Bò ơi chào mi nhé

Bò ơi chào mi nhé

(ĐTCK-online) Mục sở thị chú bò phố Wall, tôi không hiểu tại sao người ta lại chọn chú bò mộng làm biểu tượng cho niềm hy vọng “gặt hái” trên thị trường chứng khoán?

Người thì gọi đó là chú bò mộng phố Wall, chắc vì nó nằm kề ngay cạnh con phố được coi là biểu tượng của giới tư bản tài chính “cá mập”. Người thì gọi nó là chú bò chọi, hẳn là do tư thế sẵn sàng uýnh nhau của nó. Cũng có người gọi là chú bò Bowling Green , có lẽ là theo tên công viên nơi nó được toạ lạc. Nhưng với tên gọi nào đi chăng nữa, nó luôn là một sự thu hút đặc biệt đối với những kẻ hiếu kỳ lần đầu chân ướt chân ráo đến Thành phố New York như tôi.

Chú bò mộng gần 3,2 tấn sừng sững này dường như khiến cả dân “trong nghề” lẫn du khách bộ hành quan tâm chẳng kém gì “trung tâm của các trung tâm tài chính thế giới” ngay sát đó. Thậm chí, theo cảm nhận của cá nhân tôi, tác phẩm điêu khắc hoành tráng bằng đồng này còn được ưu ái hơn cả NYSE - Sở Giao dịch chứng khoán New York . Bởi với chú, người ta không chỉ chụp được vài tấm ảnh lưu niệm, mà còn có thể “sờ soạng” để cầu may, cầu mong ăn nên làm ra trong ngành công nghiệp chứng khoán vốn dĩ là nơi chẳng phải lúc nào cũng dễ nhặt nhạnh. Ở khía cạnh nào đó, nó cũng giống như khách thập phương nhất định phải chạm tay được vào những “đụn vàng, đụn bạc” ở một số hang động, chùa chiền nhằm kiếm tìm chút tài lộc.

Quả có thế, tin hay không thì tuỳ, nhưng đúng là từ khi được đặt ngay trước NYSE vào ngày 15/12/1989 rồi buộc phải di dời vài bước chân sang ngụ cư ở địa chỉ thường trú hiện nay, chú bò chọi này đã trở thành linh vật cầu tài của bao nhà môi giới tại NYSE hàng ngày qua lại trên đường đi làm. Cứ mỗi người “sờ một tý” cầu may, cộng thêm bàn tay của du khách thập phương hiếu kỳ, khiến chú bò mộng gần chục năm qua không có “cơ hội” nào để ngả sang màu xanh gỉ. Thật khác xa thân phận tượng Nữ thần tự do nổi tiếng hơn chú nhiều, ở cách đó không mấy xa, được thời gian phủ một tấm áo màu xanh rực trong ánh mặt trời, khiến nhiều người vẫn nhầm tưởng đó là nước sơn nguyên bản theo ý đồ của người tạo ra tác phẩm nghệ thuật này.

Tôi đồ rằng, việc các nhà môi giới tin vào sự may mắn khi sờ vào hiện vật hai sừng này có xuất xứ từ thiện ý của người làm ra nó - nghệ sỹ Arturo Di Modica. Chuyện kể rằng, sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán Mỹ năm 1987, nhà điêu khắc tài hoa này đã quyết định tự bỏ ra 360.000 USD để tạo hình, đúc và chở món quà Giáng sinh nặng gần 3,2 tấn đến đặt trước NYSE với thành ý mang lại điều may mắn cho các công dân đang cư ngụ tại Thành phố New York. Hình ảnh chú bò tót hơi khuỵu hai chân trước, với cặp sừng nghiêng nghiêng thể hiện tư thế sẵn sàng chiến đấu đã trở thành biểu tượng của sự lạc quan và thịnh vượng của thị trường tài chính.

Nhưng cá nhân tôi vẫn băn khoăn một câu hỏi: Tại sao lại là bò tót? Bất cứ ai đã từng xem những hình ảnh về một trận đấu bò tót và bỏ chút thời giờ nghiên cứu môn sinh vật cũng có thể biết rằng, bò tót bị kích động khi nhìn thấy màu đỏ. Vì thế, nếu hình ảnh chú bò phố Wall này ám chỉ một điều gì đó thì rõ ràng là chú đang nhìn thấy màu đỏ (nên mới chuẩn bị đánh nhau, hẳn thế!). Và đối với những ai đang kiếm tìm một cơ hội trên bãi chiến trường chứng khoán, dù ở nơi nào trên trái đất này, màu đỏ rõ ràng không phải là màu ưa thích. Tất nhiên, cũng có những ngoại lệ nhưng không phải là phổ biến trong số công chúng đầu tư.

Thân phận chú bò phố Wall cũng phải trải qua chút ba chìm bảy nổi. Sau khi được đặt ngay trước NYSE, các nhà chức trách phát hiện ra rằng, người nghệ sỹ tạo ra chú tuy có thiện ý nhưng lại thiếu… giấy phép. Thế là chú lại phải di dời đến khu vực phía bắc Công viên Bowling Green . Tuy nhiên, đến đó chú vẫn chưa được yên. Vị trí chú đứng rõ ràng là quá nghêng ngang, khiến một chiếc xe phóng nhanh đâm phải. Bản thân chú thì không hề hấn gì, nhưng chiếc xe kia thì bị hỏng hoàn toàn. Người ta buộc phải đặt chú lùi lại một quãng, chính là vị trí chú đang khom chân ngày nay.

Những ngày này, trên khắp các thị trường thế giới, từ New York đến Tokyo, Frankfurt tới Hồng Kông, và kể cả thị trường Việt Nam vốn được coi là hung hăng như một chú bò mộng, màu đỏ dường như đang là màu chủ đạo, cuốn trôi hầu như gần hết thành quả của một năm “chiến đấu”. Tôi đoán rằng, các nhà môi giới ở NYSE lúc này, nếu vẫn tiếp tục “sờ soạng” cầu may, sẽ chỉ có cảm giác đang bị… bò đá. Và đối với những người lấy chứng khoán làm tình yêu, chắc hẳn ca bài “Bò ơi, chào mi!” lúc này là hợp nhất. Không biết các nhà đầu tư Việt Nam có nhã hứng mở cuộc vận động quyên góp để đúc một chú bò tương tự đặt trước HOSE không?