Bệnh dịch sẽ là cửa mở cho những cơ hội

Bệnh dịch sẽ là cửa mở cho những cơ hội

(ĐTCK) Luôn đau đáu với câu chuyện làm thế nào để nâng cao sức mạnh cốt lõi của doanh nghiệp, với sự phát triển bền vững của đất nước, Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp cho rằng, đại dịch Covid-19 là một thời kỳ cho phép Việt Nam xây dựng lại chuỗi cung ứng mới trên nguyên tắc cân bằng các thành phần. Khi có hướng đi như thế, Việt Nam sẽ bớt lo sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và luôn chủ động trước mọi tình huống. 

Trong một chia sẻ gần đây, Giáo sư có đề cập đến nhận định của các học giả phương Tây, rằng đại dịch đưa đến cho chúng ta những vấn đề cần suy ngẫm. Ðó là những vấn đề gì, thưa Giáo sư?

Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp.

Rất đông trí thức, học giả, chính khách trên thế giới đã viết về bệnh dịch và rút tỉa ra cho chúng ta nhiều bài học. Tôi không muốn chồng bình luận của tôi trên những kết luận của họ, tuy nhiên, có một vài điểm tôi rút riêng cho Việt Nam.

Thứ nhất, con virus đã đem tới cho chúng ta một thông điệp mang tính phản biện cao, thật cao, nếu không muốn nói là trái ngược hẳn với những thói quen của loài người từ nhiều thế kỷ nay. Ðó là làm gì cũng đúng, mà rồi làm gì cũng sai, mà đôi khi còn sai nặng nề nữa.

Ngoại trừ sự lo sợ do đe doạ của bệnh dịch, nhân loại đã khám phá ra rằng, nếu sống ngược hẳn lại, không tạo ra những cái mà chúng ta gọi là giá trị vật chất, cuối cùng cũng vẫn có khả năng tạo ra hạnh phúc.

Khám phá này ấn tượng quá. Thử hỏi, có phải rằng hạnh phúc là mục tiêu cao nhất có thể, tối hậu cho mọi việc? Thế thì có lẽ chúng ta đang đi sai đường về mặt kinh tế, vì nền kinh tế của chúng ta chưa chắc tạo nên hạnh phúc, chưa chắc cả cho những đại gia đình với thu nhập thật cao.

Thứ hai, cách quản lý sự lây lan của bệnh dịch Covid-19 cho thấy Việt Nam dễ dàng chiếm ngôi đầu thế giới. Khám phá này càng ấn tượng hơn nữa. Bởi vì nó tạo ra cho Việt Nam một sự tự tin cần thiết.

Thế giới đang khám phá lại một nước Việt Nam, một dân tộc không những có lịch sử hào hùng, mà nay có cả một truyền thống quản lý khá nhân văn và hiệu quả đối với bệnh dịch.

Trên cả tính nhân văn, dân tộc này cho thế giới thấy nước Việt, người Việt có tầm nhìn phù hợp với thế giới mới đang manh nha. Tầm nhìn đó đi đôi với sự đoàn kết khi có sự chính nghĩa hiển nhiên.

Song cũng phải thấy rằng, có một vài điểm trong hướng đi kinh tế, như là cứ muốn làm giống một quốc gia nào đó, trong một giai đoạn nào đó có thể là một sai lầm.

Chuyện quản lý bệnh dịch cho thấy Việt Nam có thừa khả năng để tạo ra cho chính mình mô hình kinh tế - xã hội phù hợp.

Và một trong những vấn đề tôi cho rằng cần thay đổi là việc làm công nghiệp mà không chủ hữu công nghệ. Nhiều công ty của Việt Nam hiện nay chỉ nhận được tiền gia công rẻ mạt, trong khi lại gây ô nhiễm môi trường một cách ồ ạt, xô bồ.

Toàn cầu hoá, ở khía cạnh mà nhiều nơi đang áp dụng, có thể dẫn tới sự lệ thuộc về kinh tế.

Cũng không ít doanh nghiệp đã năng động “tìm cơ trong nguy”, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu, làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để tìm ra. Giáo sư nghĩ sao về thực tế này?

Ðất nước Việt Nam cần có những yếu tố gì để trù phú, hạnh phúc và hùng mạnh? Ðâu là  nguồn gốc của sức mạnh đất nước?

Với câu hỏi thứ nhất, chẳng cần phải làm phù thuỷ để kiếm ra, chỉ cần nhìn bản đồ là hiểu. Ðó là nông nghiệp và du lịch.

Về nông nghiệp, tôi xin làm rõ một chuyện rất quan trọng. Ðó là chính dân tộc mới có một nền nông nghiệp phù hợp với đất nước.

Ðừng mơ tới những thửa ruộng dài 100 km, rộng mênh mông. Nông nghiệp với thửa ruộng vĩ đại lại là một hiện chứng của toàn cầu hóa.

