Bí thư quận 1 TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 23/6 (Ảnh: M.Minh)

Bí thư quận 1 TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 23/6 (Ảnh: M.Minh)

Bí thư quận 1 Tô Thị Bích Châu chia sẻ về Nghị quyết 54 mới tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trông đợi nhiều vào Nghị quyết 54 mới sẽ tạo thêm nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển, Bí thư Quận ủy quận 1 - đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) kỳ vọng sẽ được thành lập Sở An toàn thực phẩm, được chủ động bố trí biên chế và chủ động chi ngân sách ở những địa bàn không có Hội đồng nhân dân...

Theo chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, trong buổi chiều ngày làm việc cuối cùng (24/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54 mới).

Bên hành lang Quốc hội chiều 23/5, đại biểu Quốc hội của đoàn TP.HCM, Bí thư Quận uỷ quận 1, TP.HCM - bà Tô Thị Bích Châu đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc thông qua Nghị quyết này.

Là công dân, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội của TP.HCM, bà đánh giá thế nào về việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 mới?

Nghị quyết 54 mới thông qua các vấn đề, các nội dung quan trọng tạo động lực để TP.HCM phát triển. Thông qua sự phát triển này, nó cũng tạo cơ chế mở để TP.HCM chủ động kết nối với các vùng kinh tế xung quanh (Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ), từ đó tạo nên sự lan toả, liên kết các vùng xung quanh cùng phát triển.

TP.HCM, đặc biệt quận 1 đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón đầu việc Nghị quyết được thông qua?

Chúng tôi đã giao cho các bộ phận chuyên môn chuẩn bị sẵn. Khi Nghị quyết 54 mới được thông qua, chúng tôi sẽ có những điều kiện thuận lợi để hoạt động tốt hơn.

Ví dụ, tại quận 1 không có Hội đồng nhân dân (HĐND), với Nghị quyết 54 mới, TP.HCM sẽ được chủ động đối với những quận không có HĐND, đơn cử như được dùng kết dư ngân sách 2-4% trong tổng chi ngân sách của quận để chi cho những sự kiện đặc biệt của địa phương.

Quận 1 chỉ có 168 nghìn dân nhưng có 1 triệu dân đi qua mỗi ngày, do đó chúng tôi phải xử lý những vấn đề xã hội như trật tự lòng lề đường, vệ sinh môi trường… Là quận ở vị trí trung tâm Thành phố, vấn đề an ninh chính trị rất quan trọng, nhất là những vấn đề phát sinh đột xuất.

Nhưng do không có HĐND, chúng tôi gặp khó khăn trong chi ngân sách để xử lý. Lần này có Nghị quyết mới, TP.HCM được chủ động điều đó, việc chi ngân sách quận sẽ được dự toán và thông qua HĐND Thành phố để quận được chủ động trong khả năng của mình.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 21/6

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 21/6

Bà kỳ vọng sự thay đổi của TP.HCM như thế nào sau khi có Nghị quyết 54 mới?

Lần này Nghị quyết 54 thể hiện rất rõ trong 4 lĩnh vực:

Thứ nhất, chúng tôi được sử dụng một số nội dung của Nghị quyết 54 cũ đã phát huy tốt cho Thành phố.

Thứ hai, một số điều đang được dự thảo trong các dự thảo luật cũng được đưa luôn vào dự thảo Nghị quyết để Quốc hội thảo luận và để trình Quốc hội áp dụng thí điểm tại TP.HCM. Sau giai đoạn thí điểm này, khi đưa trở lại vào dự thảo Luật sẽ giúp rút ngắn giai đoạn phải rút kinh nghiệm.

Thứ ba, chúng tôi được đề xuất những nội dung mới mà chưa có nơi nào được sử dụng, từ đó Quốc hội và Chính phủ sẽ cân nhắc và có nhiều cơ chế cho các tỉnh thành khác áp dụng theo.

Thứ tư, với những cơ chế đặc thù sắp tới được áp dụng cho TP.HCM, nếu chúng được phát huy tốt thì sẽ được áp dụng và phát huy ở các tỉnh thành khác.

Nhìn chung, chúng tôi thấy Nghị quyết 54 mới rất rạch ròi trong nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung mà TP.HCM đang gặp khó khăn khi áp dụng Nghị quyết 54 cũ.

Đó là những vấn đề có tính định hướng chung, còn những vấn đề cụ thể thì bà mong đợi điều gì?

Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, bởi vì đó là việc một thành phố đông dân như TP.HCM. Sở An toàn thực phẩm sẽ giúp UBND Thành phố, trong quyền hạn của mình, vừa có thanh tra vừa có thể xử phạt và được UBND Thành phố uỷ quyền để xử phạt những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm qua đó giám sát tốt hơn việc thanh kiểm tra đối với chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện tại, Ban An toàn thực phẩm của Thành phố là đơn vị sự nghiệp nên bị hạn chế nhiều trong tham mưu cho Thành phố cũng như tính chủ động của mình.

Một vấn đề nữa mà quận 1 quan tâm là Thành phố được chủ động phân bổ cán bộ để phục vụ cho người dân tuỳ tình hình từng địa phương.

Ví dụ ở huyện Bình Chánh có khoảng 1 triệu dân, trong đó 700 nghìn dân cơ hữu và 300 - 400 nghìn dân nhập cư, số lượng cán bộ để phục vụ cho người dân ở đây được chủ động. Trong khi đó, quận 1 chỉ có 160 nghìn dân nhưng có tới 1 triệu người đi qua Thành phố mỗi ngày, riêng lực lượng công an mỗi ngày phải chứng nhận cho hơn 30 nghìn người nước ngoài đến tạm trú tại các khách sạn, đó là một áp lực với lực lượng cán bộ tư pháp, hành pháp và lực lượng khác.

Tôi mong muốn Thành phố được chủ động cân đối số lượng biên chế từng quận tuỳ theo tình hình đặc điểm của địa phương, miễn không vượt quá trần chung.

Trước đó, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, sáng 26/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Chiều 30/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và chiều 8/6 thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết trên.

Tin bài liên quan