BIDV công bố chi tiết về kế hoạch chào sàn

(ĐTCK) Sáng nay ngày 20/1, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông báo chính thức việc niêm yết trên HoSE vào thứ Sáu ngày 24/1, giá chào sàn 18.700 đồng/cổ phiếu. Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV, trao đổi với ĐTCK về sự kiện này và các kế hoạch Ngân hàng sẽ thực hiện ngay sau khi niêm yết.
BIDV công bố chi tiết về kế hoạch chào sàn

Mức giá 18.700 đồng được đưa ra trên cơ sở nào thưa ông?

Giá chào sàn cổ phiếu BIDV được xác định cụ thể căn cứ vào tình hình thị trường tại thời điểm niêm yết, trên cơ sở so sánh với các ngân hàng tương đồng đang được niêm yết và khả năng sinh lời trong tương lai của BIDV. Giá chào sàn cổ phiếu BID được tính toán theo 02 phương pháp định giá được sử dụng rộng rãi hiện nay là so sánh với các ngân hàng tương đồng theo số nhân sổ sách P/BV và số nhân thu nhập P/E và phương pháp chiết khấu dòng cổ tức.

Chúng tôi tin rằng cổ phiếu BID là một hàng hóa tốt, hấp dẫn trên thị trường. BIDV cam kết với các cổ đông sẽ sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất để đảm bảo khả năng sinh lời của cổ phiếu.

Vì sao BIDV lại quyết định chọn niêm yết vào thời điểm này sau một thời gian dài trì hoãn?

Khi trở thành doanh nghiệp niêm yết, BIDV sẽ có thêm điều kiện để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, tăng cường công tác quản trị điều hành, tăng cường tính minh bạch cũng như quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên thị trường. Đây cũng là tiền đề để BIDV thực hiện kế hoạch tiếp theo là lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và niêm yết trên thị trường quốc tế.

Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV
Đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, TTCK đã khởi sắc, VN-Index duy trì mức 500 điểm kể từ đầu tháng 10/2013 đến nay và có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp trong những ngày đầu năm 2014.

Ngoài ra, việc ban hành Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 quy định về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, theo đó giới hạn mua cổ phần tại các TCTD Việt nam đã được điều chỉnh với mức tăng lên cũng đã có tác động tích cực tới TTCK trong thời gian vừa qua.

Với những tín hiệu đáng mừng của toàn nền kinh tế, của ngành ngân hàng và TTCK, Ban lãnh đạo BIDV đã quyết định đưa cổ phiếu BID chính thức lên sàn. BIDV tin rằng, với những kết quả nổi bật mà ngành ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng đã đạt được trong thời gian vừa qua, đây là thời điểm thích hợp để thu hút các nhà đầu tư mua cổ phiếu BID.

Vậy BIDV đã có kế hoạch tìm cổ đông chiến lược nước ngoài hay chưa?

Ngay từ khi khởi động công tác cổ phần hóa, các công việc chuẩn bị cho cấu phần Bán chiến lược đã được BIDV chú ý triển khai.

Sau khi hoàn tất việc niêm yết cổ phiếu, BIDV sẽ tiến hành công tác tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài. BIDV dự kiến sẽ lựa chọn 2 nhà đầu tư nước ngoài với tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV từ 25 - 30%.

Trong tổng mức sở hữu BIDV có thể phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài từ 25-30% này, theo quy định của NHNN mức sở hữu tối đa cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ là 20%. Như vậy 10% sở hữu còn lại sẽ được phát hành cho nhà đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có nhu cầu mua cao hơn mức giới hạn 20%, BIDV cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét.

Trong thời gian qua, BIDV đã tích cực phối hợp với tư vấn tài chính Morgan Stanley chuẩn bị các nội dung cho cấu phần này, cụ thể như dự thảo bản công bố thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, xây dựng tiêu chí lựa chọn. BIDV cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng các nhà đầu tư và đã có rất nhiều định chế tài chính bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội đầu tư vào BIDV. 

Ngân hàng ước tính kết quả kinh doanh năm 2013 thế nào?

Lợi nhuận trước thuế năm 2013 của BIDV đạt 5.233 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2012 và đạt 110,8% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.

Đến 31/12/2013, tổng tài sản BIDV đạt 550.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Nguồn vốn huy động đạt 472.000 tỷ đồng, trong đó huy động vốn trên thị trường 1 đạt 417.000 tỷ đồng tăng 16% so với năm 2012. Dư nợ tín dụng cho nền kinh tế là 391.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2012. Nợ xấu 2,3%.

Năm 2013, chênh lệch thu chi của Ngân hàng ước tính hơn 12.700 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro khoảng 7.700 tỷ đồng.

Cũng trong năm qua, BIDV đã hoàn tất việc phát hành cổ phần bổ sung cho cổ đông hiện hữu với số lượng là 510.032.102 cổ phiếu, tương đương 5.100 tỷ đồng và phát hành 3.150 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đáp ứng điều kiện để được tính vào vốn cấp 2. Hệ số CAR riêng lẻ, hợp nhất là hơn 10%.

Tin bài liên quan