Bất ngờ dòng margin quý I

Bất ngờ dòng margin quý I

(ĐTCK) Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2020 của các công ty chứng khoán cho thấy bức tranh hoạt động cho vay ký quỹ (margin) không tiêu cực như nhiều người hình dung. 

Dư nợ margin toàn thị trường biến động không quá lớn

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu từ đầu năm tới nay đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế - đã phản ánh rõ điều đó.

Chỉ số VN-Index về vùng 662 điểm, giảm 31% so với đầu năm, mức giảm mạnh chỉ sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, với hầu hết các cổ phiếu rơi sâu.

Trong bối cảnh thị trường biến động tiêu cực, tình trạng bán giải chấp cổ phiếu mất giá mạnh của công ty chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu có tính đầu cơ cao đã diễn ra.

Hàng loạt thông tin liên quan đến thông báo bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp được đưa ra thị trường.

Theo ghi nhận của người viết, một số công ty chứng khoán trên thị trường đã phải chịu thiệt hại khi cấp margin quá mức cho khách hàng và cấp margin với tiêu chí khá dễ dàng cho nhiều cổ phiếu.

Dẫu vậy, số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 65 công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, tổng giá trị các khoản cho vay (đa phần là cho vay ký quỹ, phần nhỏ là tạm ứng trước tiền) của 65 công ty này là hơn 49.443,8 tỷ đồng, giảm 15% so với con số cuối hơn 57.961 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2019 - một mức biến động không quá lớn.

Tất nhiên, tốc độ sụt giảm dư nợ margin không đồng đều ở mọi công ty chứng khoán. Trong nhóm công ty chứng khoán có quy mô lớn, ngoại trừ VPS có tốc độ sụt giảm về cho vay ký quỹ tới 40%, từ 2.371 tỷ đồng về 1.420,5 tỷ đồng và vài công ty có tốc độ giảm trong khoảng 25 - 28% thì nhiều công ty chỉ giảm nhẹ dư nợ margin trong quý I (Xem bảng thống kê).

Bất ngờ dòng margin quý I ảnh 1

Ðáng chú ý, TCBS lại tăng cho vay margin tới 35,2%, từ 1.776 tỷ đồng lên 2.401 tỷ đồng.

Ý kiến từ một công ty chứng khoán cho biết, việc giảm dư nợ margin phụ thuộc vào chính sách quản trị rủi ro của công ty chứng khoán.

Công ty cẩn trọng thì chủ động hạ dư nợ nhiều, có công ty tự tin hơn thì hạ ít. Cũng có những công ty vốn dĩ đã có danh mục cho vay khá cẩn trọng nên không có điều chỉnh mạnh khi thị trường sụt giảm.

Công ty chứng khoán ngoại duy trì margin cao

Tính tới cuối quý I, Mirae Asset là công ty chứng khoán có dư nợ lớn nhất thị trường, với 6.836 tỷ đồng. Con số này chỉ giảm 2,36% so với thời điểm cuối năm 2019.

Tại KBSV - công ty cũng có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, dư nợ margin tại thời điểm cuối quý I là 1.812,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 1.893 tỷ đồng hồi cuối năm 2019.

Tình hình cũng diễn ra tương tự với các công ty chứng khoán ngoại như MBKE, Yuanta Việt Nam.

Không phải tới thời điểm này mà ngay tại thời điểm cuối năm 2019, thị trường đã thấy rõ sự thay đổi về trật tự dư nợ cho vay margin của ngành chứng khoán, đặc biệt là sự vươn lên vị trí số 1 của Mirae Asset.

Sự xuất hiện nhiều hơn các công ty chứng khoán vốn ngoại trong bảng xếp hạng cả về thị phần môi giới lẫn quy mô cho vay margin là kết quả tất yếu khi vài năm trước, vốn ngoại đổ bộ vào mua lại các công ty chứng khoán Việt Nam và ồ ạt bơm vốn, cơ cấu lại hoạt động.

