Các kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.

Các kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.

Bất động sản củng cố sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát, thị trường bất động sản có dấu hiệu khả quan hơn, nhưng đẩy mạnh tái cấu trúc vẫn là hoạt động được các doanh nghiệp chú trọng thực hiện.

Đối mặt với khủng hoảng

Mặc dù không được liệt kê trong các nhóm ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi Covid-19 như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, nhưng thực tế cho thấy, dịch bệnh khiến thị trường bất động sản bị ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp với mức độ không nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải hoãn lại các kế hoạch đầu tư, kinh doanh, kéo theo đó là tình trạng thanh khoản trên thị trường sụt giảm, dòng tiền kinh doanh bị ảnh hưởng.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 của phần lớn doanh nghiệp địa ốc trên sàn chứng khoán cho thấy kết quả đi xuống như Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG), Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG), Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CRE), Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC), Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG)…

Trong đó, LDG chỉ đạt lợi nhuận gần 13 tỷ đồng, trong khi cùng năm ngoái lãi 348 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, nhưng chủ yếu đến từ hoạt động “phụ” như hoạt động tài chính.

Mặc dù không ít doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho cao và nặng gánh lãi vay, nhưng lãnh đạo đa số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng hoạt động trong thời gian tới. Đây cũng là tâm lý chung của các doanh nghiệp địa ốc trong khu vực.

Báo cáo công bố trong tháng 9/2020 bởi Công ty nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle với chủ đề “Lạc quan đối mặt với khủng hoảng” cho thấy, 93% trong tổng số 200 lãnh đạo công ty bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương được khảo sát lạc quan với triển vọng của thị trường.

Thích ứng với hoàn cảnh

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (HPX) Đoàn Hòa Thuận nhận xét, giai đoạn khó khăn hiện nay là “phép thử” đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là doanh nghiệp mới.

Covid-19 gây thiệt hại chung cho cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn, nhưng cũng từ khó khăn khách quan này mà các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn khả năng xuất hiện những rủi ro phi truyền thống để chuẩn bị các giải pháp phòng ngừa, hay quản trị hệ thống tốt hơn.

Theo ông Thuận, Covid-19 làm thay đổi nhận thức toàn cầu, các quốc gia, mỗi doanh nghiệp và người dân đều phải đánh giá lại công tác quản trị rủi ro. Bản thân HPX cũng đã và đang tiến hành xoay trục mô hình quản trị theo chiều dọc, phân quyền và giao sự chủ động nhiều hơn đối với từng đơn vị.

Tại một số doanh nghiệp khác, bất động sản là mảng kinh doanh chủ lực, nhưng không tránh khỏi việc tái cơ cấu, trong đó loại bỏ những dự án mất nhiều thời gian hoàn thiện pháp lý hoặc dự kiến hiệu quả không cao.

Đơn cử, Công ty cổ phần DRH Holdings quyết định rút khỏi dự án Khu du lịch Lạc Việt tại Bình Thuận, dự án bất động sản được xem là lớn nhất trong danh mục đầu tư của Công ty với diện tích 73 ha.

Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị DRH Holdings chia sẻ, sau khi tính toán lại hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chậm lại và đứng trước nhiều thách thức do dịch Covid-19, việc thoái vốn của DRH Holdings là quyết định phù hợp, đảm bảo được doanh thu, lợi nhuận cũng như sự phát triển bền vững của Công ty trong thời gian tới.

Hiện DRH Holdings đang tính toán lại khả năng tiếp tục tham gia phát triển dự án hồ Sông Mây, tỉnh Đồng Nai. Ban đầu, DRH Holdings hợp tác cùng một công ty khác để phát triển dự án với tỷ lệ 70:30, trong đó đối tác góp bằng quỹ đất 20 ha và Công ty rót vốn thực hiện.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp nhiều lần, thay đổi và thích ứng để có thể duy trì và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngoài việc tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường thì xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp là điểm then chốt để giữ nhân sự giỏi và “trải thảm” để đón nhận người tài.

Các kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn, loại bỏ tư duy chộp giật, ngắn hạn, thay đổi cách làm việc theo hướng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Càng lâm vào khó khăn thì càng cần tư duy đường dài, tư duy để thích ứng với mọi hoàn cảnh, thay vì lệ thuộc vào những nếp suy nghĩ cũ.

Tin bài liên quan