Nhà máy nước sạch sông Đuống. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhà máy nước sạch sông Đuống. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ Tài chính yêu cầu Hà Nội loại chi phí lãi vay khi tính giá nước sạch sông Đuống

Bộ Tài chính cho biết chi phí lãi vay để đầu tư dự án của doanh nghiệp được đưa vào để hình thành phương án giá của nước sạch sông Đuống cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản.

Tại giao ban báo chí ngày 12/11, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết nhà đầu tư dự án nhà máy nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đưa vào sử dụng, chi phí lãi vay này sẽ phải được tính vào giá nước.

Giá nước sạch sông Đuống được tính đúng, tính đủ

Là nhà máy nước sạch quy mô cấp vùng, nhà máy nước mặt sông Đuống có tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Lý giải việc Hà Nội phải trợ giá hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch khi mua của công ty nước mặt sông Đuống, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà khẳng định giá nước sạch sông Đuống được “tính đúng, tính đủ” theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Ông Hà cho biết lãi vay cũng ảnh hưởng đến giá nước. Nhà đầu tư dự án nhà máy nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng số cụ thể là khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng thì chi phí lãi vay sẽ phải được tính vào trong giá nước.

Ở đây, chi phí lãi vay có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong quá trình thực hiện dự án, được tính vào giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Còn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay công ty phải trả hàng năm, lãi vay ấy được tính vào giá thành.

Bộ Tài chính yêu cầu loại trừ

Ngày 18/4, Bộ Tài chính đã có văn bản số 4581/BTC-QLG về vướng mắc trong xây dựng phương án giá đối với nhà máy nước mặt sông Đuống.

Theo Bộ Tài chính, về đề xuất nguyên tắc xác định các yếu tố chi phí tạm thời trong cơ cấu giá: Tại khoản 1, điều 3 thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT quy định, giá tiêu thụ nước sạch phải tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ (bao gồm cả chi phí duy trì, đấu nối) để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành và lợi nhuận định mức hợp lý của khối lượng nước thương phẩm do các tổ chức, cá nhận thực hiện một phần hoặc thực hiện tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn và bán lẻ nước sạch…

Tuy nhiên, do dự án chưa quyết toán, không đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể, vì vậy, Bộ Tài chính nhất trí với nguyên tắc xác định mức giá tạm tính UBND TP Hà Nội đề xuất. Riêng với chi phí lãi vay, cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định.

Về việc cấp bù cho 2 đơn vị lưu thông (bán lẻ) và đơn vị sản xuất (bán buôn), Bộ Tài chính cho biết, đối với đơn vị lưu thông, việc xem xét, thực hiện cấp bù cho các đơn vị theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thẩm quyền dự toán chi ngân sách nhà nước cấp bù được thực hiện theo quy định của luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này, tại điều 4, thông tư liên tịch số 75 quy định: hàng năm, khi các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất, cung ứng nước sạch tính theo các nguyên tắc quy định tại điều 3 và các phương pháp xác định tổng chi phí sản xuất quy định tại điều 5 thông tư này có biến động hoặc khi có sự cố thay đổi về công nghệ xử lý nước, quy chuẩn chất lược dịch vụ; sự thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước có liên quan làm giá thành tiêu thụ nước sạch tăng hoặc giảm thì phải xem xét điều chỉnh lại khung giá, mức giá tiêu thụ nước sạch cụ thể.

Đối với đơn vị sản xuất bán buôn, đề nghị căn cứ quy định của luật Ngân sách nhà nước để thực hiện.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo phân kỳ 2 của dự án nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu nước sạch và cân đối tài chính của các đơn vị cấp nước trên địa bàn TP.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch chịu trách nhiệm về số liệu đưa vào tính toán; Sở Tài chính chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp lệ của số liệu đưa vào tính toán và kết quả tính toán giá tạm tính, phương án giá của đơn vị phân phối theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước.

Trường hợp thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế hoặc kiểm toán báo cáo tài chính với Kiểm toán Nhà nước, hoặc thanh tra, kiểm tra có những khoản chi phí không được coi là hợp lý, hợp lệ để hạch toán trong chi phí theo kết luận của các cơ quan này thì đơn vị sản xuất - kinh doanh nước sạch phải giảm giá bán tương ứng đồng thời nộp ngân sách số tiền chênh lệch.

Trong công văn trả lời UBND TP Hà Nội ngày 14/11, Bộ Tài chính tái khẳng định: "Trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hoá vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hoá để tránh tính trùng chi phí".

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn vướng mắc về phương án cấp bù cho các đơn vị sản xuất và lưu thông nước sạch khi nhà máy nước mặt sông Đuống đi vào vận hành cấp nước.

Tin bài liên quan