trung bình cho các gian tại tầng 1 và tầng 2 của Vincom Center Landmark 81 là 60 USD/m2/tháng, thuộc hàng cao nhất so với các trung tâm thương mại ở khu rìa trung tâm. Tuy nhiên, các gian hàng tại trung tâm thương mại này đang được lấp đầy dần với tỷ lệ trống cuối quý III/2018 được CBRE ghi nhận là 18%. Trong khi tỷ lệ trống của Vincom Plus Phổ Quang cũng chỉ khoảng 8%.

Cơ hội cho các nhà đầu tư

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE, việc phát triển bất động sản bán lẻ đang được nhiều chủ đầu tư hướng đến. Đây hứa hẹn sẽ là thị trường đầy tiềm năng và mang lại ít rủi ro.

Đại diện CBRE cũng dự báo, những tháng cuối năm 2018, thị trường sẽ chào đón 2 tòa nhà mới ở khu vực ngoài trung tâm là Estella Place (quận 2) và Giga Mall (quận Thủ Đức) với tổng diện tích 93.303 m2 NLA.

Cũng theo bà Dung, năm 2019, thị trường hứa hẹn sẽ sôi động và cạnh tranh hơn với sự trở lại của Union Square và sự xuất hiện của 4 trung tâm thương mại mới: Sala Đại Quang Minh, Crescent Mall Phase 2, The Mall và Aeon Tân Phú (phần mở rộng).

Đồng quan điểm, đại diện Savills cho biết thêm, sự cạnh tranh sẽ là cuộc chơi của những doanh nghiệp mạnh và có nhiều kinh nghiệm. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đang lớn mạnh, nhưng các đơn vị, doanh nghiệp phát triển mặt bằng bán lẻ không phải quá lo lắng. Bởi dù thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh, nhưng tình hình kinh doanh của thị trường bất động sản bán lẻ vẫn chưa ghi nhận những tác động đáng kể.

Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng, các dự án bán lẻ tương lai nên tập trung hơn trong việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới, trở thành địa điểm văn hóa, giải trí, trải nghiệm và trưng bày, thay vì là nơi mua sắm đơn thuần như trước đây.

“Bán lẻ đang thay đổi từng ngày, và điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến hành vi tiêu dùng. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ còn có dịp chứng kiến rất nhiều những mô hình bán lẻ mới, với những tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sang tạo”, bà Khánh Trang cho biết.

Theo các chuyên gia, nhìn chung, thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi như sự mở rộng nhanh của các nhà bán lẻ, người tiêu dùng có thu nhập cao và sở thích mua sắm đa dạng...   

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan