Giá đất tăng cao đã dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh trong giao dịch bất động sản tại miền Trung thời gian qua

Giá đất tăng cao đã dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh trong giao dịch bất động sản tại miền Trung thời gian qua

Bất động sản miền Trung, gam trầm 2019

(ĐTCK) Nhiều vấn đề “nóng” xảy ra khiến “bức tranh” bất động sản miền Trung có nhiều gam màu sáng tối, đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư dự án, đơn vị môi giới nhiều vấn đề cần tính toán trong những năm tiếp theo.

 “Đột biến” trên thị trường

Nếu đầu năm 2019, thị trường bất động sản khu vực miền Trung, nhất là Đà Nẵng chứng kiến đà tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, thì đến giữa năm, đặc biệt là quý III và đầu quý IV, đã phát sinh nhiều “đột biến” vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

Đó là chuyện làm giả quyết định của lãnh đạo địa phương để “thổi” giá đất, giả sổ đỏ bán đất cho khách hàng, bán đất từ những dự án “ma”. Thậm chí, các chủ đầu tư còn lật lọng lẫn nhau, vì mức chênh lệch giá bán thị trường và giá chuyển nhượng dự án quá lớn. Hệ quả là nhiều “cò” dính vòng lao lý, nhiều chủ đầu tư, môi giới đâm đơn ra tòa.

Giữa tháng 11/2019, phiên xét xử tranh chấp giữa Công ty Bách Đạt An (chủ đầu tư, đồng thời là nguyên đơn) và đơn vị môi giới là Công ty Hoàng Nhất Nam đã không diễn ra như kế hoạch khi mà nguyên đơn Bách Đạt An vắng mặt không lý do.

Những bất ổn xã hội do ‘cò’ bất động sản gây ra sẽ còn kéo dài sang năm 2020, bởi thực tế hiện nay cho thấy, rất ít dự án được cấp chủ trương đầu tư mới, mà gần như đang trong diện rà soát, bổ sung thủ tục…

Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó tổng giám đốc PGT Group nhận định

296 người đã được tòa triệu tập tham dự với tư cách là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan bức xúc trước thái độ coi thường pháp luật, coi thường khách hàng và có ý đồ trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc của Công ty Bách Đạt An. Họ đã căng băng rôn phản đối ngay trước cổng trụ sở Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng, khiến lực lượng chức năng của Thành phố phải tăng cường để bảo đảm an ninh trật tự địa bàn…

Ngày 28/11/2019, Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng tiếp tục đưa vụ tranh chấp này. Sau khi căn cứ trên các luận cứ, chứng cứ có được, Tòa án đã ra phán quyết yêu cầu Bách Đạt An tiếp tục nghĩa vụ với khách hàng; nhanh chóng phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn, Sở Xây dựng Quảng Nam, Sở Tài Nguyên và Môi trường Quảng Nam làm thủ tục cấp sổ đỏ cho khách hàng đã mua đất dự án Sakura Central Park do Bách Đạt An làm chủ đầu tư, 1 trong 3 dự án do 2 bên hợp tác.

Trước khi các bên đưa nhau ra tòa, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam được phen đau đầu khi công dân kéo đến trụ sở UBND tỉnh “cầu cứu”. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam một mặt chia sẻ, lắng nghe và đưa ra các giải pháp xử lý, mặt khác chỉ đạo Thanh tra tỉnh Quảng Nam vào cuộc thanh tra các dự án của Công ty Bách Đạt An. Kết quả là, cả 14 dự án của doanh nghiệp này không có giấy phép xây dựng, chưa hoàn thiện kết cấu hạ tầng công trình và chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý…

Sau vụ việc liên quan đến Công ty Bách Đạt An, thì cũng tại Quảng Nam, trên mạng xã hội lan truyền văn bản do ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ký về việc tỉnh phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở TP. Hội An, khiến giá đất tại khu vực này được “thổi” tăng theo chiều thẳng đứng. Văn bản này được xác minh sau đó là văn bản giả mạo, nhưng nhiều khách hàng, nhà đầu tư đã rơi vào “bẫy” của “cò”.

Còn tại Đà Nẵng, bỗng xuất hiện quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ về việc đầu tư xây cầu qua đường Bùi Tá Hán. Quyết định này đã làm cơ quan chức năng lúng túng và truy tìm thủ phạm mãi… không ra. Trong khi đó, đợt sốt đất đỉnh điểm đã khiến huyện Hòa Vang phải ra văn bản giao chính quyền 11 xã trên địa bàn thông tin, tuyên truyền cho người dân thận trọng trong việc “cò” đất đến tận các thôn, xóm “săn” mua cả... lùm tre với giá cả chục tỷ đồng.

“Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở và đất sản xuất, vì sau này không có đất để kinh doanh - sản xuất, cho con cháu làm nhà, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài”, văn bản nêu rõ.

Bất động sản miền Trung, gam trầm 2019 ảnh 1

Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp giữa Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam

Những hệ lụy từ việc bất chấp… làm liều nhằm thổi giá đất đã gây nên bất ổn xã hội. Giữa tháng 10/2019, Công an Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam hàng loạt đối tượng liên quan đến nhiều hình thức vi phạm pháp luật khác nhau. Trong đó, đối tượng Nguyễn Dư (quận Hải Châu, Đà Nẵng) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng vì phát tán văn bản giả mạo bịa ra thông tin UBND TP. Đà Nẵng mở bán đấu giá nhà công sản số 352 đường Điện Biên Phủ, nhận tiền và hứa “chạy chọt” cho khách hàng để trúng đấu giá vị trí này.

Đà Nẵng cũng nổi lên vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bán đất nền Dự án Khu dân cư nam Cẩm Lệ và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân, phường Hòa Xuân do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Quảng Đà thực hiện. Tổng giám đốc Công ty này, bà Nguyễn Thị Bích Thuận bị lực lượng công an bắt giữ, điều tra vì Dự án vẫn do Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng quản lý, nhưng lại đem rao bán tràn lan và nhận tiền của khách hàng với giá trị lớn.

Tại thị trường tỉnh lẻ như Phú Yên, “cò” đất cũng giả văn bản của Bộ Xây dựng với mục đích “thổi” giá đất. Ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên) cho biết: “Tài liệu giả mạo về việc công nhận thị xã Đông Hòa là đô thị loại III đã được chia sẻ trên nhiều trang Facebook cá nhân”.

Những biện pháp nóng

Tại Đà Nẵng, Sở Xây dựng đã ra văn bản đề nghị người dân địa phương cũng như các nhà đầu tư hết sức lưu ý khi giao dịch kinh doanh bất động sản, tránh vấp phải những dự án, giao dịch đất đai không có đủ điều kiện pháp lý. Người đứng đầu TP. Đà Nẵng là ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng cuối tháng 8/2019 đã nhấn mạnh, Thành phố đang chủ trương ghìm giá bất động sản.

“Đà Nẵng đang chủ trương ghìm bằng được giá đất xuống, không để nổi phình phình chỉ nuôi mấy ông mua đi, bán lại, còn người dân không được gì. Đà Nẵng còn quỹ đất bao nhiêu để dành lại, làm của để dành, không thể để tình trạng cứ đưa một miếng đất bán ra được một đồng bạc thì mất 20 đồng để giải quyết vấn đề khác, trong khi Đà Nẵng không có nhu cầu thật”, ông Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Là thị trường tỉnh lẻ mới nổi và chịu “sóng” từ Đà Nẵng, bất động sản Quảng Ngãi cũng đã khiến lãnh đạo địa phương này phải đau đầu hiện tượng tăng trưởng ảo. Tỉnh này đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban quản lý, các huyện triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường bất động sản ổn định và lành mạnh, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.

Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng như “ngồi trên lửa” và phải ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Nằm chung trong guồng quay của cơn sốt giá đất, ở bên kia đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình cũng “nóng” theo bằng những chỉ đạo yêu cầu các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính tăng cường thanh, kiểm tra các dự án đầu tư bất động sản, tham mưu phương án quản lý và xử lý nếu vi phạm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan