Nhiều dự án bất động sản khu vực Hòa Lạc đang được tái khởi động.

Nhiều dự án bất động sản khu vực Hòa Lạc đang được tái khởi động.

Bất động sản Hòa Lạc trước cơ hội cất cánh

(ĐTCK) Với hàng loạt dự án đình đám đổ về Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) gần đây, nhiều người tin rằng, bất động sản khu vực này đang chuẩn bị cho một đợt thăng hoa mới.

Hiệu ứng từ dòng vốn khủng

Sau nhiều năm im lìm dù có không ít lợi thế và sự kỳ vọng, mới đây, với việc hàng loạt dự án lớn liên tục đổ về Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bất động sản Hòa Lạc và khu vực lân cận đang được nhiều người kỳ vọng sẽ cất cánh.

Cái duyên của Hòa Lạc dường như bắt đầu được nhiều “tay to” nhìn thấy. Mới đây, Dự án Hanwha Aero Engines của Công ty Hanwha Techwin (sản xuất động cơ máy bay) đã khiến nhiều người trầm trồ và mang theo không ít sự phấn chấn.

Tổng số vốn đầu tư của dự án lên tới 200 triệu USD và một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đi kèm được cho là sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể cho bộ mặt thị trường bất động sản vốn khá trầm lắng lâu nay của khu vực này.

Vẫn còn đó những dự án dọc trục Đại lộ Thăng Long bất động cả thập kỷ. Ảnh: Thanh Huyền  

Ngoài ra, còn hàng loạt dự án tầm cỡ khác như dự án của Vingroup để sản xuất thiết bị điện tử, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, dự án sản xuất các loại sơn công nghệ nano của Công ty TNHH Sơn KOVA, với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, dự án của Công ty Mitsubishi Chemical với tổng vốn đầu tư 92 triệu USD…

Tất cả khiến cho bất động sản Hòa Lạc và khu lân cận dường như không thể im lìm được nữa.

Tái khởi động để đón sóng

Khảo sát mới đây của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản quanh khu vực Hòa Lạc cho thấy, đã có những hiệu ứng tích cực từ việc các dự án nhà máy sản xuất, dự án công nghệ mới mang lại cho cả khu vực và các dự án bất động sản trên trục đường Đại lộ Thăng Long. Có vẻ như, với sự sôi động này, các chủ đầu từ đã bắt đầu thực hiện cuộc tái thiết của riêng mình.

Khảo sát tại Dự án Splendora - Bắc An Khánh (giai đoạn 2), huyện Hoài Đức, Hà Nội, ông Cao Ngọc Trường, người dân xã Song Phương, huyện Hoài Đức cho hay, ngày trước, khi thu hồi đất mức giá bồi thường là 47,5 triệu đồng/sào, nhưng đến nay, khi nhà đầu tư đổ tiền xây dựng cả khu đô thị, biệt thự, làm đường sá, các biệt thự ở đây đang có mức 80 triệu đồng/m2.

Ông Trường cũng cho hay, quanh khu vực dự án hiện cũng có rất nhiều dự án khác được triển khai và giá đất quanh khu vực này đều đang rậm rịch tăng trở lại. Tuy nhiên, người dân hiện không còn đất để bán, do phần lớn đã bán hết từ cơn sốt nhiều năm về trước.

Cũng trên trục Đại lộ Thăng Long, Dự án New City (Ngôi nhà mới), huyện Quốc Oai, Hà Nội của chủ đầu tư Tập đoàn Lã Vọng đang có dấu hiệu tái khởi động. Theo ghi nhận của phóng viên, một số căn biệt thự đang tiếp tục được xây thô và hoàn thiện. Các hoạt động thứ cấp cũng diễn ra sôi động hơn trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Tuấn, một nhà đầu tư thứ cấp từng mua một số căn biệt thự tại đây cho biết, anh mới bán hết các biệt thự đã mua trước đó và có lãi chút ít. Anh bán để tập trung đầu tư vào dự án khác.

Trong khi đó, ngay gần trung tâm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, một nhân viên bán hàng của Sàn giao dịch My Second Home cho biết, hiện Khu công nghệ cao chưa có nhiều cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp về ở, nên còn nhiều tiềm năng cho các sản phẩm bất động sản. Mức giá hồi tháng 5 - 6/2018 của Dự án Phú Cát City là 10 - 11 triệu đồng/m2, hiện giờ dao động khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2. Lô nào rẻ nhất cũng vào khoảng 14 triệu đồng/m2. Đất tái định cư của người dân cũng đang giao dịch trong khoảng 15 - 17 triệu đồng/m2.