Dân tộc ta rất phù hợp làm nghề nông như đã từng làm hàng ngàn năm nay, ta cần tiến thêm về công nghệ, nhưng cấu trúc của xã hội cũng như cấu trúc của đất đai đã dẫn tới sự tối ưu, đã cho phép sản xuất ra những nông sản tuyệt vời, những đặc sản vùng miền vô cùng đa dạng và chất lượng. Không cần thiết phải đi tìm cái gì khác.

Vả chăng, nếu một nông dân cũng là một đại gia, chẳng có gì cấm họ có những đồn điền vĩ đại, nhưng cuối cùng, cho toàn dân tộc, hãy chớ phá vỡ sự cấu trúc hiện hữu.

Sức mạnh của dân tộc nằm chính ở những đức tính của dân tộc ta. Ðó là óc sáng tạo, biến báo, nhanh nhẹn, dũng cảm, tinh tế, thông minh, chuyên cần. Còn cần thêm đức tính gì nữa, bạn nhỉ?!

Ta không được quên một trong hai điều quan trọng, một trong hai trụ cột của nền kinh tế. Trụ cột đầu là các doanh nghiệp mũi nhọn, còn trụ cột thứ hai là thành phần dân cư nghèo. Dân tộc nào cũng cần có một thành phần trung bình to lớn đông đảo và trật tự.

Thành phần trung bình ở ta còn quá nhỏ, quá thấp, quá mất phương hướng. Ta hãy tập trung vào thành phần của những con chim cuối đàn. Ðiều dĩ nhiên sẽ xảy ra là nước Việt sẽ rất hùng mạnh khi thành phần cuối đàn của Việt Nam cũng trung lưu.

Ðại dịch sẽ là một thời kỳ ngoặt cho phép đất nước xây dựng lại mới trên nguyên tắc cân bằng các thành phần.

Muốn vậy, cần địa phương hoá mọi đầu tư của đất nước, thay vì tập trung vào Hà Nội và TP.HCM. Ða dạng hoá sự giúp đỡ tài chính của đất nước với mọi ngành nghề, tránh sự tập trung vào địa ốc.

Trả lại cho nông nghiệp chất liệu chính yếu là mặt bằng đồng ruộng. Bảo vệ môi trường một cách khắt khe và triệt để, nhất là những vùng du lịch thiêng liêng hay đặc biệt.

Tôi cho rằng, nên dùng thuế vụ để đánh vào các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường (ví dụ 20% trên lợi nhuận riêng cho việc này).

Khi có hướng đi như thế, sẽ bớt lo sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, bớt lo sự can thiệp chi phối của các nền kinh tế to lớn khác và đạt được sự tự tại, tự chủ.

Quả thực, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã nắm bắt được những cơ hội và tiếp tục đà tăng trưởng hai con số. Có lẽ chúng ta nên nhìn nhận thực tế về thế mạnh này của đất nước?

Nông nghiệp chế biến là một ví dụ tốt. Ở đây, đôi khi cũng không chủ hữu công nghệ, nhưng ít nhất ta có thể mua đứt được công nghệ, đó cũng là cách để sở hữu công nghệ.

Nông sản của Việt Nam quá dồi dào, dư sức tiêu thụ của toàn quốc, do đó, cần được chế biến để có thêm giá trị gia tăng, dễ dàng bảo quản và cất kho.

Ngay trong thời dịch bệnh này, một số ý tưởng nhỏ thôi cũng mở ra những cơ hội lớn cho sản phẩm nông nghiệp. Liệu chúng ta có thể làm gì để nhân lên những câu chuyện tốt đẹp như vậy, nhìn xa hơn là tạo ra một sự vững vàng cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam?

Có cơ hội gần gũi với người nông dân, bạn sẽ yêu quý họ vô cùng. Họ chịu đủ mọi hy sinh, thiệt thòi, mà vẫn dũng cảm trước những khó khăn. Việt Nam ta chỉ cần cân đối lại những ưu tiên kinh tế là sẽ có được một nền nông nghiệp hùng mạnh.

Bạn xem đấy, Thái Lan, Malaysia là những ví dụ ngay bên cạnh, ngay trước mắt. Bệnh dịch sẽ là cửa mở cho những cơ hội để thay đổi toàn diện mối quan hệ, để cuối cùng đi tới một tình bạn thành thật, chân tình và cân đối.

Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, hiện là Cố vấn cao cấp của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế.

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước, đô thị và dầu khí như Alsthom Power, Alsthom Transport, Suez… với quy mô lên đến 25.000 người.

Sau khi nghỉ hưu, Giáo sư thường xuyên ở Việt Nam, tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, trung tâm bồi dưỡng doanh nhân; tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, doanh nhân về quản trị doanh nghiệp… với mong muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện ông đang là Chủ tịch danh dự Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam.  

Tin bài liên quan