Ngân hàng thuần số đã “có lời”
Không chi nhánh, chỉ tập trung vào công nghệ và chăm sóc người dùng ở các phân khúc đặc thù, các ngân hàng thuần số trên thế giới đang tạo ra bức tranh tài chính ấn tượng.
Theo báo cáo Bảng xếp hạng 100 Ngân hàng số hàng đầu thế giới năm 2025 của TAB Insights, có 61% ngân hàng hàng đầu đã báo cáo lợi nhuận, tăng từ mức 48% vào năm 2024.
Thời gian để đạt mức này đã rút ngắn từ trung bình 5-6 năm xuống chỉ còn 2 năm đối với các ngân hàng số thế hệ thứ hai nằm trong nhóm đầu. Dự kiến đến năm 2026, có khoảng 70% trong số 100 ngân hàng số hàng đầu có lãi.
Với hàng trăm cái tên, mỗi ngân hàng lại có cách cải thiện hoạt động hiệu quả kinh doanh khác nhau, theo báo cáo của The ASEAN Banker phát hành tháng 2/2025.
Chẳng hạn, Nubank (Brazil) được đánh giá là ngân hàng số tốt nhất thế giới theo danh sách, nhờ tăng trưởng nhanh với nhóm khách hàng chủ yếu tại Brazil, Colombia và Mexico. Ngân hàng số này đi theo mô hình đa dịch vụ dựa trên dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân hóa.
Trong khi Nubank trở thành một hiện tượng ở Nam Mỹ với đặc điểm là chi tiêu cho hoạt động marketing thấp nhưng giá trị thương hiệu cao, ngân hàng thuần số Ally Bank (Mỹ) nổi tiếng với lãi suất cạnh tranh và dịch vụ khách hàng chất lượng cao. Là một trong những ngân hàng không có chi nhánh vật lý đầu tiên tại Mỹ, Ally Bank tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành so với mô hình truyền thống.
Tại châu Âu, “kỳ lân” Revolut (Anh) được đánh giá cao ở mô hình doanh thu đa dạng, đặc biệt từ chuyển tiền quốc tế cho đến quản lý tài sản. Lợi nhuận của Revolut chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi, khác biệt so với đa phần các ngân hàng số khác với nguồn thu đến từ hoạt động cho vay. Ngân hàng số này đã có giấy phép đầy đủ ở 30/38 quốc gia hiện diện.
Tại châu Á cần nhắc đến WeBank (Trung Quốc) với nền tảng người dùng lớn nhất thế giới, bao gồm hơn 399 triệu khách hàng cá nhân và hơn 4,5 triệu khách hàng là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ đến trung bình.
Dù tăng trưởng thu nhập có lúc giảm, nhưng chi phí thấp và liên tục đầu tư vào R&D (9% doanh thu mỗi năm) đã giúp ngân hàng số này xếp thứ ba trong bảng danh sách trên và dẫn đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ở Đông Nam Á, một trường hợp đáng kể đến là Seabank (Indonesia) ghi nhận lợi nhuận vào năm 2022. Được sự hậu thuẫn của tập đoàn Sea Group, ngân hàng số này nhanh chóng mở rộng thị phần trong khu vực nhờ việc tích hợp sâu rộng vào hệ sinh thái thương mại điện tử Shopee.
Nhìn chung, sự thành công của các ngân hàng thuần số diễn ra ở khắp thế giới, ở cả thị trường phát triển lẫn khu vực mới nổi, cho thấy tiềm năng thị trường đến từ cả phía nhu cầu đối với dịch vụ tài chính thời kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, danh sách năm nay của TAB Insights điểm danh Cake by VPBank là trường hợp tiêu biểu tăng trưởng nhanh trong năm qua.
Cuối năm 2024, Cake công bố lợi nhuận chỉ sau 3,5 năm hoạt động, trở thành một trong những ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam có lợi nhuận với hơn 5 triệu khách hàng, cũng là một con số đáng kể so với các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ.
“Đây là một tín hiệu đáng mừng nói chung trên thị trường ngân hàng số, cho thấy Việt Nam đang tiệm cận so với quốc tế về mặt công nghệ cũng như chiến lược kinh doanh. Trong đầu tư, việc đạt điểm hòa vốn là rất quan trọng, nhất là cần thời gian để người dùng làm quen và mở rộng thêm. Kết quả ấn tượng so với mặt bằng chung của ngành cho thấy sự đúng đắn trong hướng đi đầu tư vào công nghệ hiệu quả và chiến lược tiếp cận thị trường”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá.
Trên thực tế, thị trường ứng dụng tài chính của Việt Nam đang ngày càng sôi động hơn với sự tham gia của các Fintech như ví điện tử hay các ngân hàng thương mại, trong đó cũng có những mô hình hoạt động số dựa trên cấu trúc truyền thống.
Nhiều thương hiệu hơn mang đến nhiều lựa chọn cho người dùng trong bối cảnh các ngân hàng truyền thống cũng đang đẩy mạnh cạnh tranh với các ứng dụng số riêng của mình. Tuy nhiên, có điểm dễ nhận thấy là phần lớn sản phẩm chưa “thoát” được chiếc áo truyền thống của ngành ngân hàng nói chung.
Dù vậy, với lợi thế về tính hiệu quả trong vận hành, sự tập trung vào công nghệ và linh hoạt thay đổi nhanh của Fintech, các ngân hàng thuần số vẫn có những đặc điểm riêng hấp dẫn, giữ chân người dùng bên trong hệ sinh thái của mình. Những yếu tố này đã tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng thuần số.