Với lợi thế vốn dồi dào và chi phí vốn rẻ hơn, từ vài năm trước, các công ty này đã mở rộng thị phần môi giới thông qua các chính sách ưu đãi về phí và lãi vay margin.

Ðặc biệt, từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 128/2018/TT-BTC với việc bỏ quy định về giá sàn phí môi giới chứng khoán, chỉ giữ mức trần là 0,5% giá trị giao dịch, cuộc cạnh tranh giành thị phần môi giới bằng phí môi giới càng khốc liệt hơn.

Nhiều công ty chứng khoán liên tục tung ra các chương trình hạ phí, miễn phí giao dịch. Một công cụ khác đi kèm là chính sách margin. Trong đó, nhiều công ty đã đẩy mạnh cho vay margin thông qua việc mở rộng danh sách cho vay, điều kiện cho vay dễ hơn và lãi suất hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trên thị trường cũng cho rằng, công ty chứng khoán vốn ngoại quy mô lớn và dòng vốn rẻ dồi dào là lợi thế của họ, nhưng nếu không đầu tư nền tảng vững chắc đến từ đội ngũ tư vấn, phân tích giỏi, mà chỉ cạnh tranh bằng giá là cuộc cạnh tranh thiếu bền vững.

Thực tế, những đợt tăng vốn mạnh của công ty chứng khoán (sử dụng cho vay margin chiếm tỷ trọng lớn) mang lại lợi thế ngắn hạn nhiều hơn, đặc biệt tập trung vào giai đoạn ban đầu khi dòng vốn được giải ngân.

Và chính vì dòng vốn chủ yếu sử dụng cho các nhà đầu tư cá nhân vay margin nên công ty chứng khoán cũng sẽ đối mặt với rủi ro khi thị trường biến động mạnh.

Quý II, dòng vốn margin ổn định nhờ nhà đầu tư mới?

Khi xem xét diễn biến dòng vốn margin trên thị trường chứng khoán, không thể bỏ qua yếu tố thanh khoản của thị trường.

Quý I, chỉ số chứng khoán trong nước rơi sâu, nhưng điểm sáng trên thị trường là thanh khoản vẫn tốt. Giá trị giao dịch trung bình phiên trong quý đạt 4.464 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2019.

Nhà đầu tư trong nước tích cực mua vào dù khối ngoại bán ròng liên tục. Chỉ riêng tháng 3, theo số liệu từ Fiinpro, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng 3.994 tỷ đồng, trái ngược với số liệu bán ròng trong tháng 1 là 3.082 tỷ đồng.

Cả quý I, các nhà đầu tư trong nước mua ròng 1.850 tỷ đồng.

Ngoài các nhà đầu tư cũ quay lại khi thị trường tăng mạnh thì thị trường giảm sâu cũng tạo ra một lớp khách hàng mới cho ngành chứng khoán.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong quý I, có gần 61.000 tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tính đến ngày 31/3 là 2.435.566 tài khoản, tăng thêm 32.140 tài khoản so với cuối tháng 2/2020.

Theo đó, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 3 cao nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây, trong đó hầu hết là các nhà đầu tư cá nhân.

Số lượng nhà đầu tư cá nhân - với đặc điểm sử dụng đòn bẩy tài chính cao - tăng cao là cơ sở để các công ty chứng khoán vẫn duy trì mức dư nợ margin khá cao sau một quý “bão tố”.

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua gần một tháng hồi phục, nhờ những thông tin bệnh dịch chạm đỉnh trên thế giới và có tín hiệu dần được kiểm soát cũng như hiệu ứng tăng tích cực từ những chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới.

Giới đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các nhà đầu tư tăng cường hơn hoạt động cân bằng danh mục, qua đó tạo thanh khoản cho thị trường theo các diễn biến mới của dịch Covid-19 và các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ và ngân hàng thương mại các nước.

Nếu không có gì đột biến, diễn biến này có thể góp phần ổn định hơn cho mảng môi giới và cho vay margin ở các công ty chứng khoán trong quý II.

Tin bài liên quan