Sáng 7/11, tại cây xăng tại 69 Lạc Trung, Vĩnh Tuy (Hà Nội) bán xăng không quá 500.000 đồng/xe ô tô.

Sáng 7/11, tại cây xăng tại 69 Lạc Trung, Vĩnh Tuy (Hà Nội) bán xăng không quá 500.000 đồng/xe ô tô.

Bộ Công thương đề nghị nhiều bộ, ngành, địa phương hỗ trợ đảm bảo cung ứng xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công thương đề nghị nhiều bộ ngành, địa phương và các nhà máy lọc dầu cùng vào cuộc để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.

Bộ Công thương vừa có công văn gửi tới Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, các Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Lọc dầu Bình Sơn và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Hiện, tình trạng thiếu xăng dầu không chỉ dừng lại ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam mà đã lan rộng tới nhiều quận, huyện ở Hà Nội. Trong gần 1 tuần qua, nhiều cây xăng ở Hà Nội đã tạm ngưng bán hàng hoặc bán cầm chừng, người dân phải xếp hàng cả tiếng để mua xăng, gây bức xúc và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

Ngay sáng nay, 6h30, tại cây xăng số 69 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn trong cảnh người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. Cây xăng này cũng khống chế mức đổ xăng với xe ô tô không quá 500.000 đồng.

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Công an, chính quyền các địa phương xem xét, có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

Đối với hai thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

Bộ Công thương cũng có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng yêu cầu chỉ đạo Tổng công ty dầu Việt Nam - Công ty cổ phần (PvOil) chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu, mua trong nước để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Tổng công ty và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Tổng công ty.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, chiều ngày 4/11/2022, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công thương.

Ngay trong chiều 4/11, Bộ Công thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11/2022 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Công thương có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với từng doanh nghiệp mà đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản. Đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành để giải quyết một cách khẩn trương, hiệu quả.

Bộ Công thương hy vọng, sới sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công thương hy vọng những khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Tin bài liên quan