Bí bách gỡ vốn cho cao tốc Bến Lức - Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn còn nhiều bộn bề, vướng mắc để khơi thông vốn cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vốn bị đình trệ suốt 2 năm qua.
Nhiều gói thầu xây lắp tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chưa thể hoàn thành theo kế hoạch.

Nhiều gói thầu xây lắp tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chưa thể hoàn thành theo kế hoạch.

Vốn tắc

Có hai nội dung rất quan trọng trong Công văn số 8203/BGTVT - KHĐT về xử lý vướng mắc về nguồn vốn đầu tư để hoàn thành Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Văn phòng Chính phủ cuối tuần trước.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận sử dụng vốn của Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần 2 (3391-VIE) để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của Hiệp định vay ADB lần 1 (2730-VIE) do hết hạn Hiệp định.

Bộ GTVT cũng muốn Chính phủ cho phép sử dụng vốn ADB để thực hiện các hạng mục nhà trạm thu phí, tòa nhà trung tâm giám sát, văn phòng điều hành trạm thu phí do không được sử dụng nguồn vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) như Bộ đã đề xuất giữa tháng 8/2020.

Được biết, tổng giá trị dự kiến các hạng mục nói trên khoảng 74,02 triệu USD, trong đó, phần vốn dự kiến chi cho các gói thầu xây lắp, tư vấn chưa hoàn thành trong thời gian có hiệu lực của khoản vay 2730-VIE khoảng 67,42 triệu USD và các hạng mục xây dựng các nhà trạm thu phí, tòa nhà trung tâm giám sát, văn phòng điều hành trạm thu phí… phục vụ công tác thu phí hoàn vốn Dự án với giá trị khoảng 6,6 triệu USD.

Cũng tại Công văn số 8203, Bộ GTVT muốn Chính phủ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về vốn đối ứng, vốn nước ngoài và giao vốn cho Dự án để chủ đầu tư sớm tái khởi động Dự án sau gần 2 năm tê liệt.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 234/TB-VPCP ngày 18/7/2020 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính ký thư gửi ADB trước ngày 10/7/2020 đề nghị gia hạn Dự án và cho phép chủ đầu tư tiếp tục sử dụng phần vốn ADB còn lại để hoàn thành Dự án.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các cơ quan liên quan sớm báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn nước ngoài, vốn đối ứng cho Dự án theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, đề xuất ngay nguồn vốn phù hợp để chi trả khoản tiền chậm thanh toán cho nhà thầu đang thi công (khoảng 15 triệu USD), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiện Bộ GTVT đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo đó, thời gian thực hiện Dự án được điều chỉnh lại với các mốc: khởi công quý III/2014; hoàn thành ngày 31/12/2023, làm cơ sở để hoàn thành thủ tục gia hạn Thỏa thuận tài trợ khung và Hiệp định vay vốn ADB lần 2 số 3391 – VIE.

Theo kế hoạch, Dự án phải hoàn thành vào ngày 30/6/2019, nhưng do các lý do khách quan, chủ quan, nhiều gói thầu xây lắp, trong đó có các gói thầu sử dụng vốn vay ADB chưa thể hoàn thành.

Mục tiêu khó thành

Tính đến tháng 8/2020, Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp có sản lượng thi công khoảng 10.663/13.624 tỷ đồng (khoảng 78,28%) tổng giá trị các hợp đồng (không bao gồm dự phòng, thuế). Cụ thể, đoạn phía Tây sử dụng vốn từ khoản vay ADB số 2730-VIE gồm 5 gói thầu (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), khối lượng thi công đạt khoảng 87,15%. Đoạn tuyến này đang không có vốn để tiếp tục thi công do Hiệp định vay 2730 - VIE đã đóng vào ngày 30/6/2019, thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu đã hết, chưa được gia hạn.

Đoạn sử dụng vốn từ khoản vay JICA (gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3) cũng đang thi công dang dở. Mặc dù thời gian hiệu lực của Hiệp định vay JICA là đến tháng 7/2024, nhưng các gói thầu đang tạm dừng do các Dự án của VEC chưa được giao vốn nước ngoài theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội, theo đó vốn nước ngoài chưa được cấp cho VEC từ tháng 1/2019.

Lãnh đạo VEC cho biết, hiện tiến độ căng thẳng nhất là tại đoạn phía Đông sử dụng vốn từ khoản vay ADB số 3391-VIE (gồm 3 gói thầu A5, A6 và A7). Khối lượng thi công đoạn này mới đạt 38,66%. Các gói thầu vẫn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng (tháng 12/2020), thời gian Hiệp định vay, nhưng thi công cầm chừng do không được thanh toán khối lượng đã nghiệm thu từ sau thời điểm kết thúc thời gian thực hiện Dự án theo quyết định đầu tư (ngày 30/6/2019). Hiệp định vay 3391-VIE có thời hạn đóng vào ngày 30/6/2020 cần được gia hạn đến ngày 31/12/2023 để có đủ vốn hoàn thành đầu tư.

Theo Bộ GTVT, hiện tại, các cơ quan liên quan mới hoàn thành thủ tục pháp lý trong nước để gia hạn Hiệp định vay 3391-VIE đến ngày 31/12/2023 (Bộ Tài chính đã có Công thư ngày 4/8/2020 đề nghị ADB gia hạn hiệp định vay).

Tuy nhiên, phần vốn đối ứng và vốn nước ngoài (vốn JICA) vẫn đang vướng rất nặng do phải chờ chủ trương của Bộ Chính trị đối với việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước.

Để gỡ khó cho Dự án, VEC đã kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi, chưa đến hạn trả nợ các khoản vay để giải ngân, thanh toán ngay khoản tiền chậm thanh toán cho các nhà thầu thi công (đoạn tuyến JICA tài trợ), có nguồn vốn nối lại thi công các gói thầu này và hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính không chấp thuận việc sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi để thanh toán khối lượng hoàn thành của Dự án. Nguồn thu phí của Dự án phải được ưu tiên sử dụng trả nợ cho nhà tài trợ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác nhận, thời điểm này chưa đủ căn cứ pháp lý và chưa xác định được nguồn vốn để chi trả tiền chậm thanh toán cho nhà thầu trị giá khoảng 15 triệu USD.

Trong khi đó, với tình trạng tài chính của mình, VEC không có đủ tiềm lực để tự huy động phần vốn thiếu hụt, nên việc hoàn thiện Dự án đang trông chờ vào sự tháo gỡ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Dự án chỉ còn thể hoàn thành cuối năm 2023, nếu VEC được gia hạn các khoản vay ADB và được bố trí đủ vốn ngân sách không trễ hơn quý IV/2020”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 1.607,4 triệu USD, sử dụng vốn vay của ADB khoảng 635,7 triệu USD; vốn vay JICA khoảng 634,8 triệu USD và vốn đối ứng khoảng 336,9 triệu USD. Theo phê duyệt của Chính phủ, đối với phần vốn vay ADB, VEC thực hiện theo cơ chế vay lại 100% vốn vay nước ngoài. Đối vốn vay JICA và vốn đối ứng, VEC thực hiện theo cơ chế ngân sách nhà nước cấp phát trực tiếp Dự án.

Tin bài liên quan