Ông Vũ Xuân Tường

Ông Vũ Xuân Tường

BMI đã có biện pháp bù đắp giảm lãi tiền gửi

(ĐTCK) Tính đến 31/3/2012, Tổng CTCP Bảo Minh (mã BMI) có 131 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng trong tổng số 225 tỷ đồng tiền mặt.

Việc hạ trần lãi suất huy động xuống còn 9%/năm được dự báo sẽ khiến DN bảo hiểm phi nhân thọ bớt lãi khi một phần không nhỏ lợi nhuận của khối này lâu nay vẫn đến từ lãi gửi ngân hàng. Thừa nhận điều này, nhưng ông Vũ Xuân Tường, Phụ trách công bố thông tin của BMI cho biết thêm, để bù đắp phần lãi tiền gửi ngân hàng giảm sút, BMI đang thực hiện các giải pháp để tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của việc giảm lãi suất huy động tới lợi nhuận 6 tháng cuối năm của BMI?

Việc lãi suất sẽ giảm trong năm 2012 đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo chủ trương từ đầu năm. Vì vậy, trong kế hoạch năm 2012, BMI đã tính đến yếu tố này. Ngay từ đầu năm, BMI đã cố gắng thương lượng với các ngân hàng để gửi tiền với kỳ hạn dài nhằm giữ được mức lãi suất cao.

Tuy nhiên, việc lãi suất giảm quá nhanh và liên tục trong một thời gian ngắn chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới lợi nhuận từ đầu tư của BMI trong những tháng cuối năm.

 

Tính đến hết tháng 6, lượng tiền gửi ngân hàng của BMI là bao nhiêu, lãi suất thế nào? 

Thông tin về lượng tiền gửi của BMI xin mời quý vị cổ đông tham khảo trong báo cáo 6 tháng sẽ được tải lên mạng theo quy định của UBCK. Về lãi suất, Bảo Minh gửi tiền với lãi suất trần do NHNN quy định.

BMI có đề ra hướng kinh doanh nào nhằm bù đắp phần thiếu hụt từ lãi tiền gửi ngân hàng bị giảm bớt, để vẫn đảm bảo lợi nhuận năm theo kế hoạch đề ra?

Về mặt đầu tư thì BMI phải đảm bảo an toàn cho nguồn vốn của mình, nên không thể đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế, TTCK và nhiều DN đang còn rất khó khăn. Để bù đắp phần lãi tiền gửi ngân hàng bị giảm sút, BMI đang thực hiện các giải pháp để tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình, theo hướng giảm tỷ trọng các khoản đầu tư hiện có mức sinh lời thấp. Bên cạnh đó, BMI tăng cường mọi biện pháp để quản lý chặt dòng tiền, đưa tối đa phí bảo hiểm thu được vào đầu tư một cách nhanh nhất. Về mặt kinh doanh bảo hiểm, BMI đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh, góp phần tăng lợi nhuận chung của toàn Tổng công ty.

Một mặt nào đó, ông có nghĩ lãi suất giảm cũng khiến các DN bảo hiểm được hưởng lợi nhất định?

Về lý thuyết, khi lãi suất giảm thì các chi phí đầu vào của DN cũng được giảm theo, các khách hàng của DN bảo hiểm bớt khó khăn hơn, từ đó việc bán bảo hiểm có thể thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, lãi suất giảm cũng được kỳ vọng làm cho một số chi phí của DN bảo hiểm giảm theo, ví dụ chi phí vật tư thay thế trong công tác giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì các khách hàng của DN bảo hiểm vẫn còn rất khó khăn, thậm chí nhiều khách hàng không có khả năng chi trả phí bảo hiểm; giá cả các loại vật tư cũng như các chi phí khác vẫn chưa giảm, một số khoản chi như điện, nước còn tăng thêm. Vì vậy, DN bảo hiểm chưa thể cắt giảm được chi phí như kỳ vọng.

Về lâu dài, lãi suất giảm có thể làm cho các DN bảo hiểm hưởng lợi, nhưng trong ngắn hạn thì chưa thể hiện rõ.