Bảy câu hỏi giúp start-up phát triển bền vững

Bảy câu hỏi giúp start-up phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Có nhiều câu hỏi quan trọng cho start-up để tìm lời giải nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Dưới đây là 7 câu hỏi như vậy.

Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc quốc gia Quỹ Genesia Ventures tại Việt Nam, khi liên tục đặt những câu hỏi quan trọng, các nhà sáng lập start-up có thể tìm hướng phát triển, tinh chỉnh chiến lược và sản phẩm để phát triển mô hình kinh doanh của mình một cách bền vững nhất.

Từ kinh nghiệm trực tiếp đầu tư và tham gia khóa học trực tuyến về khởi nghiệp gần nhất của Harvard Business School, bà Dung đã chia sẻ một vài câu hỏi quan trọng mà theo bà, nếu là các nhà sáng lập, bà sẽ dành thời gian để tự hỏi bản thân mình từng câu hỏi một.

Có thể có nhiều câu hỏi chưa tìm ra ngay câu trả lời, nhưng nếu start-up thực sự muốn, có ý chí đi tìm bằng được câu trả lời, bằng việc liên tục đặt câu hỏi và suy nghĩ về chúng, thì cuối cùng, sẽ có thể tìm ra lời giải cho mình.

Thứ nhất, giá trị mang lại của sản phẩm do start-up tạo ra có phải là điều phải có, hay chỉ là có thì tốt hơn? Nếu start-up chưa có, thì cần phải tạo ra giá trị cần phải có nào đó cho khách hàng của mình. Cụ thể, sản phẩm đó liệu đã tốt hơn rất nhiều so với bất kỳ sản phẩm cạnh tranh nào hiện nay trên thị trường chưa? Nếu chưa, start-up cần làm gì để sản phẩm mình tốt hơn nữa?

Đặc biệt, một khi khách hàng đã sử dụng sản phẩm của start-up, liệu họ có đủ gắn bó để tiếp tục sử dụng không, hay họ có thể dễ dàng từ bỏ để chuyển sang sử dụng sản phẩm khác? Làm thế nào để thiết kế sản phẩm có giá trị gắn kết lớn hơn để start-up giữ chân khách hàng tốt hơn?

Thứ hai, chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường. Theo đó, các câu trả lời cần có đối với start-up là đã có sự kết hợp hiệu quả giữa các kênh khác nhau (bao gồm trực tiếp và gián tiếp) để thu hút và đưa sản phẩm tới khách hàng chưa? Nếu chưa, cần phải thử nghiệm và kết hợp thêm những kênh nào để đạt được trạng thái lý tưởng đó?

Bên cạnh đó, tập khách hàng mục tiêu hiện nay có phù hợp với nhu cầu sử dụng lớn không? Nếu không, đâu mới là tập khách hàng mục tiêu thực phải đi thử nghiệm? Start-up có thể thu hút được tập khách hàng đó một cách tự nhiên, hoặc ít tốn kém nhất chưa? Nếu chưa, cần phải làm thế nào để thu hút họ hiệu quả nhất?

Thứ ba, start-up đã tạo ra được biên lợi nhuận đủ cao chưa? Nếu chưa, làm thế nào để từng bước gia tăng biên lợi nhuận kinh doanh cho start-up?

Thứ tư, để có thể cung cấp sản phẩm dịch vụ trên thực tế, start-up có cần phải đầu tư nhiều vốn ban đầu, hoặc phải có vận hành rất phức tạp không? Nếu có, làm sao có thể từng bước tối ưu được những điểm này để đảm bảo mở rộng kinh doanh hiệu quả?

Start-up có thể tạo ra tính kinh tế theo quy mô, tức là càng mở rộng quy mô thì start-up càng có lợi thế về chi phí, giúp gia tăng hiệu quả hoạt động và biên lợi nhuận của doanh nghiệp không? Nếu không, phải làm sao start-up mình có thể tạo ra tính kinh tế theo quy mô này?

Thứ năm, start-up đã tạo ra được hiệu ứng mạng mạnh mẽ chưa? Theo bà Dung, đây là một thành tố không thể thiếu để xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững đối với bất kỳ doanh nghiệp start-up nào về công nghệ hiện nay.

Hiệu ứng mạng là hiện tượng xảy ra khi sự gia tăng số lượng người dùng tham gia nền tảng, sử dụng sản phẩm và dịch vụ sẽ kéo theo sự gia tăng về giá trị, tạo sự gắn bó của khách hàng cho chính nền tảng, sản phẩm và dịch vụ đó. Nếu start-up chưa tạo ra được hiệu ứng mạng này, thì start-up cần làm gì?

Thứ sáu, start-up có phải là đang đi theo đúng xu hướng phát triển tất yếu của thị trường không? Start-up có nắm bắt được đà tích cực đó để thúc đẩy doanh nghiệp tiến về phía trước chưa? Nếu chưa, cần phải làm gì để tận dụng được đòn bẩy đó?

Thứ bảy, start-up có thực sự mang tới giá trị tốt, tạo ra tác động tích cực tới khách hàng nói riêng và xã hội nói chung không? Nếu chưa, phải thay đổi như thế nào để từng bước mang tới những giá trị có tác động tích cực, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thực sự?

Tin bài liên quan