Cũng theo nhân viên này, hiện hàng của chủ đầu tư đã hết, sàn giao dịch chỉ nhận bán hàng ký gửi của các nhà đầu tư.

Một dự án với nhiều lình xình về pháp lý như Phú Cát City mà còn cháy hàng, ít nhiều đã nói lên sức nóng của thị trường đất nền nơi đây.

Lời khuyên từ chuyên gia

Đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản khu vực Hòa Lạc, trong mối tương quan với sự sôi động của thị trường khu Tây Thủ đô, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, các dự án nếu được triển khai sẽ tạo thêm nhiều việc làm tại khu vực này, sẽ có tác động tích cực đến tất cả các phân khúc bất động sản.

Với phân khúc nhà ở và thương mại, đây sẽ là nguồn cầu tốt cho các dự án nhà ở và thương mại. Bên cạnh đó, khu vực này cùng với khu vực dọc đường Vành đai 3 sẽ mở rộng thêm thị trường văn phòng tại phía Tây, hình thành một cụm văn phòng rộng hơn và tập trung hơn.

Về khách sạn và căn hộ dịch vụ, đây cũng sẽ là thị trường tiềm năng nhắm vào đối tượng khách là chuyên gia đến công tác và làm việc.

 Dự án Splendora (Bắc An Khánh) thay đổi rõ rệt khi về tay chủ đầu tư mới.Ảnh: Thanh Huyền 

Cũng theo bà An, với thị trường khu Tây và rộng hơn là hướng đến thị trường Hòa Lạc, các chủ đầu từ cần nghiên cứu kỹ tình hình hoạt động, cũng như triển vọng thị trường (cung - cầu) của sản phẩm đầu tư nhằm đưa ra phân kỳ phù hợp, tránh đưa sản phẩm vào thị trường tại thời điểm cạnh tranh cao. Chủ đầu tư cũng cần nghiên cứu kỹ về sản phẩm để có thể cạnh tranh được và hấp dẫn người mua/khách thuê.

Với các khách hàng, việc tìm hiểu sản phẩm, dự án là yếu tố bắt buộc. Khách hàng cần nắm rõ các thông tin về chủ đầu tư, kinh nghiệm phát triển dự án, các thông tin về kỹ thuật, sản phẩm, tiện nghi, tiện ích để đưa ra quyết định đúng đắn: đầu tư, để ở/sử dụng.

Cẩn tắc, vô áy náy

Trước sự phấn khích của nhiều nhà đầu tư, có nhiều quan điểm cho rằng, với bất động sản Hòa Lạc, nhất là phân khúc đất nền, các chủ đầu tư cần giữ một cái đầu lạnh, tránh tâm lý bầy đàn để rồi mắc kẹt như trước đây. Đặc biệt, các giao dịch phải được cân nhắc kỹ càng, tham khảo và thẩm định về pháp lý, vì phần lớn đất đai tại đây có nguồn gốc nông nghiệp, lâm nghiệp và sẽ khó chuyển đổi.

Câu chuyện về trào lưu mua đất Hòa Lạc để làm trang trại theo mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng) cải tiến cách đây 10 năm vẫn còn là bài học có giá trị. Cho đến nay, vẫn còn không ít nhà đầu tư bị chôn vốn bởi giấc mơ về căn nhà thứ 2, về một nơi chốn vui thú điền viên. Thậm chí, có nhà đầu tư còn phải cay đắng thốt lên: “Tự dưng ôm cục nợ. Mua đất, cất nhà mà chẳng được hưởng, cuối cùng lại mất tiền thuê người trông”.

Cũng theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dù được kỳ vọng sẽ cất cánh trong thời gian tới, nhưng thực tế, cũng có không ít dự án dọc Đại lộ Thăng Long hiện vẫn đang trong cảnh bất động. Điển hình nhất là Dự án HaDo Dragon City, thuộc địa bàn 2 xã An Thượng và Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội do CTCP Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư. Sau 10 năm kể từ khi khởi công, đến nay vẫn chỉ là khu đất trống để cho… cỏ mọc.

Tương tự, Dự án Tricon Tower (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) co Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư cũng đã trải qua một thập kỷ dãi nắng dầm sương và kéo hàng trăm khách hàng “chết chìm” cùng khi ông chủ Edward Chi ra đi không lời từ biệt. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan