Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu có từ lâu nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu có từ lâu nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Bỏ sổ hộ khẩu, giảm bớt thủ tục cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
“Đã đến lúc phải bỏ sổ hộ khẩu, còn mấy chục thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu lạc hậu rồi thì cũng bỏ đi, giảm bớt thủ tục cho dân nhờ”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn quan điểm khác nhau của Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Lo xáo trộn lớn

Việc chuyển đổi quản lý bằng sổ hộ khẩu (hộ khẩu giấy) sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Bộ Công an là cơ quan soạn thảo dự án luật) là hoàn toàn có thể thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Song, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành. 

Do đó, nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là tại những nơi chưa đáp ứng được hạ tầng kết nối với các cơ sở dữ liệu nói trên cho đến hết ngày 31/12/2025 - là thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện.

Cơ quan thẩm tra lý giải, thời điểm này, 100% cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa, lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Không thể kéo dài thêm 5 năm nữa

Trong quá trình chỉnh lý, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Cư trú là từ ngày 1/7/2021, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới và sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị từ thời điểm Luật có hiệu lực.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nếu vẫn lưu lại sổ hộ khẩu cho tới năm 2025 là không phù hợp, không thực tế.

“Bỏ sổ hộ khẩu là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân. Nếu lại kéo dài thêm 1 nhiệm kỳ 5 năm nữa thì cho thấy quyết tâm thay đổi không cao”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Vị đại diện cơ quan soạn thảo cũng thêm một lần nữa khẳng định, việc thực hiện bỏ sổ hộ khẩu từ 1/7/2021 là hoàn toàn khả thi. Vì thế, "không có căn cứ gì kéo dài giữ sổ hộ khẩu song hành cho tới năm 2025".

Nhìn nhận việc kéo dài thời gian chuyển tiếp đến năm 2025 là quá dài, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng lo ngại nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu thì có thể nảy sinh những trục trặc, vì liên quan đến nhiều thủ tục hành chính.

Theo ông Thanh, có thể áp dụng như việc thu phí tự động không dừng vẫn đang có cả hai làn, tức là cho tồn tại song song cả 2 hình thức để có thời gian chuyển tiếp linh hoạt.

Thể hiện quan điểm mạnh mẽ ủng hộ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Trên thế giới không biết còn nước nào giữ sổ hộ khẩu hay không. Chúng ta đưa ra chủ trương bỏ sổ hộ khẩu quá lâu rồi, đến lúc phải bỏ, tôi ủng hộ việc này" .

"Phải từng bước văn minh, hiện đại hơn, chứ đừng nhìn về quá khứ. Còn mấy chục thủ tục liên quan đến hộ khẩu lạc hậu rồi thì bỏ đi, giảm bớt thủ tục cho dân nhờ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về băn khoăn không kịp thực hiện vào giữa năm sau của nhiều đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu tới lúc đó chưa xong thì Quốc hội sẽ gia hạn thêm, còn ngày 1/7/2021 là mốc để cố gắng phấn đấu.

“Tôi thống nhất như đề xuất của Chính phủ, không nên kéo dài đến năm 2025”, Chủ tịch Quốc hội tỏ rõ quan điểm.

Thống nhất bỏ điều kiện riêng đăng ký thường trú tại thành phố lớn

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc không cần thiết quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương như trong luật hiện hành. Bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn, nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Để giải quyết vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, nên tập trung vào các giải pháp có tính tổng thể về quy hoạch, về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, các đô thị vệ tinh, bảo đảm cân đối về phân bổ nguồn lực, thực hiện nghiêm việc di dời các nhà máy, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành, không xây dựng các khu chung cư tập trung cao tầng ở khu vực nội thành và hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, có tính chất phân biệt đối xử giữa các vùng miền, nông thôn, đô thị.

Tin bài liên quan