Bộ Công thương đề nghị Gia Lai sớm giao mặt bằng dự án thuỷ điện Yaly mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
Gia Lai vẫn chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bàn giao đất cho dự án Thuỷ điện Yaly mở rộng để triển khai thi công, đảm bảo tiến độ.
Toàn cảnh Nhà máy thuỷ điện Yaly hiện nay

Toàn cảnh Nhà máy thuỷ điện Yaly hiện nay

Thuỷ điện Yaly mở rộng chờ mặt bằng

Theo ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc EVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng với công suất 360 MW. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine làm cho giá cả vật liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu (xăng dầu tăng gần 100%, thép tăng 30%,...), nhưng liên danh các nhà thầu đã và đang nỗ lực điều hành, thi công trên công trường.

Đến nay, nhiều hạng mục đã vượt tiến độ so với kế hoạch được duyệt từ 1 đến 3 tháng.

Cũng theo lãnh đạo EVN, tại văn bản số 656/TTg-NN ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng. Tuy nhiên, tỉnh Gia Lai vẫn có ý kiến chưa đủ cơ sở thực hiện do quy hoạch lâm nghiệp quốc gia 2021-2030 chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Do đó, EVN đề nghị UBND tỉnh Gia Lai rà soát cập nhật chỉ tiêu còn lại được phép chuyển mục đích sử dụng đã được Chính phủ phân bổ trong quy hoạch giai đoạn 2016-2020 sang thực hiện giai đoạn 2021-2030 cho dự án theo văn bản hướng dẫn số 1409/TCLN-KL ngày 05/9/2022 của Tổng cục Lâm nghiệp.

Việc này nhằm để sớm hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bàn giao đất cho dự án để có thể triển khai thi công các hạng mục đảm bảo tiến độ.

Ngoài dự án trên, EVN cũng đang triển khai đầu tư nhiều dự án truyền tải khác như: nâng công suất Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2, xây dựng đường dây 220 kV Pleiku 2 - KrongBuk mạch 2, trạm biến áp 220 kV An Khê và đấu nối, trạm biến áp 220 kV Krông Pa và đường dây 220 kV Krông Pa - Chư Sê, đường dây 500 kV Dung Quất - Krông Buk.

Các dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và giai đoạn 2025 - 2030. Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đang đầu tư 7 công trình lưới điện 110 kV, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025. Ngoài ra, còn có nhiều dự án cấp điện nông thôn khác.

Vì vậy, EVN cũng kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị điện lực trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 và Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh Gia Lai.

Bố trí quỹ đất cho các dự án điện trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch sử dụng đất hằng năm và công bố công khai. Tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đặc biệt đối với các công trình tại thành phố và các thị trấn, thị tứ trong tỉnh.

Đối với các khu công nghiệp, các phụ tải lớn có nhu cầu từ 20MW trở lên, đề nghị tỉnh chỉ đạo các khách hàng phải bố trí đất để xây dựng trạm và hành lang tuyến đường dây 110 kV.

Đầu tư thêm năng lượng tái tạo

Cho rằng, Gia Lai thời gian qua đã tận dụng tốt tiềm năng sẵn có để phát triển nguồn thủy điện, điện gió, điện mặt trời, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió.

Ngoài ra, Gia Lai có tiềm năng điện sinh khối và tỉnh nên quan tâm, kêu gọi đầu tư để phát huy lợi thế này.

Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng Gia Lai có tiềm năng về điện sinh khối
Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng Gia Lai có tiềm năng về điện sinh khối

Đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho Dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng, Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị, tỉnh Gia Lai xử lý dứt điểm kiến nghị của EVN để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án nhằm đảm bảo tiến độ.

Về phía tỉnh Gia Lai, lãnh đạo UBND tỉnh đã quyết định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị chức năng của EVN để sớm tháo gỡ vướng mắc của Dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng.

Với thực tế tình trạng di cư tự do của một số đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến một số điểm dân cư mới hình thành nằm xa lưới điện quốc gia, việc đầu tư cấp điện cho các điểm dân cư này còn gặp nhiều khó khan nên tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ Công thương, EVN, EVNCPC đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016 - 2025.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét tiếp tục nghiên cứu, tính toán cơ cấu nguồn điện cân đối giữa các vùng, miền, địa phương; giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Với kinh nghiệm thu hút đầu tư, quản lý các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trong những năm qua, tỉnh Gia Lai cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư các dự án triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đúng thời gian theo quy hoạch được duyệt.

Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng gồm 2 tổ máy, công suất 180 MW/tổ máy. Sau khi hoàn thành mở rộng, tổng công suất nhà máy sẽ đạt 1.080 MW.

Mục tiêu của dự án mở rộng này nhằm tăng khả năng huy động công suất, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng tính ổn định và an toàn...), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.

Giá trị của việc mở rộng thủy điện không đơn thuần là phần điện năng tăng thêm do mở rộng công suất mà là giá trị về công suất khả dụng, khả năng tham gia phủ đỉnh, hoặc hỗ trợ hệ thống với thời gian nhanh nhất.

Hiệu quả kinh tế thể hiện qua lượng điện năng mà phần mở rộng chuyển đổi được từ giờ thấp điểm sang giờ cao điểm.

Tin bài liên quan