Chẳng hạn, khi nói đến Cake, người dùng đang dần quen thuộc với sản phẩm cho vay nhanh, linh hoạt hay phát hành thẻ tín dụng tự động trong 2 phút của ngân hàng này. Cake cùng các đối tác của mình đã tạo nên hệ sinh thái có tệp người dùng lớn, cộng hưởng giá trị của công nghệ tài chính nhúng, mang đến lợi ích cho người dùng.
Tương lai của ngân hàng thuần số là gì?
Mở rộng nhanh đi cùng lợi thế chi phí, nhưng thực tế không phải ngân hàng số nào cũng dễ dàng đạt điểm hòa vốn trong thời gian ngắn.
Thống kê từ TAB Insights cho thấy, có 4 đặc điểm chung ở các ngân hàng số có khả năng sinh lợi được cải thiện, đó là tập trung vào công nghệ, có phân khúc riêng, có hệ sinh thái và có sản phẩm sáng tạo.
Thế nhưng, ngay cả khi đã đạt điểm hòa vốn thì vẫn còn một hành trình phía trước trong bối cảnh công nghệ phát triển, mà từ khóa của năm nay là AI. Tại sự kiện Money 20/20 Asia 2025 - diễn đàn tập trung các Fintech, ngân hàng số trên thế giới, bà Narumon Chivangkur - Giám đốc điều hành Citi Thái Lan nhấn mạnh: “Ngân hàng của tương lai sẽ là trí tuệ nhân tạo cá nhân cực kỳ đáng tin cậy và thông minh”.
Đầu tư vào AI đang là hướng đi của các ngân hàng thuần số, điều này thể hiện rõ ở Cake. Ông Nguyễn Hữu Quang - CEO Cake by VPBank cho hay, nền tảng này đang sở hữu hệ sinh thái AI với khoảng 100 mô hình AI riêng biệt, đặc biệt là việc phát triển thành công mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiếng Việt đầu tiên do ngân hàng làm chủ công nghệ.
Trong chiến lược “Next Gen AI Bank” được Cake định hướng từ năm 2024, AI đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hành trình khách hàng, từ thu thập dữ liệu hành vi đề xuất sản phẩm phù hợp, đến xét duyệt và giải ngân tự động. Chỉ 250 nhân viên, bình quân mỗi tháng Cake xử lý hơn 700.000 yêu cầu vay và thẻ tín dụng.
Tất nhiên, ngoài công nghệ, các ngân hàng số sẽ còn phải có chiến lược kinh doanh phù hợp với đặc thù ở từng quốc gia, cũng như sẽ phải tìm kiếm một thị trường ngách và một hệ sinh thái hợp tác cho riêng mình. Đây là cơ hội để cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống vốn cũng đang đẩy nhanh chuyển đổi số mạnh mẽ.
“Đối với các ngân hàng kỹ thuật số mới, việc tạo ra một vị trí riêng biệt là hoàn toàn khả thi nếu áp dụng chiến lược đúng đắn”, ông Quang nói.
Theo báo cáo “Digital Banking Maturity 2024” của Deloitte, khảo sát 349 ngân hàng ở 44 thị trường, kết quả cho thấy có 2 xu hướng đầu tư: Một là, tập trung tạo ra giá trị vượt trội cho khách hàng bằng cách đáp ứng mọi nhu cầu tài chính đi cùng trải nghiệm hoàn hảo; hai là, tập trung vào việc thêm nhiều chức năng mới và cung cấp các “siêu ứng dụng” toàn diện đáp ứng nhiều nhu cầu trên một nền tảng duy nhất.
Mặt khác, so sánh với kết quả khảo sát năm 2022, thời điểm sau dịch, nhóm phân tích đánh giá rằng, các ngân hàng đã chuyển trọng tâm từ việc phát triển các chức năng mới trên các kênh kỹ thuật số sang đầu tư vào trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa.
Còn theo The Asian Banker, nhóm các ngân hàng châu Á đã sẵn sàng cho việc “tái định nghĩa lại khái niệm ngành ngân hàng”. Theo đó, ngân hàng số tăng cường sự tiện lợi cho người dùng bằng cách tạo ra một điểm đến duy nhất cho các nhu cầu tài chính.
Trường hợp của Cake được xem là tiêu biểu cho định hướng trở thành “one-stop-shop” này, hiện không ngừng mở rộng và bổ sung dải dịch vụ theo hướng toàn diện, phủ kín nhu cầu tài chính cá nhân của khách hàng… Bên cạnh đó, các dịch vụ phi tài chính cũng được mở rộng, chẳng hạn giao đồ ăn, đặt vé sự kiện, dịch vụ hỗ trợ du lịch và nhiều sàn giao dịch khác nhau để mua sắm.
“Điều này không chỉ thúc đẩy sự tương tác của người dùng, mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm tổng thể của khách hàng”, báo cáo đánh giá.
Nhìn chung, thị trường ngân hàng số toàn cầu đang chứng kiến một cuộc cách mạng chưa từng có, khi những start-up nhỏ bé dần trưởng thành, có chỗ đứng riêng và chiếm lĩnh thị trường. Tương tự, cơ hội tại Việt Nam vẫn còn lớn khi nhìn vào tiềm năng và nhu cầu người dùng, các chương trình thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ cũng như định hướng phổ cập tài chính toàn diện.
“Dù sẽ còn nhiều thách thức, nhưng kết quả ban đầu của bài toán tìm lợi nhuận bền vững giữa các biến số sản phẩm, quy mô, công nghệ, nhân sự… cho thấy mô hình ngân hàng thuần số là khả thi và những người đi trước sẽ chiếm lợi thế”, ông Hiếu nhấn mạnh.