Đại diện BIDV giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về những ứng dụng công nghệ tại Ngân hàng.

Đại diện BIDV giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về những ứng dụng công nghệ tại Ngân hàng.

BIDV: Bứt phá tương lai số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với chiến lược làm chủ công nghệ, tốc độ triển khai ấn tượng và một nền văn hóa đổi mới mạnh mẽ, BIDV đang bứt phá ngoạn mục để khẳng định vị thế ngân hàng số hàng đầu Việt Nam.

Khẳng định bản lĩnh tiên phong

Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ số, nơi công nghệ đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà đã trở thành sứ mệnh của mọi tổ chức tiên phong.

Với vai trò là một định chế tài chính chủ lực của đất nước, BIDV xác định chuyển đổi số là một trong ba trụ cột chiến lược quan trọng nhất trên hành trình phát triển đến năm 2030.

Mục tiêu của chuyển đổi số không phải là cuộc chạy đua về công nghệ, mà là hướng đến phục vụ con người. Đó là làm sao để mỗi khách hàng - dù là người dân vùng sâu, vùng xa hay doanh nghiệp lớn tại đô thị, dù là người lớn tuổi hay những bạn trẻ - đều có thể tiếp cận dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, an toàn, mọi lúc, mọi nơi.

Chuyển đổi số để thấu hiểu khách hàng hơn, phục vụ nhanh hơn, chính xác hơn và đồng hành sâu sát hơn trong mọi chặng đường phát triển.

Theo đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN về chuyển đổi số ngành ngân hàng, BIDV là một trong những tổ chức đầu tiên ban hành chiến lược hành động cụ thể.

Quan điểm xuyên suốt của BIDV trên hành trình chuyển đổi số là làm chủ toàn diện hệ sinh thái công nghệ cốt lõi. Không mua sẵn từ bên ngoài, đa số các sản phẩm quan trọng đều do đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin của BIDV tự thiết kế, phát triển và vận hành - một minh chứng rõ nét cho nội lực công nghệ vững chắc của Ngân hàng.

Tiêu biểu là Core Banking Profile, hệ thống lõi mới được triển khai thành công vào ngày 3/9/2023 sau 30 tháng triển khai, với thời gian gián đoạn chỉ 16 giờ - ngắn nhất trong lịch sử ngành.

Kế tiếp là B.One - nền tảng quản trị nội bộ toàn Ngân hàng, giúp số hóa toàn bộ quy trình làm việc của hơn 26.000 cán bộ.

Hay như Private Cloud (triển khai vào tháng 6/2024), hệ thống đám mây riêng đầu tiên trong nhóm Big4, đã vận hành đầy đủ cả môi trường chính và dự phòng chỉ sau 6 tháng, đặt nền móng cho kiến trúc Cloud First và Multi Hybrid Cloud.

Bên cạnh đó, BIDV cũng chủ động xây dựng các nền tảng phục vụ giao dịch và vận hành hiện đại như Payment Hub: Xử lý thanh toán thời gian thực theo chuẩn quốc tế ISO 20022, được vinh danh Top 10 Sao Khuê 2024; BIDV Direct: Nền tảng ngân hàng số dành riêng cho doanh nghiệp, tích hợp eKYC, thanh toán, quản lý tài khoản; B.Cash: Hệ thống quản lý kho quỹ số hóa, tối ưu vận hành tiền mặt; FX Hub, Smart Counter, Notification Hub, C-Product… hoàn thiện các khâu từ giao dịch, vận hành đến quản trị.

Từ năm 2023 đến đầu năm 2025, BIDV đã phát triển và triển khai 193 phần mềm, trong đó 52 phần mềm trong năm 2024, tất cả đều bằng nội lực. Những sản phẩm này không chỉ giúp BIDV tối ưu chi phí, tăng tốc vận hành, mà còn thể hiện rõ tư duy “phát triển theo sản phẩm” - đưa công nghệ trở thành công cụ kiến tạo giá trị, chứ không đơn thuần là hỗ trợ kỹ thuật.

Tăng tốc toàn diện

Với tầm nhìn chiến lược, đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành định chế tài chính hàng đầu Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam và nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á, tốc độ và quy mô chuyển đổi số tại BIDV được thể hiện rõ qua các kết quả vận hành và tương tác với khách hàng.

Cụ thể, nền tảng số cho khách hàng cá nhân BIDV SmartBanking với hệ sinh thái số kết nối với hơn 2.000 nhà cung cấp dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông… đang phục vụ 22,4 triệu khách hàng đáp ứng từ giao dịch cơ bản đến các giải pháp tài chính chuyên sâu, giúp BIDV trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của khách hàng.

Đáng chú ý, 95% giao dịch cá nhân thực hiện qua kênh số; 17,5 triệu giao dịch tài chính/ngày - tăng gần 5 lần so với năm 2021.

Mục tiêu chuyển đổi số của BIDV là hướng đến phục vụ con người.

