Ngành quỹ đang dần hấp dẫn NĐT

Ngành quỹ đang dần hấp dẫn NĐT

Bất ngờ với 15 quỹ mở

(ĐTCK) Trong tháng 7 - 8/2014, có thêm 4 quỹ mở được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp phép thành lập và chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng (IPO), nâng tổng số lên 15 quỹ mở.

Đây là diễn biến khá bất ngờ trong bối cảnh có các quan ngại về sự eo hẹp của dòng tiền cũng như sự thờ ơ của NĐT.

Dồn dập ra quỹ mới

Đầu năm nay, trong cuộc họp tại UBCK bàn thảo về giải pháp phát triển TTCK năm 2014, nhiều công ty quản lý quỹ bày tỏ sự lo lắng, thậm chí bi quan khi cho rằng, đây là năm rất khó khăn với ngành quỹ, do nhiều yếu tố tác động bất lợi đến hoạt động huy động vốn để lập quỹ. Tuy nhiên, diễn biến đến thời điểm này cho thấy, mối quan ngại đó không có cơ sở vững chắc.

Theo UBCK, đến hết tháng 8/2014, có 15 quỹ mở và 1 quỹ ETF được cấp phép IPO và thành lập. Riêng trong tháng 8 xuất hiện 3 quỹ mở mới.

Tiếp sau sự thành công của quỹ mở đầu tiên - Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF), Công ty liên doanh quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) vừa được UBCK cấp giấy chứng nhận đăng ký lập Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (VCBF-BCF), với vốn điều lệ hơn 59,1 tỷ đồng. VCBF- BCF đầu tư đến 100% giá trị tài sản ròng (NAV) vào cổ phiếu niêm yết, trong đó chủ yếu là các cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản tốt trên hai sàn HOSE và HNX.

Động thái này của VCBF là khá bất ngờ, bởi trước đó, với Quỹ VCBF-TBF, Công ty đã tạo được sự linh hoạt trong phân bổ tài sản, khi có thể đầu tư 50% NAV vào cổ phiếu, còn lại đầu tư vào các tài sản có thu nhập cố định có chất lượng tín dụng tốt.

Trong tháng 8/2014, ngoài Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đang IPO quỹ mở đầu tiên là Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA), với vốn tối thiểu ban đầu 50 tỷ đồng, Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam cũng đang tiến hành IPO quỹ mở đầu tiên của mình là Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI).

Thông tin từ thị trường cho thấy, từ nay đến cuối năm, số lượng quỹ mở sẽ tiếp tục tăng đáng kể, đánh dấu một năm “được mùa” của ngành quỹ.

Mạnh - yếu thêm phân hóa

Các công ty quản lý quỹ khá thành công trong huy động vốn để lập quỹ được nhìn nhận là do quy mô các quỹ còn nhỏ, nên số lượng NĐT cũng như mức độ góp vốn của các bên tham gia chưa cần nhiều. Trong khi đó, chiến lược đầu tư của các quỹ ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, đó là đầu tư mạnh vào cổ phiếu.

Với sự chuyển hướng về chiến lược đầu tư của các quỹ, chỉ sau chưa đầy hai năm kể từ khi quỹ mở đầu tiên xuất hiện trên TTCK Việt Nam là Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth (VFF) do CTCP Quản lý quỹ VinaWealth quản lý, đến nay ngành quỹ ghi nhận chiến lược hoạt động của các quỹ mở đã trải qua 3 hình thái. Hình thái đầu tiên là trong thời gian đầu, các quỹ gần như dành toàn bộ tài sản để đầu tư vào trái phiếu. Hình thái tiếp theo là phân bổ 50% tài sản của quỹ để đầu tư vào cổ phiếu, còn lại là các tài sản khác.

Thời gian gần đây, hình thái thứ ba xuất hiện ngày càng rõ nét, trái ngược với hình thái thứ nhất, là các quỹ dành phần lớn, thậm chí 100% tài sản để đầu tư vào cổ phiếu, trong đó tập trung vào các mã blue-chip, nên thu hút sự quan tâm của công chúng đầu tư.

Trong thời gian ngắn mà hệ thống quỹ mở đã trải qua 3 hình thái chiến lược đầu tư cho thấy sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư của các công ty quản lý quỹ, nhằm đáp ứng nhu cầu của NĐT. Điều này cũng cho thấy sự cạnh tranh trong khối công ty quản lý quỹ diễn ra ngày một khốc liệt.

Kẻ mạnh, người yếu đang phân hóa rõ nét hơn. Trong khi các công ty mạnh tiếp tục gia tăng ưu thế cạnh tranh bằng việc lập thêm quỹ thứ hai, thứ ba, thì sức ép sinh tồn gia tăng ở các đơn vị chưa có trong tay quỹ nào.

Ngay cả với những đơn vị đã lập được quỹ thì cũng chưa phải là… dễ thở, bởi việc quỹ có trụ được không, các công ty quản lý quỹ có huy động được thêm tiền để lập quỹ mới hay không, phụ thuộc vào khả năng tạo lợi nhuận của các quỹ, cũng như những lợi ích mà các quỹ mang lại cho NĐT có thỏa đáng như kỳ vọng.

Tin bài liên quan