Bất động sản kỳ vọng có đợt sóng cuối năm

Bất động sản kỳ vọng có đợt sóng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện nhiều chủ đầu tư chờ tung hàng khi dịch được kiểm soát, thị trường bất động sản cuối năm được kỳ vọng sẽ có đợt sóng mới.

Giao dịch bất động sản online rất khó

Tại tọa đàm sáng 30/7 chủ đề “Điểm tựa kinh tế cuối năm 2021” do Bizlive tổ chức, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group cho biết, từ hai tuần trở lại đây, khi nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid, lượng giao dịch bất động sản bị ảnh hưởng và dự kiến mức ảnh hưởng còn lớn hơn nữa trong thời gian tới. Bởi với ngành bất động sản, việc giao dịch online rất khó, khi khách hàng muốn đến thăm dự án, rồi phải tiến hành các thủ tục… Trong thời gian giãn cách này, khách hàng sẽ tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc mới tiến hành giao dịch.

"Nếu tháng 8 có thể kiểm soát được dịch bệnh thì tôi tin rằng, cuối năm thị trường sẽ giao dịch tốt, nhiều chủ đầu tư đang chờ tung hàng ra, thị trường bất động sản cuối năm có thể có đợt sóng mới".

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay, Đại Phúc Land có dự án ở TP. Thủ Đức (TP.HCM). Trước khi có ảnh hưởng dịch bệnh, đã có một số khó khăn nhất định liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung cầu. Khi dịch bệnh ập tới, khó khăn nhân đôi.

Theo bà Hương, năm 2020, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt nên thị trường có sức bật nhất định. Sang đầu năm 2021 có đợt dịch ngắn nhưng kiểm soát tốt, nên thị trường có một đợt sốt đất nền hồi tháng 3, tháng 4. Tuy nhiên, đến đợt dịch này, dịch bệnh trở nên nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến, nhất là ở các tỉnh miền Nam, là yếu tố bất khả kháng tác động, buộc tất cả các doanh nghiệp bất động sản gần như dừng hoạt động.

Bà Hương cho biết, với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều khả năng đến quý IV/2021, doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại. Khi đó, thị trường bất động sản mới có cơ hội phục hồi.

"Hiện chúng tôi đang trong tâm thế cố gắng duy trì bộ máy hoạt động và chuẩn bị cho quý IV tới khi dịch bệnh được kiểm soát", bà Hương nói và cho biết.

Khơi thông pháp lý để thị trường có thêm nguồn lực hồi phục

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương thông tin, hầu như đến thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đã phải đóng cửa văn phòng, doanh nghiệp ở tất cả các nhóm đều khó khăn.

Theo bà Hương, trong ngành bất động sản có 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp chủ đầu tư. Nhóm này thường có kế hoạch hoạch định dài hơi, nên cũng có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án, nhưng đấy là với điều kiện bình thường vẫn có nguồn thu, hiện tại không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư.

Hiện nay, đa số chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn.

Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp môi giới, chiếm 60 - 70%, là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư. Hiện không có nguồn thu, nhưng đang phải gồng gánh nhiều chi phí để giữ nhân sự. Tuy nhiên, khả năng gồng gánh của các doanh nghiệp này cũng chỉ được một thời gian ngắn, nếu kéo dài sẽ rất khó khăn. Khi đó, nhiều nhân sự môi giới sẽ bỏ việc. Nếu trong quý IV/2021, thị trường hồi phục trở lại sẽ rất thiếu nhân sự khi đó thị trường lại đối mặt với khó khăn mới.

Do đó, các doanh nghiệp đang rất cần sự trợ lực từ Chính phủ, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết. Với các ngân hàng, cần xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào quý IV năm nay.

Không chỉ khó khăn vì dịch bệnh, thị trường bất động sản vốn đã gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý. Năm nay, đã có một số điểm sáng về pháp lý, doanh nghiệp có thêm sự tin tưởng, nhưng vẫn mong chờ những thay đổi này sẽ sự thực đi vào cuộc sống để có thể tiết kiệm được nhiều nguồn lực thời gian cho doanh nghiệp, xã hội.

“Nhiều khi chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề. Như vậy, ngoài hỗ trợ tín dụng, cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường bất động sản có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý IV năm nay cũng như năm 2022”, bà Hương kiến nghị.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, điều quan trọng nhất hiện giờ là tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, được biết nhiều khuôn khổ pháp lý sẽ được đẩy nhanh để sửa đổi trong các kỳ họp tới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội cũng đang trao quyền cho Chính phủ. Với những điều này, không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà doanh nghiệp nói chung sẽ có khả năng tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng tốt hơn.

Ở lĩnh vực bất động sản công nghiệp, Tổng giám đốc MSH Group cho hay, Công ty đang làm đô thị đi liền với các khu công nghiệp. Trong thời gian trước, lĩnh vực này được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch công nghiệp sang Việt Nam, nhưng thời gian gần đây đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến cho sự phát triển của khu đô thị gắn liền với khu công nghiệp ngưng trệ, lượng giao dịch sụt giảm, có địa phương giảm tới 40%. Do đó, lãnh đạo MSH Group mong Nhà nước hỗ trợ để các khu công nghiệp khống chế được dịch Covid-19. Chỉ khi các khu công nghiệp phát triển thì đô thị đi liền mới phát triển.

Tin bài liên quan