Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tiên phong cải cách, đổi mới

6 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu thế tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Trong thành tựu này có đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, và là đơn vị luôn tiên phong cải cách, đổi mới.

Hôm nay (18/7), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Chỉ là hội nghị sơ kết của một ngành, nhưng việc điểm lại những việc đã làm được, cũng như chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. 

Bởi lẽ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê nói chung trong hơn 7 thập kỷ xây dựng và phát triển vừa qua luôn khẳng định được vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Đảng, Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô.

6 tháng đầu năm 2019 cũng vậy, trong thành tựu chung của nền kinh tế, có đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và toàn ngành.

Năm 2019 được xác định là năm bứt phá, và để bứt phá, không thể không tiếp tục cải cách, đổi mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nhiều năm qua đã luôn giữ vững ngọn cờ cải cách, đi đầu trong đổi mới, nay lại tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong về cải cách, đổi mới trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật, kế hoạch hóa, tham mưu tổng hợp…

Một trong những bằng chứng rõ nét nhất, đó là Bộ đã luôn đi đầu trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Và một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong nửa đầu năm nay, đó là đã thành công trong việc dự thảo và trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020, với nhiều cải cách, đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư công, nhằm tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực đầu tư cho phát triển của cả Nhà nước và khu vực tư nhân.

Trong suốt hơn 2 năm xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo đã luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn công tác quản lý đầu tư công trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới mạnh mẽ, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ.

Tiếp nối bài học kinh nghiệm và những thành công trong xây dựng Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. 

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai Luật Quy hoạch, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và đang nỗ lực bắt tay vào việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, làm cơ sở để xây dựng các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng...

Không chỉ trong xây dựng thể chế, pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 6 tháng qua cũng đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng tháng, hằng quý phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới, kịp thời báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời tham mưu những giải pháp, chính sách cụ thể, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. 

Bên cạnh đó, cũng đang thực hiện nhiều phần việc quan trọng để chuẩn bị xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cũng như chuẩn bị xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...

Tiếp tục tiên phong đổi mới, cải cách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đi đầu trong đề xuất các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Năm nay, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã được ban hành cùng với Nghị quyết số 01/NQ-CP. Đây là một nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. 

Trong khi đó, liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hay công tác thống kê, công tác xây dựng Chiến lược và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tiếp tục đi đầu trong cải cách, đổi mới.

Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, được cho là bước đi vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.

Cùng với đó, một trong những cải cách, đổi mới quan trọng, thậm chí có ý nghĩa “tiên phong” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong những tháng đầu năm, đó là Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi và thể chế vượt trội đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. 

Đồng thời, Bộ cũng đang tích cực nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam, xây dựng Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, tiếp tục kết nối Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam…

Những tiên phong đổi mới, cải cách này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể nói, đã góp phần quan trọng không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển, mà còn thúc đẩy công cuộc cải cách và đổi mới của nền kinh tế Việt Nam, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Tin bài liên quan