Mục tiêu chuyển đổi số của BIDV là hướng đến phục vụ con người.

Đối với tỷ lệ số hóa sản phẩm được thể hiện qua con số 72% khách hàng cá nhân và 69% khách hàng tổ chức.

Hệ thống SmartBanking (ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân) có 13,2 triệu người dùng (quý I/2025), chiếm 70% nền khách hàng cá nhân và 169 triệu giao dịch/tháng (tăng 44%).

Với Omni iBank (ngân hàng số dành cho khách hàng tổ chức) đạt được con số là 884.000 giao dịch/tháng (tăng 61%), 150.000 khách hàng doanh nghiệp sử dụng BIDV Omni iBank (chiếm 58% nền khách hàng doanh nghiệp).

Liên quan đến kết nối hệ sinh thái, BIDV đã có 165 đối tác Open API; 251 kết nối hóa đơn điện tử; hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến; 2,4 triệu giao dịch dịch vụ công/năm (quý I/2025).

Bên cạnh đó là các sản phẩm số nổi bật trong năm 2023 - 2024 như cho vay cầm cố online tự động: xử lý hồ sơ vay trong 2 phút; chuyển tiền quốc tế 24/7, tài khoản “Như ý”, Smart Kids - ngân hàng số đầu tiên cho trẻ em

Về vận hành nội bộ, hệ thống B.One đã ban hành 480.776 văn bản và xử lý 516.764 công việc trong 9 tháng đầu, góp phần xây dựng “ngân hàng không giấy tờ”.

Các hệ thống được giám sát vận hành 24/7 với trung tâm SOC, đội Red Team – Blue Team mô phỏng tấn công/phòng thủ, đảm bảo tỷ lệ giao dịch thành công vượt trội: SmartBanking (96,77%), iBank (99,96%).

Bứt phá bằng con người

BIDV xác định rõ, muốn làm chủ công nghệ, trước hết, phải làm chủ nhân lực công nghệ. Chuyển đổi số không thể thành công nếu chính cán bộ nội bộ chưa sẵn sàng tư duy, năng lực và văn hóa chuyển đổi số. Theo đó, tại BIDV, mỗi nhân viên không chỉ là người thực thi mà còn là người trải nghiệm và lan tỏa giá trị số tới khách hàng.

Do vậy, từ 462 cán bộ năm 2021, đến năm 2025, BIDV đã xây dựng được đội ngũ hơn 1.100 kỹ sư công nghệ, trong đó có 15 chuyên gia đầu ngành về Cloud, AI, DevOps, Security.

Với những nỗ lực bền bỉ, BIDV đã được vinh danh bởi nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế:

Giải thưởng Chuyển đổi số xuất sắc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ASOCIO 2023)

Doanh nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu tại Việt Nam các năm 2020, 2021, 2024

Giải Ngân hàng triển khai công nghệ Core Banking tốt nhất Việt Nam 2024

53 Giải thưởng Sao Khuê, trong đó có 3 giải Top 10 cho BIDV iBank, ứng dụng CCCD tích hợp giao dịch số, và Payment Hub.

Mô hình tổ chức công nghệ thông tin được tái cấu trúc hiện đại, chuyên sâu, phân tách rõ vai trò phát triển - vận hành - bảo mật - dữ liệu. Trung tâm Tinh hoa AI (CoE AI) được thành lập từ năm 2025, sẵn sàng cho kỷ nguyên AI.

Hình ảnh những “Hiệp sĩ công nghệ” - những kỹ sư làm việc xuyên đêm, thức trắng lễ Tết để đảm bảo tiến độ các dự án lớn như Core, SmartBanking, B.One… - đã trở thành biểu tượng tinh thần bền bỉ và văn hóa cống hiến tại BIDV. Môi trường làm việc chuyên nghiệp, lộ trình nghề nghiệp rõ ràng, văn hóa sáng tạo mạnh mẽ giúp hình thành thế hệ kỹ sư BIDV bản lĩnh.

Song song với đó, văn hoá đổi mới sáng tạo được lan tỏa mạnh mẽ. Hai hội thi cấp toàn hệ thống - Sáng kiến Chuyển đổi số (2022) và Hack The Idea (2024) - đã thu hút hàng trăm đề xuất, nhiều ý tưởng được triển khai thực tế, cải tiến quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Hành trình số hóa tại BIDV không chỉ là công cuộc chuyển đổi công nghệ, mà là tiến trình đổi mới sâu sắc về tư duy, tổ chức, vận hành và văn hóa.

Trên hành trình phía trước, BIDV đặt mục tiêu vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngân hàng số, để trở thành nền tảng tài chính số quốc dân, hiện diện trong từng hành trình cuộc sống, từng quyết định tài chính của người dân Việt Nam.

Với mục tiêu đến năm 2030 trở thành ngân hàng có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, lọt Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á, BIDV đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn tầm khu vực - bằng chính công nghệ do người BIDV kiến tạo.

Tin bài liên quan