Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Bí thư Yên Bái Đỗ Đức Duy: Tin tưởng Quốc hội chuẩn bị kỹ càng cho những quyết sách lớn

0:00 / 0:00
0:00
“Tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ có những quyết sách đúng đắn trong quyết nghị thông qua các kế hoạch quan trọng về kinh tế - xã hội, tài chính, đầu tư công, nợ công tại kỳ họp này”.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đại biểu Đỗ Đức Duy trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội.

Thưa ông, lần đầu tiên tham gia Quốc hội, lại là đại biểu kiêm nhiệm, ông đã chuẩn bị làm nhiệm vụ tại kỳ họp này thế nào, khi mà bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội còn quyết định những vấn đề rất quan trọng khác, trong đó có các kế hoạch lớn cho cả giai đoạn 5 năm?

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Ngay từ phiên khai mạc, tôi cảm nhận và rất thấm thía bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tôi tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ XV, chắc chắn Quốc hội có nhiều đổi mới, có những đột phá trong thực hiện quyền lập pháp, giám sát tối cao, cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Trước kỳ họp này của Quốc hội, Hội nghị Trung ương lần thứ ba đã thảo luận và quyết định những vấn đề của kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính, đầu tư công, nợ công 5 năm 2021- 2025, trong bối cảnh kinh tế, xã hội đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Ở kỳ họp này, tôi kỳ vọng, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận dân chủ, khách quan và trên tinh thần kết luận định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội sẽ có những quyết sách đúng đắn khi thông qua các kế hoạch quan trọng này, làm cơ sở cho Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương triển khai, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống và sẽ thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế, xã hội.

Về sự chuẩn bị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và cá nhân tôi, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như của tỉnh, chúng tôi đã xây dựng chương trình hành động dựa trên cơ sở đánh giá khách quan toàn diện thành tựu những nhiệm kỳ trước, đồng thời phân tích đặc điểm tình hình, nhất là những yếu tố tác động đến kinh tế - xã hội 5 năm tới, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19. Từ đó, chúng tôi sẽ có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, sẽ triển khai thực hiện phù hợp với địa phương, vùng miền.

Tại kỳ họp này, Chính phủ cũng kiến nghị với Quốc hội nhiều giải pháp phát triển kinh tế vùng. Với sự chuẩn bị như vậy, tôi tin Quốc hội sẽ có giải pháp phù hợp trên bình diện quốc gia, từng vùng, địa phương, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước, cũng như từng vùng miền.

Trong danh sách 499 đại biểu Quốc hội khóa XV, có tới hơn 40 vị là Bí thư Tỉnh ủy. Và như nhiệm kỳ trước, rất hiếm khi các vị giữ cương vị này đăng ký phát biểu. Quan điểm của ông thế nào? Khi thấy vấn đề cần phát biểu hay tranh luận, liệu ông có cần “tạm quên” chức vụ để làm nhiệm vụ đại biểu một cách bình thường không?

Quan điểm của tôi là đại biểu có nhiều phương thức khác nhau để tham gia ý kiến trước khi Quốc hội biểu quyết. Đã ở phòng họp Diên Hồng thì tất cả đại biểu có mặt đều phải thực hiện trách nhiệm của mình, có thể là tham gia thảo luận tổ, gửi ý kiến chất vấn, gửi kiến nghị cử tri, hay phát biểu trực tiếp tại phiên toàn thể..., tất cả đều là phương thức biểu đạt trách nhiệm của đại biểu.

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mỗi đại biểu Quốc hội cần phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường. Ông cảm nhận thế nào về thông điệp này?

Tôi ấn tượng về câu nói “Mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp.

Tôi khẳng định, sẽ mang hết những tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương, đơn vị vào nghị trường, đồng thời đóng góp thêm các thông tin giúp các cơ quan của Quốc hội có cơ sở để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bên cạnh quyết định các kế hoạch kinh tế, xã hội, ngân sách, thì nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp này là công tác nhân sự. Ngay từ ngày đầu tiên, Quốc hội đã bắt tay vào công tác này. Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị cho nhiệm vụ trọng tâm đó?

Tôi thấy các phương án về nhân sự đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng từ khi chuẩn bị Đại hội Đảng XIII, sau đó ba hội nghị Trung ương cũng đã thảo luận kỹ lưỡng về các phương án nhân sự. Nhân sự được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này đều được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất rất cao.

Tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ đồng thuận cao để bầu và phê chuẩn nhân sự cho bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới. Tôi rất tin tưởng bộ máy mới sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Tin bài liên quan