Biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed giúp giới đầu tư trút bỏ gánh nặng

Biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed giúp giới đầu tư trút bỏ gánh nặng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trong phiên thứ Tư (11/10), sau khi biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed được công bố cho thấy sự thận trọng của các nhà hoạch định chính sách đã giúp thúc đẩy hy vọng của nhà đầu tư rằng sẽ không có đợt tăng lãi suất trong tháng 11 tới.

Các quan chức Fed chỉ ra những bất ổn về triển vọng nền kinh tế Mỹ, bao gồm khó khăn trong việc đánh giá tình trạng của thị trường tài chính, giá dầu…Điều này cho thấy Fed đang thận trọng với việc liệu có nên tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay hay không và sự thận trọng đó mang đến cho thị trường sự lạc quan.

Cùng với những động thái gần đây về lãi suất và những bình luận ôn hòa từ các quan chức Fed trong vài ngày qua và biên bản cuộc họp có vẻ đáng khích lệ đối với các nhà đầu tư, Angelo Kourkafas, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Edward Jones cho biết

"Biên bản nhấn mạnh nguy cơ thắt chặt quá mức và họ biết những gì đã xảy ra trong ba tuần qua với lãi suất, điều đó mang lại sự thoải mái cho các nhà đầu tư rằng chúng ta sẽ không thấy một đợt tăng lãi suất nào nữa", Kourkafas nói.

Hỗ trợ thị trường còn đến từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất khoảng hai tuần.

Dữ liệu đáng chú ý khác là chỉ số giá sản xuất PPI của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 9 sau khi tăng tốc 0,7% trong tháng 8. Trong khi đó, PPI lõi, loại bỏ giá thực phẩm, năng lượng và thương mại, đã tăng 0,2% sau khi tăng cùng biên độ trong tháng 8.

Trọng tâm theo dõi của thị trường bây giờ sẽ là chỉ số CPI sẽ được công bố vào thứ Năm.

Kết thúc phiên 11/10: Chỉ số Dow Jones tăng 65,57 điểm (+0,19%), lên 33.804,87 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,71 điểm (+0,43%), lên 4.376,95 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 96,83 điểm (+0,71%), lên 13.659,68 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, nhờ đà đi lên của cổ phiếu Novo Nordisk, nhờ cập nhật tích cực về thuốc trị tiểu đường Ozempic, mặc dù sự sụt giảm cổ phiếu của Fresenius Medical và gã khổng lồ xa xỉ Pháp LVMH đã hạn chế chế đà tăng của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,15% lên 453,16 điểm.

Cổ phiếu LVHM giảm 6,5% chạm mức thấp nhất trong 10 tháng, sau khi công ty hàng xa xỉ này báo cáo doanh thu quý III tăng 9%, đánh dấu mức tăng trưởng chậm lại khi người tiêu dùng thắt chặt lại hầu bao.

Cổ phiếu của các ông lớn xa xỉ khác của Pháp Hermes và Kering giảm khoảng 1,5% mỗi cổ phiếu, trong khi thước đo 10 cổ phiếu xa xỉ hàng đầu châu Âu giảm 2,7% xuống mức thấp nhất trong một tuần.

"Trung Quốc là động lực tăng trưởng cho thị trường hàng xa xỉ và rõ ràng thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và người tiêu dùng đều thận trọng đã không giúp LVMH", Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường, Hargreaves Lansdown cho biết.

Trọng tâm trong tuần này sẽ là dữ liệu lạm phát của Mỹ và các bài phát biểu từ các quan chức Fed để tìm manh mối về chính sách lãi suất, trong khi thị trường cũng sẽ chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm.

Các nhà đầu tư cũng vẫn thận trọng khi cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông làm tăng dự báo giá dầu tiếp tục tăng.

Hỗ trợ lớn nhất thị trường là Novo Nordisk đã tăng 4,9%, sau khi nhà sản xuất dược phẩm Đan Mạch cho biết họ sẽ dừng thử nghiệm nghiên cứu Ozempic điều trị suy thận ở bệnh nhân tiểu đường trước thời hạn, vì có những phân tích mới chỉ ra rằng việc điều trị sẽ thành công.

Kết thúc phiên 11/10: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 8,18 điểm (-0,11%), xuống 7.620,03 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 36,49 điểm (+0,24%), lên 15.460,01 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 31,22 điểm (-0,44%), xuống 7.131,21 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, khi cổ phiếu chip dẫn đầu đà đi lên nhờ vào những phát biểu ôn hòa hơn của các quan chức Fed.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,6% lên 31.936,51 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,19% xuống 2.307,84 điểm.

Cổ phiếu liên quan đến chip bao gồm bốn trong số sáu cổ phiếu có mức tăng tốt nhất với của Lasertec dẫn đầu khi tăng 6,33%, cổ phiếu SoftBank tăng 2,64%.

"Hiện tại, có cảm giác rằng lợi suất của Mỹ đã đạt đỉnh giúp nâng cao tâm lý thị trường”, Kazuo Kamitani, chiến lược gia tại Nomura Securities cho biết.

Ông cho biết các yếu tố nước ngoài có thể sẽ là động lực chính của thị trường cho đến khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh trong nước khởi sắc từ tuần sau đó.

Những cổ phiếu giảm mạnh nhất vào thứ Tư là vận tải biển, với chỉ số ngành giảm 3,52%, khi các nhà đầu tư chốt lời sau khi tăng lên mức cao nhất trong hai tuần trong phiên trước đó.

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, khi một báo cáo cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị một gói kích thích mới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng của năm nay cũng đã nâng cao tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,12% lên 3.078,96 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,28% lên 3.667,55 điểm.

Trung Quốc đang xem xét nâng mức thâm hụt ngân sách cho năm 2023 khi chính phủ chuẩn bị tung ra các gói kích thích mới để giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng, Bloomberg News đưa tin.

Báo cáo được đưa ra khi Trung Quốc chứng kiến dữ liệu du lịch kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua và các dấu hiệu phục hồi kinh tế dần ổn định.

Bên cạnh đó, cũng có những dấu hiệu cải thiện chính trị, sau khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao và các thượng nghị sĩ Mỹ do Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer dẫn đầu đã tổ chức các cuộc thảo luận "hợp lý và thực tế" vào thứ Hai, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, trước khi các báo cáo trong tuần này có thể báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà giao dịch tăng cường đặt cược rằng Fed sẽ tạm dừng thắt chặt chính sách một lần nữa vào tháng tới

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,29% lên 17.893,10 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,33% lên 6.132,87 điểm.

Chỉ số công nghệ tăng 2% với Alibaba Group tăng 1,4% và Tencent tăng 0,9%, trong khi Sunny Optical tăng 12%.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên tăng mạnh nhất trong 9 tháng, khi các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất pin tăng vọt nhờ báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 47,50 điểm, tương đương 1,98%, lên 2.450,08 điểm, ngày tốt nhất kể từ ngày 9/1.

Cổ phiếu Samsung Electronics tăng 2,71%, nhờ lợi nhuận quý III của nhà sản xuất chip giảm ít hơn dự kiến.

LG Energy Solution tăng 7,31% khi báo cáo lợi nhuận có khả năng tăng 40%. Các nhà sản xuất pin khác là Samsung SDI và SK Innovation cũng tăng lần lượt 4,29% và 4,77%.

Kết thúc phiên 11/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 189,98 điểm (+0,60%), lên 31.936,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,72 điểm (+0,12%), lên 3.078,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 228,37 điểm (+1,29%), lên 17.893,10 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 47,50 điểm (+1,98%), lên 2.450,08 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục giảm nhờ việc nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia cam kết giúp ổn định thị trường, sau những bất ổn ở Trung Đông những ngày qua.

Kết thúc phiên 11/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 2,48 USD/thùng (-2,9%), xuống 83,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,83 USD/thùng (-2,1%), xuống 85,82 USD/thùng.

Tin bài liên quan