Nhu cầu lưu trữ dữ liệu ngày càng tăng trong xu thế internet bùng nổ. Ảnh: Trọng Tín

Nhu cầu lưu trữ dữ liệu ngày càng tăng trong xu thế internet bùng nổ. Ảnh: Trọng Tín

Bất động sản trung tâm dữ liệu đắt hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến năm 2020, giá trị thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 858 triệu USD và dự báo tăng trưởng bình quân 14,64%/năm đến năm 2026…

Thêm “ông lớn” nhập cuộc

Mới đây, Gaw Capital Partners - quỹ đầu tư tư nhân trong lĩnh vực bất động sản có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), được thành lập bởi liên doanh Gaw Capital Partners và NP Capital Partners, đã hoàn tất thương vụ đầu tư giai đoạn đầu vào dự án Trung tâm dữ liệu (Data Center) đạt chuẩn cấp độ 3, hoạt động không phụ thuộc nhà mạng tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Đây là khoản đầu tư đầu tiên trong nền tảng phát triển Data Center trên toàn khu vực châu Á của quỹ đầu tư này.

Ông Võ Sỹ Nhân, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Gaw NP Capital cho biết, dự án đã được Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào cuối năm 2021 với tổng mức đầu tư 70 triệu USD, có tổng diện tích sàn xây dựng là 18.168 m2 nằm bên trong Khu phức hợp văn phòng thương mại OneHub Saigon với công suất điện cho vận hành công nghệ thông tin được đặt mục tiêu là 20 MW, dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động.

Được biết, Gaw Capital Partners hiện đầu tư vào tất cả các phân khúc trong lĩnh vực bất động sản, từ phát triển khu dân cư, văn phòng, trung tâm bán lẻ, căn hộ dịch vụ, khách sạn đến kho bãi hậu cần. Tuy nhiên, từ tháng 9/2020, Data Center trở thành lĩnh vực trọng tâm khi Gaw Capital Partners hoàn thành việc gây quỹ cho nền tảng Data Center đầu tiên, số tiền huy động được sử dụng để đầu tư vào các dự án hợp tác phát triển và quản lý Data Center.

Trong khi đó, Gaw NP Capital hiện sở hữu hơn 49 ha đất nhà máy và nhà kho xây sẵn cho thuê, mục tiêu mở rộng quỹ đất lên 100 ha trong năm 2022 và dự kiến đầu tư thêm 200-500 triệu USD trong 12-18 tháng tới, trong đó tập trung vào bất động sản công nghiệp.

Trước đó, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty NTT GDC - liên doanh giữa Công ty cổ phần Phân phối công nghệ Quang Dũng (thuộc Tập đoàn GreenFeed) và Công ty Global Data Centers Holding Asia (thuộc Tập đoàn NTT) để xây dựng và vận hành dự án Trung tâm dữ liệu HCMC1 công nghệ cao tiêu chuẩn cấp độ 3 với tổng vốn đầu tư 56 triệu USD.

Ông Yasuo Suzuki, Giám đốc điều hành NTT GDC cho biết, HCMC1 sẽ cung cấp các dịch vụ trung tâm dữ liệu chất lượng cao cho doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước như cho thuê hệ thống đặt máy chủ, quản lý hỗ trợ từ xa, điện toán đám mây… Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng 16.649 m2, được thiết kế, xây dựng và vận hành dựa trên tiêu chuẩn trung tâm dữ liệu toàn cầu tiên tiến của Tập đoàn NTT.

Hoạt động đầu tư trung tâm dữ liệu không chỉ được “hâm nóng” bởi các nhà đầu tư nước ngoài, mà các doanh nghiệp trong nước cũng không kém cạnh. Trong đó, thương vụ đáng chú ý nhất phải kể đến kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Khu trung tâm dữ liệu luôn cần không gian rộng. Ảnh: Trọng Tín

Khu trung tâm dữ liệu luôn cần không gian rộng.

Ảnh: Trọng Tín

Sức hút bất động sản kiểu mới

Theo ông Kok Chye Ong, Giám đốc điều hành - Trưởng Bộ phận Nền tảng Data Center, khu vực châu Á của Gaw Capital Partners, là đơn vị sớm có mặt tại thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam, Công ty có nhiều thuận lợi trong việc khai thác và phục vụ nhu cầu ngày một tăng của thị trường này. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực bất động sản trung tâm dữ liệu.

“Nhu cầu lưu trữ dữ liệu sẽ ngày càng tăng trong bối cảnh lực lượng dân số trẻ ngày một hiểu biết hơn về công nghệ, đặc biệt là tốc độ phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ vừa và nhỏ cũng như sự gia tăng đầu tư công nghệ cao nội địa”, ông Kok Chye Ong nhấn mạnh.

Báo cáo mới đây về thị trường bất động sản trung tâm dữ liệu của Savills Việt Nam cho biết, giá trị thị trường trung tâm dữ liệu trong nước đạt 858 triệu USD vào năm 2020, tăng 130 triệu USD so với năm 2019 và dự báo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,64%/năm cho đến năm 2026, cho thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực này.

Hiện có nhiều nhà đầu tư công nghệ và viễn thông đến từ châu Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản có nhu cầu thuê đất hoặc tòa nhà để xây dựng, phát triển các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế cấp độ 3 và 4, với diện tích từ 10.000-30.000 m2 xung quanh các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Tuy nhiên, do hạ tầng và nhu cầu cung cấp điện lớn, nên hầu hết trung tâm dữ liệu ở Việt Nam đều nằm trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao gần Hà Nội và TP.HCM, điều này đồng nghĩa với việc khó mở rộng quy mô diện tích khi quỹ đất khu vực nội đô ngày một khan hiếm. Do đó, nhà phát triển bất động sản công nghiệp nào có sẵn quỹ đất sạch sẽ hấp dẫn nhà đầu tư lĩnh vực này.

“Một trong những sản phẩm mà thị trường bất động sản công nghiệp cần trong giai đoạn tới là bất động sản cho Data Center. Đây sẽ là lĩnh vực phát triển chủ lực của thị trường này do nguồn dữ liệu lớn được tạo ra bởi xu thế internet bùng nổ đang cần nơi lưu trữ”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, Data Center hứa hẹn mang lại nguồn thu ổn định trong dài hạn cho các khu công nghiệp, do hợp đồng thuê Data Center hầu hết là hợp đồng dài hạn, nhu cầu thuê ít bị ảnh hưởng bởi tính chu kỳ như bất động sản cho thuê truyền thống.

Tin bài liên quan