Bộ GTVT nói khó bố trí vốn ngân sách để nâng cấp ga đường sắt Cao Xá

0:00 / 0:00
0:00
Ga Cao Xá trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để trở thành ga liên vận quốc tế, có chức năng là trung tâm logistics địa phương.
Đại diện các cơ quan chức năng khảo sát hạ tầng ga Cao Xa - Hải Dương.

Đại diện các cơ quan chức năng khảo sát hạ tầng ga Cao Xa - Hải Dương.

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn trả lời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về phương án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế.

Theo Bộ GTVT, ga Cao Xá nằm gần các khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn, khả năng nối kết đường giao thông trong tỉnh Hải Dương và tới các tỉnh lân cận cơ bản thuận lợi; hiện nay, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch xây dựng trung tâm Logistics tại khu vực ga Cao Xá.

Bộ GTVT cơ bản thống nhất với đề xuất UBND tỉnh Hải Dương và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc nghiên cứu nâng cấp, đầu tư ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế.

Về phương án đầu tư ga Cao Xá, Bộ GTVT cho biết là ngày 14/11/2023, bộ này nhận được văn bản số 3763/ĐS-ĐTXD của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tại văn bản này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng ga Cao Xá để phục vụ vận tải liên vận quốc tế theo 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự tổ chức triển khai thực hiện bằng các nguồn vốn hợp pháp nhằm nâng cấp một số hạng mục hiện có trong ga nhằm mục tiêu đủ điều kiện khai thác chạy tàu liên vận tại ga Cao Xá vào đầu quý 2/2024 với quy mô dự kiến chủ yếu gồm: cải tạo mặt bãi hàng và đường vào bãi hàng hiện tại, đảm bảo diện tích bãi hàng 10.000 m2; sửa chữa nhà văn phòng hiện tại tại khu vực ga; xây mới kho hàng (kho tạm) 100m2 có tường bao quanh; xây dựng hàng rào bảo vệ, hệ thống camera giám sát, hệ thống chữa cháy, chiếu sáng quanh khu vực bãi hàng.

Trong giai đoạn 2 - khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt đến tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận tăng lên dẫn đến nhu cầu cần tiếp tục đầu tư nâng cấp ga Cao Xá, Bộ GTVT xem xét đầu tư giai đoạn 2 của ga bằng nguồn vốn trung hạn để đáp ứng nhu cầu vận tải liên vận bằng đường sắt.

Theo Bộ GTVT, đề xuất này của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có sự điều chỉnh so với đề nghị của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hồi cuối tháng 10/2023 (ưu tiên bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, hoặc từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đối với dự án đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đường sắt ga Cao Xá giai đoạn 1; cấp phép hoạt động liên vận quốc tế tại ga Cao Xá (dự kiến quý I/2024).

“Hiện nay, vốn bố trí cho ngành GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 rất hạn hẹp, khả năng cân đối nguồn vốn khó khăn và việc sử nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để đầu tư nâng cấp chưa phù hợp với quy định Luật Ngân sách”, Bộ GTVT cho biết.

Chính vì vậy, Bộ GTVT hoan nghênh việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất phương án tự tổ chức triển khai thực hiện (giai đoạn 1) bằng các nguồn vốn hợp pháp nhằm nâng cấp một số hạng mục hiện có trong ga nhằm mục tiêu đủ điều kiện khai thác chạy tàu liên vận quốc tế và Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 khi nhu cầu tăng cao.

Để có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến về đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và gửi về Bộ GTVT trước ngày 15/12/2023 để triển khai bước tiếp theo.

Ga Cao Xá hiện là ga hạng 4, nằm tại lý trình Km50+ 870 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, gần với các khu công nghiệp lớn của tỉnh Hải Dương như: Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, Ken Mark…

Nếu tổ chức được hoạt động liên vận quốc tế, hàng hóa tại Hải Dương có thể xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… bằng đường sắt thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển để làm thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển, mà thực hiện các thủ tục khai báo xuất nhập khẩu hàng hóa ngay tại tỉnh. Mặt khác, thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang thị trường Nga, châu Âu rút ngắn, chỉ bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện hàng hóa tại Hải Dương chưa xuất - nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt. Các ga trên địa bàn chưa có bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container.

Do đó, ga Cao Xá cần được xây dựng cải tạo theo phân khu chức năng riêng như bãi hàng chứa container trên 10.000m2 có tường bao quanh; khu vực làm hàng xuất nhập khẩu, giám sát hải quan...

Tin bài liên quan