
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hoá tại Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam.
Sáng 18/7, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chống hàng giả, hàng lậu những tháng cuối năm 2025, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “TP. Hà Nội không có ngoại lệ, không có vùng cấm trong hoạt động chống buôn lậu, hàng giả. Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt ở các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng toàn thành phố đã kiểm tra, xử lý 8.542 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2.146 tỷ đồng. Tổng số vụ bị phát hiện, bắt giữ là 9.582 vụ, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi. Nhiều doanh nghiệp được lập ra dưới dạng “vỏ bọc”, đăng ký kinh doanh tại các khu vực hẻo lánh, khiến công tác truy xuất gặp khó khăn.
Đáng chú ý, có trường hợp các đối tượng nhập thuốc chính hãng, sau đó tráo một phần bằng thuốc giả, khiến việc kiểm tra bằng mắt thường hoặc phương pháp thông thường khó phát hiện. Thêm vào đó, việc sử dụng bao bì, tem chống giả sao chép tinh vi, vỏ hộp in giống hệt hàng thật khiến cả người tiêu dùng và cơ quan kiểm tra dễ bị đánh lừa.
Tình trạng này không giới hạn trong các cửa hàng hay kho hàng, mà còn len lỏi vào các ứng dụng giao hàng, sàn thương mại điện tử, sân bay và bưu cục. Đại diện Chi cục Hải quan Khu vực I TP. Hà Nội cảnh báo, vàng miếng và ngoại tệ được giấu tinh vi trong hành lý, kiện hàng chuyển phát nhanh. Điều này khiến các cửa ngõ giao thương, nhất là đường hàng không, trở thành “điểm nóng” cần kiểm soát chặt chẽ.
Theo đánh giá từ các lực lượng chức năng, thương mại điện tử và mạng xã hội đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng lậu ngày càng phổ biến. Việc sử dụng tài khoản ảo, thông tin giả mạo, quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng dễ bị dụ dỗ, trong khi pháp luật còn thiếu những chế tài đủ mạnh để răn đe.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia sớm đề xuất bổ sung quy định về đăng ký kinh doanh, công khai danh tính và trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân, tổ chức quảng cáo trên không gian mạng. Đồng thời, yêu cầu nâng cao hiệu quả phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị như công an, quản lý thị trường, y tế, hải quan… để kịp thời phát hiện và xử lý thủ đoạn mới.
Đề cập tới sự phân tán trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, các đại biểu kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo hướng giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì trong đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh tình trạng chồng chéo.
Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đề xuất điều chỉnh Bộ luật Hình sự và các Nghị định xử phạt hành chính liên quan để tăng mức xử phạt, đặc biệt với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quảng cáo gian dối, và lợi dụng không gian mạng để thu lợi bất chính.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, đề xuất xây dựng hệ thống kho vật chứng chuyên dụng, có điều kiện bảo quản phù hợp với hàng hóa đặc thù như thực phẩm, mỹ phẩm, thiết bị điện tử…
Một trong những giải pháp được Hà Nội đặc biệt quan tâm là ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác giám sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Theo đó, thành phố đang đề xuất nâng cấp các trung tâm kiểm định chất lượng, trang bị ô tô kiểm định di động để kiểm tra nhanh hàng hóa ngay tại hiện trường.
Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn lực cho các tổ chức giám định, kiểm nghiệm được chỉ định sẽ giúp các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, chính xác, đặc biệt trong các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm và hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Thành phố, cùng với việc nhận diện rõ thách thức và đề xuất đồng bộ các giải pháp về pháp lý, tổ chức, nhân lực và công nghệ, TP. Hà Nội đang từng bước tạo dựng hàng rào phòng vệ chắc chắn trước tình trạng hàng giả, hàng lậu ngày càng tinh vi.
“Phải chủ động phòng ngừa, kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng trọng điểm, nhất là sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Cơ quan Thường trực BCĐ 389 Hà Nội cần phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác kiểm soát trên cả thị trường thực tế lẫn không gian mạng", Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.